19/06/2021 18:25  
TP HCMDoanh nghiệp đã "gồng mình" trước tác động kép của dịch bệnh, giá nguyên liệu tăng cao, giờ bị thu thêm phí hạ tầng cảng biển sẽ khiến họ "kiệt sức".

Sở Giao thông Vận tải TP HCM bắt đầu thử nghiệm thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển từ ngày 15/6, sau đó sẽ thu phí chính thức từ 0 giờ ngày 1/7/2021.

Theo đó, mức phí hạ tầng cảng biển tại TP HCM sẽ áp thấp nhất là 15.000 đồng một tấn và cao nhất 4,4 triệu đồng một tấn, tùy theo chủng loại hàng hóa và container.

Trong khi TP HCM khẳng định, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển được dùng để đầu tư xây dựng, sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông, cải thiện các trục đường gần cảng thì các doanh nghiệp có lượng hàng xuất khẩu lớn cho rằng, việc thu phí này tạo ra nhiều điểm bất hợp lý và giảm tính cạnh khi xuất khẩu hàng ra nước ngoài. Do đó, hầu hết doanh nghiệp cho rằng chưa nên thu mức phí này trong năm nay.

Trao đổi với VnExpress, ông Dương Khuê, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phong Phú cho biết, việc thu phí hạ tầng cảng biển sẽ khiến chi phí doanh nghiệp tăng cao, giảm tính cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu.

"Một tháng, chúng tôi xuất khoảng 150 container và nhập nguyên liệu với số lượng tương đương. Nếu thu phí hạ tầng như trên, doanh nghiệp sẽ tốn thêm hàng tỷ đồng chi phí", ông Khuê nói và cho rằng, hiện doanh nghiệp dệt may Việt không phải là người quyết định giá của sản phẩm đầu cuối mà đa phần là gia công. Nên sản phẩm xuất cho đối tác chỉ ở một mức giá cố định và được ký hợp đồng cả năm nên không thể thay đổi hay đòi hỏi tăng giá nếu chi phí tăng cao.

Theo ông Khuê, khi chi phí doanh nghiệp tăng sẽ khiến lợi nhuận bị "ăn mòn", đời sống của người lao động cũng bị giảm sút. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp đang phải "gồng mình" trước các tác động kép từ giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí sản xuất, chống dịch tăng cao.

Cũng xuất nhập thường xuyên mỗi tháng khoảng 180 container nguyên liệu cho hoạt động sản xuất thực phẩm qua cảng Cát Lái, ông Vũ Huy Quang, Giám đốc kinh doanh xuất khẩu Công ty Cổ phần Saigon Food cho rằng, tình hình dịch bệnh khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng 20-30% đã khiến doanh nghiệp lao đao. Đợt này, TP HCM lại thu thêm phí hạ tầng cảng biển sẽ khiến doanh nghiệp "kiệt sức".

"1/7 nếu TP HCM vẫn quyết áp dụng thu phí hạ tầng, các nhà cung cấp nguyên liệu cho biết họ sẽ cộng thêm chi phí này vào giá bán cho công ty. Do đó, giá thành sản xuất sản phẩm sẽ tăng cao. Trong khi để hỗ trợ người tiêu dùng trong dịch bệnh, công ty không tăng giá bán. Dự báo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nguy cơ bị ảnh hưởng lớn", ông Quang nói.

Nhóm doanh nghiệp gỗ, thủy sản, điều, cà phê cũng cho rằng hoạt động xuất khẩu sẽ bị tác động mạnh. Nhiều mặt hàng Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh tốt thì việc thu phí này làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, khiến giá hàng xuất đi chênh lệch lớn so với các đối thủ ngoại. Trong khi đó, các đối thủ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan giá hàng hóa của họ đang có mức hấp dẫn vì được Chính phủ hậu thuẫn.

Trước đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP cũng cho rằng, việc thu phí này tạo ra nhiều bất hợp lý. Bởi hiện nay các doanh nghiệp phải nộp quá nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng như phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ, phí BOT... nay lại thêm phí hạ tầng cảng biển thì quá nặng.

VASEP đưa ra dẫn chứng, một doanh nghiệp thủy sản đưa hàng từ Khánh Hòa vào cảng Cát Lái hiện phải đi qua 7 trạm thu phí BOT, với lượng xuất khẩu 3.000 container một năm thì mỗi năm phải tốn 7,5 tỷ đồng phí BOT. Nếu phải gánh thêm khoản phí hạ tầng, họ phải chi trả thêm khoảng 5,5 tỷ đồng một năm nữa.

