07/02/2022 20:22  
Là một đô thị lớn, hiện đại, TP.HCM đang cần những bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một "megacity" của thế giới.

Có rất nhiều lợi thế để TP.HCM trở thành một siêu đô thị - megacity của thế giới. TP.HCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục. TP.HCM là đầu mối giao thông của Việt Nam và Đông Nam Á, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không. TP.HCM nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, dễ dàng di chuyển đến nhiều tỉnh, thành... Với những lợi thế ấy, khi TP.HCM phát triển thành siêu đô thị sẽ càng thu hút thêm nhiều vốn đầu tư từ nước ngoài.

Theo ông Danny Võ Thành Đăng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), có ba yếu tố giúp xây dựng thành công thương hiệu một thành phố là chiến lược, hình ảnh và văn hóa.

Với chiến lược, lãnh đạo TP.HCM cần xác định được tầm nhìn, sứ mệnh của việc xây dựng thương hiệu với nhiều bản sắc riêng. Đó là những công trình kiến trúc nghệ thuật, lễ hội đặc sắc, ẩm thực độc đáo... Bên cạnh đó, cần có tầm nhìn 5 năm, 10 năm, những kế hoạch dài hơi, khả năng thích ứng nhanh với xã hội thay đổi liên tục, dự liệu những tình huống xấu để sẵn sàng đối phó.

Về hình ảnh, cần lấy những hình ảnh tạo nên thương hiệu cho TP.HCM, như trụ sở chính quyền thành phố, tòa nhà Bitexco, Landmark 81, nhà thờ Đức Bà, dinh Độc Lập, chợ Bến Thành, hồ con Rùa... Bên cạnh những công trình kiến trúc ấy, quan tâm tới hình ảnh thương hiệu thể hiện cách giải quyết tình trạng ngập lụt, xử lý nước thải, rác thải, hạn chế tình trạng kẹt xe, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị...

Với văn hóa, lãnh đạo thành phố cần thường xuyên tạo sự giao lưu, kết nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như giữa những người dân đến từ nước ngoài, đến từ các vùng miền trong nước, khiến họ đến với TP.HCM cảm thấy như đang ở quê hương mình.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nguồn nhân lực giỏi chuyên môn, sáng tâm đức, xây dựng bộ máy lãnh đạo tiên phong trong mọi hành động, tử tế trong đối nhân xử thế, thấu cảm nhân dân, tỉnh thức trong công việc, tiệm cận với xu thế toàn cầu. Có như thế mới giúp giữ chân nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài và người dân gắn bó và cống hiến cho thành phố. Đây cũng là cách để TP.HCM tạo dựng thương hiệu bền vững.

Hãy học cách Nhật Bản xây dựng Tokyo trở thành một trong những megacity đầu tiên trên thế giới. Với dân số 37,4 triệu người (năm 2020), Tokyo gây ấn tượng mạnh với bạn bè quốc tế bằng những hình ảnh rất riêng, như giao lộ Shibuya - ngã tư đông đúc nhất thế giới, chợ Tsukiji - chợ cá bán buôn lớn nhất hành tinh, những chuyến tàu điện ngầm đông nghẹt người ra vào bến đúng giờ tính bằng giây... Những hình ảnh đặc trưng của Tokyo gắn liền với chiến lược thương hiệu của thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế về mọi mặt của một nền văn hóa sáng tạo, sôi động được phục hồi sau chiến tranh và thảm họa thiên nhiên. Các nhà lãnh đạo của Tokyo đã có nhiều giải pháp hữu hiệu giảm ô nhiễm không khí, giảm xả rác, giảm tội phạm... Chính những điều ấy đã xây dựng nên thương hiệu Tokyo là một thành phố năng động, an toàn, đáng sống, góp phần khẳng định vị thế và thu hút nhiều nhà đầu tư. 

Ông Danny Võ Thành Đăng cho rằng, TP.HCM cần tập trung thể hiện những điểm đặc biệt, độc đáo nhất của mình. Chẳng hạn, TP.HCM là địa phương duy nhất của Việt Nam có "thành phố trong thành phố”. Đây là điểm khác biệt cần được tập trung truyền thông, giới thiệu qua nhiều kênh như YouTube, Facebook, TV, báo viết, báo nói. Đồng thời, thành phố cần đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi đầu tư vào các dự án thuộc "Đề án xây dựng thành phố thông minh" và "Đề án hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông". Doanh nghiệp nước ngoài hiểu rõ về điều này, họ sẽ đẩy mạnh đầu tư vào thị trường tiềm năng như TP.HCM, từ đó giá trị thương hiệu của thành phố càng được nâng cao.

Để TP.HCM trở thành một thương hiệu mạnh, lãnh đạo TP.HCM cần quan tâm hơn nữa đời sống người dân, đặc biệt là người nghèo, tạo việc làm cho những mảnh đời không may, xóa bỏ các khu ổ chuột, giảm thiểu tội phạm, tệ nạn xã hội, khắc phục các vấn đề về giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, ngập úng. Giải quyết những bất cập trong nội bộ thành công, thương hiệu TP.HCM sẽ được nâng tầm.

Đất nước đang bước sang giai đoạn bình thường mới, mỗi người cũng cần phải đổi mới tư duy, nâng cao năng lực và nhạy bén tận dụng thời cơ này để xây dựng thành công thương hiệu TP.HCM. Có như vậy, uy tín và vị thế của thành phố với quốc tế mới được nâng lên, khoảng cách đến với "megaciy" cũng dần được rút ngắn. Xây dựng thương hiệu thành phố thành công, chỉ khi chúng ta áp dụng nhuần nhuyễn giữa chiến lược phát triển, hình ảnh và văn hóa của địa phương. Việc duy trì một thương hiệu mạnh sẽ là nền tảng vững chắc để duy trì vị thế và thương hiệu thành phố.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


HCM   Hiệp hội   Nhật Bản   Việt Nam   chiến lược   doanh nghiệp   sáng tạo   thực phẩm   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...