02/12/2021 13:10  
Theo chuyên gia, có một nhóm môi giới, cò đất chuyên vin vào cái cớ mơ hồ như về quy hoạch để thổi giá... mà hầu hết chỉ là thông tin "nghe hơi nồi chõ". Nhóm ấy không đơn lẻ mà thành một mạng lưới.

Cẩn trọng trước cơn sóng đất vùng ven

Theo ghi nhận, đất vùng ven gần Hà Nội năm qua liên tục nổi sóng. Lượng quan tâm từ nhà đầu tư tăng mạnh.

Dẫn số liệu báo cáo từ địa phương, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết tại thời điểm cuối quý I, đầu quý II, hiện tượng tăng giá, thậm chí "sốt" tại một số phân khúc bất động sản diễn ra.

Cụ thể, giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao như ở vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%)…

Nhiều nơi như Thanh Hóa; TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ (TPHCM); Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai)… cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.

Còn theo ghi nhận của Hội môi giới bất động sản, cá biệt có trường hợp tăng giá gấp 2-3.

Có một điểm đáng chú ý khác, sau mỗi đợt Covid-19, mức độ quan tâm đối với bất động sản luôn tăng mạnh. Theo số liệu của batdongsan.com.vn, sau Covid-19 đợt 1, mức độ quan tâm tới thị trường tăng 306%, sau Covid-19 lần 2 thị trường tăng 62%, sau Covid-19 lần 3, thị trường tăng mạnh 378%.

Đến nay, khi dịch Covid-19 đang tạm thời được kiểm soát, chính quyền gỡ các yêu cầu về giãn cách thì thị trường bất động sản lại đang "nóng" trở lại. Mức độ quan tâm thị trường cũng đổ dồn về phía một số khu vực xuất hiện dự án lớn được đầu tư, mở rộng hoặc thông tin nâng cấp đơn vị hành chính…

Tại Bắc Giang, nhiều phiên đấu giá gần đây nóng hầm hập khi nhà đầu tư đổ về đông như trẩy hội. Một môi giới cho biết, thời gian trở lại đây giá đất nền tại Bắc Giang bắt đầu có sự biến động, lượng quan tâm tăng mạnh.

Trước đó, tại Mê Linh - nơi từng xảy ra cơn sốt đất hồi đầu năm mới đây lại tiếp tục dậy sóng với đề xuất quy hoạch lên thành phố. Một số thông tin xuất hiện về việc bất động sản Mê Linh "sốt" trở lại, nhiều nhà đầu tư tấp nập kéo đến khảo sát, giao dịch.

Không phủ nhận sức cầu rất lớn song nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến sự cẩn trọng đối với các thông tin được đưa ra hiện nay. Nhiều lo ngại về các độc chiêu của giới cò khi tạo sự khan hiếm giả, thổi giá, cuối cùng giao dịch ảo… sẽ làm người mua "lãnh" hậu quả.

Trao đổi với Dân trí về sự thật cơn sốt đất khu vực này, ông T. - địa chính xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) cho biết, đúng là lượng nhà đầu tư quan tâm tới đất đai khu vực này có tăng, song không phải "sốt" hầm hập như nhiều thông tin đưa ra. Lượng giao dịch không nhiều bởi nhiều người cũng lo ngại giá đất ở đây đã tăng cao sau thời gian sốt vừa qua nên không muốn vào, lo rủi ro. Vị này cũng cho biết, người mua đã cẩn trọng hơn rất nhiều trong việc xem xét các yếu tố liên quan đến giá cả, pháp lý...

"Sốt" ảo làm lợi cho nhóm cò mồi

Trao đổi với Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng, có một nhóm môi giới, cò đất chuyên vin vào cái cớ mơ hồ như về quy hoạch để thổi giá... mà hầu hết chỉ là thông tin "nghe hơi nồi chõ".

"Việc tạo "sốt" ảo về bản chất chỉ làm lợi cho nhóm cò mồi, còn người mua càng về sau càng thua thiệt khi phải chịu giá quá cao, vượt xa giá trị thực của tài sản.Sau đó nhóm này tung hứng với nhau, tự thổi giá, tạo sự xôn xao, lan truyền thông tin về sốt đất để lôi kéo những người muốn đầu tư tìm về", ông Võ nói.

Theo ông Võ, nhóm ấy không đơn lẻ mà tạo thành một mạng lưới, có thể điều chỉnh thời gian đến khi vỡ bong bóng. Họ kích giá lên rồi nhảy ra, khiến thị trường sụt xuống sau đó. Kiểu này xuất hiện ở nhiều nơi với những dạng thức khác nhau, len lỏi vào các xóm làng.

'Theo tôi, với những cảnh thị trường náo loạn, lộn xộn, sốt ảo, giá tăng dựng đứng,... như thế, người mua đất nên tránh xa. Độ rủi ro rất cao, chẳng khác gì đánh bạc, khả năng thua nhiều hơn thắng. Còn ai nhiều tiền chấp nhận rủi ro, "được ăn cả ngã về không" thì cứ vào cuộc với ý tưởng "đầu tư rủi ro", ông Võ khuyến cáo nhà đầu tư.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội cũng cho rằng, với những nơi chỉ trong thời gian ngắn đã tăng giá mạnh thì cẩn trọng chiêu tung tin, thổi giá.

Các cơn sốt đất thời gian qua đều có mang bóng dáng của chiêu trò, thổi giá. Một nhóm "cò" liên kết với nhau, lợi dụng các thông tin quy hoạch chưa rõ ràng để tạo sự khan hiếm nguồn cung nhằm trục lợi hoặc những khu vực nào đang có "sóng" nhẹ.

Bên cạnh vấn đề về nhu cầu đầu tư bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, cũng thắng thắn việc "không loại trừ chuyện các nhà đầu cơ, cò mồi, chủ đầu tư "bất lương" tung tin đồn thổi để kích đám đông, thổi giá".

Tại hội nghị diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng nhấn mạnh việc tăng giá còn có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết nhau ôm hàng, làm giá, tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo. 

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hoạt động về giao dịch bất động sản vẫn còn lộn xộn, chưa được kiểm soát tốt. Hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản còn tồn tại nhiều bất cập, khiến công tác quản lý nhà nước về giao dịch bất động sản gặp rất nhiều khó khăn,.

Cụ thể như việc chưa hình thành được hệ thống giao dịch được kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch bất động sản, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Ngoài ra, đội ngũ làm môi giới bất động sản còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn "chụp giật", không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại khách hàng; không ít những người hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới bất động sản.

Nguyễn Khánh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Biên Hòa   Covid   Covid-19   HCM   Hiệp hội   Hà Nội   TPHCM   chuyên gia   doanh nghiệp   quy hoạch   Đồng Nai  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...