Thêm vào đó, doanh nghiệp thủy sản hầu hết đều có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, gia công và tái xuất thành phẩm. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải chịu 2 lần phí cho container hàng nhập khẩu và hàng xuất khẩu. Trong khi hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu hiện nay đều tập trung tại các cảng biển của TP HCM.

Mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP HCM.

Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, việc thu phí hạ tầng cảng biển đang khiến doanh nghiệp "phí chồng nhiều lần phí". Trong khi đó, tiền thuế phí xuất nhập khẩu doanh nghiệp cũng đã đóng. Đáng nói là từ nhiều năm nay, chi phí logistics của Việt Nam luôn ở mức cao so với các nước trong khu vực, giờ cộng thêm phí hạ tầng cảng biển sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn vì Covid-19.

Theo ông Hiển, TP HCM ra Nghị quyết về thu phí hạ tầng cảng biển là thiếu tính logic, chưa phù hợp với thực tế. Bởi lẽ, để mở rộng cơ sở hạ tầng cần có lộ trình phù hợp.

"Mục tiêu thu phí hạ tầng của TP HCM dùng để đảm bảo và mở rộng đường bộ, xây dựng cầu phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông trên địa bàn là sai", ông Hiển nói và dẫn chứng rằng, trên thế giới, họ đầu tư đầy đủ hệ thống đường xá, doanh nghiệp được sử dụng mới thu phí và mức thu rất thấp.

Ông Hiển đề xuất nên dừng việc thu phí này và Sở Giao thông Vận tải TP HCM nên đề xuất Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Bộ Tài Chính trích phần đóng góp thuế, phí về hạ tầng của doanh nghiệp trước đó để sửa chữa, xây dựng hạ tầng mới hoặc có thể huy động nguồn tiền từ nhiều hoạt động khác.

Trên một góc độ khác, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, việc thu phí hạ tầng cảng biển này còn gây ra tình trạng phân biệt đối xử khi tăng mức phí gấp đôi với nhóm doanh nghiệp không mở tờ khai hải quan tại TP HCM.

"Mở tờ khai hải quan ở đâu tức là nộp thuế ở đó, thành tích thu thuế là một chỉ tiêu quan trọng của bất kỳ địa phương nào. Nhưng việc sử dụng một biện pháp thu phí mang tính phân biệt đối xử như trên không chỉ có dấu hiệu trái luật mà còn là một biện pháp cạnh tranh không lành mạnh, không xứng với vị thế của một thành phố đầu tàu về phát triển kinh tế", ông Hải nêu quan điểm.

Đồng thời ông Hải cho rằng, đây có thể cũng là một lý do khiến Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu TP HCM cùng với Hải Phòng là địa phương đã triển khai thu phí hạ tầng trước đó, có giải trình. Tuy nhiên, đến đầu tháng 6 mới chỉ có Hải Phòng thực hiện yêu cầu này.

Theo ông Hải, Nghị quyết thu phí hạ tầng của TP HCM đang không tính đến yếu tố thực tế của hoạt động logistics. Hàng hóa đến cảng của Thành phố không phải chỉ là hàng hóa xuất nhập khẩu, mà còn có hàng hóa trung chuyển, chuyển tải đi Campuchia và các địa phương khác. Các hàng hóa này chỉ luân chuyển trong khu vực nội bộ cảng và chủ yếu chuyển đi bằng đường thủy, không gây ùn tắc giao thông nên việc đóng thêm phí hạ tầng là không hợp lý. Đây cũng là nội dung được Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA) phản ánh trong công văn gửi đến các cấp.

Đứng ở góc nhìn toàn thị trường, một chuyên gia logistics cho rằng, những hạ tầng trọng yếu như cảng biển, sân bay có thể thuộc một địa phương nào đó, nhưng trong mối tương quan phát triển kinh tế của đất nước cũng như liên kết vùng, cần xác định các hạ tầng đó không phải chỉ để phục vụ riêng một địa phương, mà địa phương đó còn có trách nhiệm tạo thuận lợi cho các địa phương khác cùng sử dụng, khai thác.

Thi Hà

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Covid   Covid-19   HCM   Hiệp hội   Hội đồng Quản trị   Kinh doanh   Mục tiêu   Trung Quốc   Tài chính   Việt Nam   chuyên gia   doanh nghiệp   dịch vụ   logistics   sân bay   sản xuất   thực phẩm   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...