23/12/2021 7:10  
Mạnh dạn bỏ hơn một tỷ đồng để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng, anh Nguyễn Văn Toàn không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người mà còn có thu nhập hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.

Người làm thuê thành ông chủ 

Trước đây, anh Nguyễn Văn Toàn (42 tuổi, ngụ tại xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) từng có thời gian dài làm thuê cho các xưởng chế biến cỏ bàng tại địa phương. 

Làm việc tại các xưởng chế biến cỏ bàng, anh Toàn học hỏi được nhiều kinh nghiệm, từ cách phân loại, xử lý cọng bàng cho mềm mượt đến quy trình dập, đan, may…

Anh Toàn cho biết: "Cỏ bàng chủ yếu được dùng làm giỏ xách, chiếu, đệm... cung cấp trong khu vực. Bà con thường làm theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ nên thế mạnh về cây cỏ bàng vẫn chưa được phát huy triệt để".

Sau khi tìm được thị trường tiêu thụ, năm 2007, anh Toàn quyết định bỏ vốn hơn một tỷ đồng xây dựng nhà xưởng rộng khoảng 300 m2, rồi mua máy móc, trang thiết bị làm một cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ của riêng mình.

Cơ sở của anh Toàn thu mua cỏ bàng do người dân thu hoạch để làm nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, để có thu nhập cao hơn, đa số bà con lựa chọn gia công tấm manh (đệm) thô bán cho anh Toàn.

Để làm được tấm manh thô phải qua nhiều công đoạn như nhổ bàng, phân loại bàng theo chiều cao, phơi khô, giã để cho cọng bàng dẹp và đan đát thành những tấm manh thô theo kích cỡ mà cơ sở yêu cầu.

Manh thô khi thu mua về xưởng sẽ tiếp tục trải qua thêm khoảng 10 bước nữa để tạo ra được sản phẩm mỹ nghệ theo yêu cầu của khách.

"Manh thô thu về sẽ phải nhúng keo, phơi, dập khuôn, cắt ráp, may theo mẫu… Với một số mẫu khách yêu cầu nhuộm màu thì mình phải xử lý cọng bàng ngay từ đầu, đòi hỏi nhiều kỹ thuật hơn", anh Toàn cho biết thêm.

Theo lời anh Toàn, cỏ bàng có thể nhuộm được nhiều màu sắc như xanh, đỏ, vàng… nhưng khó nhuộm nhất vẫn là màu đen. Màu đen phải pha từ 4 màu, cọng bàng ngâm trong dung dịch màu này từ 15 đến 25 phút thì đem ra phơi một nắng (khoảng 4 - 5 tiếng).

Đưa cỏ bàng xuất ngoại

Hiện cơ sở của anh Toàn có thể cung cấp đa dạng các mặt hàng như thùng, sọt, túi xách, giỏ xách, đệm bàng, vật dụng nội thất… vừa bền đẹp lại thân thiện với môi trường.

Nhờ nắm bắt được thị trường và xu thế sống xanh, anh Toàn kết nối được một số công ty xuất nhập khẩu ở TPHCM, các sản phẩm của anh đã được xuất sang thị trường Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Trung bình mỗi tháng cơ sở của anh Toàn xuất 4.000 - 5.000 mặt hàng mỹ nghệ từ cỏ bàng.

"3 năm đầu khởi nghiệp rất chật vật khi mình bỏ ra số vốn lớn nhưng chưa biết có thu hồi kịp không. May mắn thay, nhờ nguyên liệu đầu vào ổn định, thị trường tiêu thụ không gặp cạnh tranh nên từ năm 2010 đến nay, tôi đã có lợi nhuận khá. Trừ hết chi phí mỗi tháng tôi lãi từ 40 đến 50 triệu đồng", chủ cơ sở cỏ bàng tiết lộ.

Anh Tăng Văn Toàn, Bí thư xã Đoàn Phú Lợi cho biết, không chỉ làm giàu cho bản thân, xưởng thủ công mỹ nghệ của anh Toàn từ khi thành lập đã góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

"Hiện, cơ sở tạo việc làm ổn định cho hơn 200 lao động thường xuyên và thời vụ, với mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng hoặc tính theo sản phẩm. Đặc biệt, cơ sở của anh Toàn có 2 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao của OCOP (chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm) góp phần phát triển thương hiệu cây cỏ bàng của xã Phú Lợi", Bí thư đoàn xã Tăng Văn Toàn thông tin thêm.

Bảo Kỳ

Nguồn tin: dantri.com.vn


HCM   Nhật Bản   TPHCM   làm giàu   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...