28/10/2021 17:25  
Dự án luật Thi đua khen thưởng bỏ nhạc sĩ khỏi danh sách xét tặng Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, nhưng nhiều đại biểu đề nghị giữ.

Trong buổi thảo luận dự án luật Thi đua khen thưởng sửa đổi sáng 28/10, đại biểu Dương Minh Ánh (Hiệu trưởng Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) cho rằng bỏ nhạc sĩ khỏi đối tượng xét tặng là không phù hợp. Nhạc sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình sáng tạo, không có họ thì không có tác phẩm để các ca sĩ, nhạc công thể hiện.

Theo bà Ánh, nhạc sĩ cũng như đạo diễn, nhân viên quay phim, âm thanh, họa sĩ, biên đạo... - những đối tượng trong dự luật. "Nếu họ đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định số lượng giải thưởng uy tín, số năm công tác đóng góp cho ngành văn hóa, nghệ thuật thì họ phải được xét tặng", bà nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) cho rằng việc xét và trao danh hiệu là hình thức tôn vinh, tạo động lực trong hoạt động nghệ thuật và cống hiến của các nghệ sĩ.

Tuy nhiên, có một điều chưa hợp lý là nhiều năm qua, danh hiệu chỉ được xét và trao cho các nghệ sĩ biểu diễn, không phải nghệ sĩ sáng tác. Vì vậy, những tác giả lớn như nhạc sĩ Cao Văn Lầu, soạn giả Yên Lang, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển... với những tác phẩm sống mãi cùng thời gian lại không được xét tặng.

Nữ đại biểu Bạc Liêu cho biết văn học nghệ thuật hiện nay có chín chuyên ngành, gồm văn học, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, kiến trúc và văn nghệ dân gian. "Giới nghệ sĩ cả nước thiết tha kiến nghị Ban soạn thảo xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cho các nghệ sĩ sáng tác có đủ điều kiện", bà nói.

Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Danh Tú phân tích dự thảo luật vẫn quy định họa sĩ - người sáng tác tranh - là đối tượng xét tặng mà loại bỏ nhạc sĩ thì chưa bảo đảm thống nhất.

Nhiều đại biểu không đồng tình quan điểm của Bộ Nội vụ là những văn, nghệ sĩ hoạt động ở lĩnh vực sáng tạo đã có Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Theo bà Thu Đông, tiêu chí thời gian xét tặng của hai hình thức này rất khác nhau. Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú ba năm một lần. Trong khi thời gian xét tặng và trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước là 5 năm một lần.

Chung ý kiến, đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học Truyền máu Trung ương) nói Giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước trao cho tác phẩm, còn danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú là cho sự nghiệp. Một nhạc sĩ có những tác phẩm rất nổi tiếng, được Giải thưởng Hồ Chí Minh, nếu tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật xuất sắc và xứng đáng là Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân thì cũng nên được phong tặng.

Ông Trí dẫn giải: "Trong ngành y của chúng tôi, có thầy thuốc có những công trình rất nổi tiếng, họ sẽ được Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng khoa học, công nghệ. Bên cạnh đó, họ đóng góp vào sự nghiệp khám, chữa bệnh tốt thì sẽ được phong tặng Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú".

Điều 64 Luật Thi đua khen thưởng hiện hành quy định: Đối tượng được xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, phát thanh viên hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Dự án Luật (sửa đổi) trình Quốc hội khóa 15 đã bỏ nhạc sĩ, phát thanh viên ra khỏi danh sách.

Hoàng Thùy - Viết Tuân

Nguồn tin: vnexpress.net


Cao đẳng   Hà Nội   Nghệ thuật   Việt Nam   kiến nghị   sáng tạo   âm nhạc  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...