11/10/2021 13:10  
Hàng trăm ngàn công nhân ở Long An vẫn được hỗ trợ 4 triệu đồng/tháng, tặng túi an sinh và được chủ nhà trọ giảm giá thuê... trong hơn 3 tháng ngưng việc.

Đặt lợi ích người lao động lên hàng đầu

Công ty TNHH ChinhLuh (KCN Thuận Đạo, huyện Bến Lức) có khoảng 26.000 lao động bị ngưng trệ sản xuất 3 tháng do Covid-19. Từ đầu tháng 10, công ty đã hoạt động trở lại và hầu hết công nhân, người lao động cũng trở lại làm việc.

Để giữ chân người lao động, 3 tháng qua, công ty vẫn duy trì trả lương cơ bản cho công nhân khoảng 4 triệu đồng/người. Ngoài ra, lãnh đạo công ty cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên công nhân và tặng nhu yếu phẩm.

Công ty Shilla Bags (huyện Đức Hòa) với hơn 1.000 công nhân cũng đã trở lại làm việc "bình thường mới". Tình trạng thiếu hụt lao động ở công ty cũng không xảy ra. Doanh nghiệp cũng cam kết lo chữa trị toàn bộ nếu người lao động bị F0. Sản xuất được chia thành các ca nhỏ để đảm bảo quy định phòng chống dịch khiến người lao động an tâm.

"Hơn 90% người lao động phải ngưng việc và ở tại các khu nhà trọ trong thời gian giãn cách. Cùng với việc hỗ trợ lương, công ty cũng phối hợp địa phương để đưa các gói hỗ trợ của nhà nước đến tay người lao động sớm nhất, giúp họ ổn định cuộc sống", đại diện công ty thông tin.

Đại diện công ty M.T.X (huyện Cần Đước) cho hay: "Trong giai đoạn khó khăn, công ty vẫn đặt lợi ích của người lao động lên hàng đầu và chấp nhận tổn thất để đảm bảo an toàn và an sinh cho người lao động. Nhờ luôn đồng hành cùng người lao động nên khi có thông báo, gần 90% công nhân đã đi làm trở lại", đại diện công ty thông tin.

Đời sống không đảm bảo, công nhân sẽ đi

Ông Nguyễn Văn Quí, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Long An, cho rằng: "Long An đã làm rất tốt công tác đảm bảo an sinh, hỗ trợ người lao động trong mùa dịch vừa qua. Nhờ vậy, khi hết giãn cách tỷ lệ lao động dịch chuyển qua các khu vực lân cận thấp, tỷ lệ công nhân quay trở lại làm việc cao. Nếu không làm tốt, người lao động sẽ bỏ về quê hoặc đi qua các địa phương khác".

Trong thời gian giãn cách, hầu hết các doanh nghiệp lớn ở Long An đều duy trì trả lương cơ bản cho người lao động (khoảng 4 triệu đồng/người/tháng).

Công đoàn cũng đã vận động giảm giá tiền phòng, hỗ trợ an sinh để đảm bảo đời sống cho công nhân. Do vậy, đến nay tỉ lệ thiếu lao động ở Long An không lớn (khoảng 10%), chủ yếu ở các lĩnh vực dệt may, giày da, lao động tự do, lao động ở các ngành dịch vụ.

Thời gian qua, công đoàn tỉnh đã hỗ trợ 15.000 xuất quà trị giá 300.000 đồng, tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ 160.000 phần quà và nhu yếu phẩm đến công nhân ở trọ. 6.000 trẻ em con công nhân, người lao động, 1.200 nữ công nhân mang thai cũng được hỗ trợ sữa.

Sắp tới, khoảng 20 tỷ đồng sẽ tiếp tục trao tận tay công nhân ở trọ (mỗi công nhân 200.000 đồng) cùng với 15kg để đảm bảo đời sống. Công đoàn cũng thành lập quỹ dự trữ để hỗ trợ đột xuất khi công nhân gặp khó khăn.

Theo bà Nguyễn Hồng Mai - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Long An, toàn tỉnh có hơn 1.300 doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất với gần 100.000 lao động. Ngoài ra, trên địa bàn có khoảng 4.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động ở lĩnh vực kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu với gần 60.000 lao động.

"Dự kiến từ nay đến cuối năm Long An không xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động, khoảng 260.000 lao động sẽ trở lại làm việc. Năm 2022 khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại 100% công suất thì có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động ở một số ngành dệt may, giày da. Tuy vậy, Long An sẽ đảm bảo tốt công tác an sinh để thu hút lao động ở lại", bà Mai chia sẻ.

Xuân Hinh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   doanh nghiệp   dịch vụ   sản xuất   Đời sống  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...