22/09/2021 10:10  
"Việc cha mẹ đặt trách nhiệm quá lớn lên vai con trẻ vô hình trung sẽ khiến con cảm thấy cha mẹ chính là gánh nặng cho các con. Mình nghĩ không có gì là bất hiếu khi đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão".

Theo clip trên mạng xã hội TikTok, cô gái trẻ V.K nêu quan điểm phản đối việc cha mẹ đòi hỏi trách nhiệm từ con cái, khiến các con cảm thấy cha mẹ là gánh nặng. Cô cho rằng việc nuôi con là trách nhiệm của bố mẹ.

Quan điểm này lập tức trở thành chủ đề tranh luận của giới trẻ, trong đó thế hệ GenZ (chào đời từ năm 1997 tới 2012). Trong số các ý kiến bàn luận, một số người cho rằng cô gái trong clip có quan điểm sai lệch, đi ngược lại với văn hóa Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Song đáng nói là, có không ít người trẻ bày tỏ đồng tình với ý kiến của cô gái, cho rằng đa số mọi người đều có cha mẹ yêu thương và không áp đặt con cái.

Những người đồng tình với cô gái chỉ ra thực tế là rất nhiều cha mẹ đặt quá nhiều kì vọng lên  con mình, từ đó can thiệp rất sâu vào đời sống của con cái, cướp mất quyền tự do phát triển cũng như không gian riêng tư của con.

Một số cha mẹ ngày nay có xu hướng bắt ép con cái phải sống và làm theo sự sắp xếp của mình. Vô hình trung, cha mẹ tạo nên "những tảng đá vô hình" đè nặng lên vai, tước đi sự tự do thay vì trở thành điểm tựa cho các con.

Một số ý kiến tiêu biểu như:

- Mình thấy bạn nói cũng đúng thôi vì ngày nay có nhiều bậc phụ huynh dùng cái cớ về mặt vật chất để tạo ra áp lực, bắt ép con cái làm những điều quá đáng, khiến con càng thêm mặc cảm, xa cách khi đối diện với gia đình.

- Ba mẹ muốn yêu thương con cái hết mực thì không nên gây ra áp lực vô hình với trẻ con bằng lời nói gây tổn thương, cũng như suy nghĩ là tâm lí con cái không quan trọng bằng sự vất vả của mình, vì cả hai đều cần được tôn trọng như nhau.

- Ở các nước phát triển, hầu hết cha mẹ về già cũng chọn vào viện dưỡng lão sống. Mình thấy đây sự là văn minh, chúng ta nên học hỏi và cởi mở hơn trong suy nghĩ thay vì cứ khư khư dựa vào con rồi lại tủi hờn, trách cứ chúng.

- Xã hội ngày một hiện đại, mọi người cũng nên nghĩ thoáng hơn.

Lòng hiếu thảo phải xuất phát từ sự tự nguyện

Theo cách nhìn nhận của bạn Lê Hương Giang (sinh viên năm thứ nhất Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hà Nội), ý kiến của V.K chưa được khách quan.

"Chúng ta thường được dạy dỗ rằng con cái phải có hiếu với cha mẹ, đó là bổn phận và trách nhiệm của phận làm con. Tuy nhiên, lòng hiếu thảo phải xuất phát từ sự tự nguyện, cha mẹ không nên và cũng không được ép buộc con mình, hay đặt nặng trách nhiệm nuôi bố mẹ lên con cái. Theo mình, chúng ta nên cố gắng, chăm chỉ để mang đến cho bố mẹ cuộc sống tốt hơn khi về già. Đồng thời, cha mẹ cần hiểu và cảm thông cho con cái", Giang chia sẻ.

Đồng quan điểm với Hương Giang, Nguyễn Lê Vy (sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội) cho rằng các bậc phụ huynh hiện nay đang có xu hướng đặt nặng trách nhiệm và vấn đề lên con cái.

Lê Vy nói: "Mình nhận thấy nhiều cha mẹ còn tỏ rõ thái độ, bắt ép con trẻ. Đồng ý là khi bố mẹ về già thì mình - là một người con, có trách nhiệm phải trả ơn, phụng dưỡng chăm sóc nhưng không có nghĩa là bố mẹ sẽ lấy những điều này ra để răn đe con cái".

"Cha mẹ không nên ép buộc hay tạo ra áp lực nặng nề cho các con. Bởi theo mình, việc báo hiếu cha mẹ nên xuất phát từ sự tự nguyện. Việc cha mẹ đặt trách nhiệm quá lớn lên vai con trẻ như vậy, vô hình trung sẽ khiến con cảm thấy cha mẹ chính là gánh nặng cho các con", Lê Vy cho biết thêm.

Truyền thống hiếu đạo là tốt nhưng không nên quá khắt khe

Đọc bình luận về những ý kiến trái chiều khi cho rằng quan điểm của V.K là quan điểm trái với đạo hiếu của người dân Việt Nam, Hương Giang cho hay: "Bậc làm con phải có hiếu và trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ - điều này mình hoàn toàn không phủ nhận. Nhưng tùy theo hoàn cảnh gia đình, nếu người con không đủ điều kiện để gánh vác, họ có thể đưa bố mẹ đến viện dưỡng lão. Viện dưỡng lão cũng rất đầy đủ, bố mẹ sẽ được chăm sóc, nhưng song song với đó, con cái vẫn cần phải có trách nhiệm thăm hỏi, quan tâm về mặt tinh thần".

Khi được hỏi về quan điểm cá nhân trước ý kiến của một số người cho rằng, việc "đẩy" cha mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu, Hương Giang thẳng thắn: "Ý kiến đó có phần gay gắt và bảo thủ. Mình nghĩ không có gì là bất hiếu khi đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão. Ngày nay, chúng ta đang phải chật vật mưu sinh kiếm sống hàng ngày, gánh nặng cơm áo, gạo tiền... Có rất nhiều người không đủ khả năng nuôi cha mẹ, vì vậy có nhiều viện dưỡng lão được mở ra để thay ta gánh vác một phần trách nhiệm".

Nếu so sánh với bên phương Tây, ta có thể thấy rằng việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là xu hướng ngày nay. Đơn giản là bởi ngày nay, càng nhiều người đối mặt với áp lực cuộc sống lớn. Còn chúng ta được ảnh hưởng từ Nho giáo nên khó chấp nhận hơn là điều dễ hiểu".

Mai Linh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Hà Nội   TikTok   Việt Nam   Xã hội  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...