22/12/2021 6:25  
Trong khi Hà Lan, Đan Mạch khẩn trương siết hạn chế, đóng cửa dịch vụ không thiết yếu, Tây Ban Nha, Italy và Pháp duy trì trạng thái mở cửa và đặt cược vào vaccine.

Sau khi biến củng Omicron lây lan mạnh, Hà Lan quy định người dân chỉ được phép mời hai khách đến nhà riêng. Đây là một phần của chính sách giãn cách mới. Tại Đan Mạch, giới chức một lần nữa tái áp dụng quy định đóng cửa rạp chiếu phim, công viên giải trí, vườn thú và các cơ sở không thiết yếu khác.

Ngược lại ở Pháp, cuộc sống gần như trở lại bình thường bất chấp biến chủng Omicron đang lây lan. Tây Ban Nha và Italy cũng đặt cược vào tỷ lệ bao phủ vaccine cao và một số hạn chế từ trước đó, cho rằng điều này đủ để ngăn ngừa virus. Các nước quan sát tình hình tại những điểm nóng dịch bệnh như Anh, Hà Lan hay Đan Mạch để đưa ra quyết định tiếp theo.

Phản ứng trái ngược của các nước châu Âu hầu hết dựa vào số ca nhiễm và nhập viện vì Omicron và Covid-19 nói chung.

Ở London, số ca Covid-19 tăng 30% vào tuần trước, khiến thị trưởng thành phố phải ban bố "tình trạng khẩn cấp". Đan Mạch hiện ghi nhận hơn 9.000 trường hợp dương tính mỗi ngày, là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất thế giới. Hà Lan trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên phong tỏa trở lại vì lo ngại các khu hồi sức tích cực sẽ bị quá tải.

Trong khi đó, Tây Ban Nha, Italy và Pháp đều có số ca nhiễm trên 100.000 dân thấp hơn các nước láng giềng phía Bắc tính đến hiện tại.

Antoine Flahault, Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu ở Geneva, nhận định các nước Bắc Âu "thường hành động nhanh chóng hơn vì không muốn bệnh viện quá tải". Đối với các quốc gia ở phía Nam, hạn chế đi lại hay phong tỏa chỉ là "phương án cuối cùng".

Ở nhiều quốc gia, chính phủ hành động dựa trên những lo ngại về kinh tế và chính trị trước lễ Giáng sinh, trong bối cảnh chưa chắc chắn về rủi ro từ Omicron. Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo ngay cả khi biến chủng gây triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, tốc độ lây lan của nó vẫn khiến nhiều người nhập viện.

Các nước đang đẩy nhanh quá trình tiêm nhắc lại, đặc biệt sau khi nhiều bằng chứng cho thấy hai liều vaccine không đủ hiệu quả ngăn ngừa nhiễm nCoV. Dù vậy, tiêm chủng nói chung vẫn giúp giảm nguy cơ nhập viện và tử vong. Mỹ cẩn thận theo dõi Anh và Đan Mạch để lường trước những gì có thể xảy ra với nước này.

Tại Pháp, Omicron gây ra hàng trăm ca dương tính, có thể trở thành chủng trội vào đầu tháng tới. Theo cơ sở dữ liệu New York Times, quốc gia ghi nhận trung bình 52.000 ca nhiễm mới mỗi ngày vào tuần vừa qua, tăng 23% so với hai tuần trước đó.

Chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron khuyến khích người dân tiêm chủng bằng cách triển khai thẻ vaccine điện tử. Trong khi đó, giới chức vẫn duy trì mở cửa trường học. Hơn 70% dân số đã được tiêm hai liều vaccine. Dù vậy, khoảng 6 triệu người chưa tiêm liều đầu tiên.

Chính phủ tập trung siết hạn chế với người không tiêm chủng trong năm mới. Nước này cũng rút ngắn thời gian tiêm mũi nhắc lại từ 5 tháng xuống còn 4 tháng. Đến nay, khoảng 17,5 triệu người Pháp đã tiêm tăng cường (chiếm 36% trong nhóm dân số tiêm chủng đầy đủ).

"Thật khó chịu. Nhưng ít nhất năm nay chúng tôi có tinh thần Giáng sinh hơn năm ngoái. Lúc ấy, vì phong tỏa, chúng tôi không thể ra ngoài và xem các nơi trang trí Giáng sinh", Sherryline Ramos, sinh viên ngành truyền thông, cho biết.

Người dân Tây Ban Nha cũng có thái độ tương tự. Tuần trước, giới chức nâng mức cảnh báo đất nước. Tỷ lệ nhiễm nCoV của Tây Ban Nha hiện là 50 ca trên 100.000 người, cao nhất trong nhiều tháng. Song hôm 20/12, Thủ tướng Pedro Sánchez cho biết nước này sẽ chờ đợi và quan sát tình hình trước khi quyết định siết hạn chế. Ông lưu ý tỷ lệ nhập viện vẫn thấp hơn so với các khu vực khác, vaccine đang hoạt động hiệu quả.

"Số ca nhiễm gần đây cao hơn đáng kể, nhưng tỷ lệ nhập viện và người vào ICU thấp hơn so với một năm trước. Kết luận đầu tiên là tiêm chủng có tác dụng, cho thấy cuộc khủng hoảng này chỉ có thể được ngăn chặn bằng khoa học", ông Sánchez nói.

Các chuyên gia đồng ý tỷ lệ tiêm chủng của Tây Ban Nha tạo nên sự khác biệt so với những nước châu Âu khác. Hơn 80% dân số nước này đã tiêm đủ liều vaccine.

Nhưng nhiều nhà khoa học tỏ ra dè dặt trước cách ứng phó dịch bệnh của chính phủ. Theo Rafael Vilasanjuan, Giám đốc chính sách của ISGlobal, một tổ chức tư vấn sức khỏe cộng đồng ở Barcelona, khi các nước Bắc Âu khẩn trương ngăn chặn biến chủng lây lan, Tây Ban Nha có thể đang để lỡ khoảng thời gian quý báu.

"Ban đầu, chúng ta ở tình thế ‘chỉ cần vaccine là đủ'. Cuối cùng, chúng ta có thể rơi vào hoàn cảnh giống như những nơi khác, khi số người nhập viện tăng", ông nói.

Theo ông Vilasanjuan, nước này nên xem xét một số biện pháp mà các quốc gia khác đã áp dụng, như thẻ xanh vaccine. Đồng thời, giới chức nên kêu gọi người dân tránh tham gia các sự kiện lớn, kể cả trong kỳ nghỉ. Ông lưu ý số ca Omicron chưa tăng cao, nhưng dịch bắt đầu leo thang ở các thành phố lớn như Barcelona.

Tại Italy, chính phủ đang xem xét áp dụng biện pháp dập dịch mới trong bối cảnh Omicron lây lan. Song Thủ tướng Mario Draghi ngày 20/12 cho biết nước này chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Italy vẫn coi tiêm chủng là ưu tiên hàng đầu.

Tháng 10, Italy trở thành nước lớn đầu tiên ở châu Âu áp dụng thẻ xanh tiêm chủng cho người lao động. Kể từ đó đến nay, quốc gia tiếp tục thắt chặt hạn chế với người chưa tiêm vaccine. Tuần trước, người du lịch đến từ các nước châu Âu khác phải có xét nghiệm nhanh âm tính, nếu không sẽ bị cách ly.

Thục Linh (Theo NY Times)

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Covid   Covid-19   New York Times   Tổng thống   chuyên gia   chính sách   du lịch   dịch vụ   khủng hoảng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...