15/06/2021 17:45  

Khó khăn, thách thức tiếp diễn trong đại dịch

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu ra các dự báo tình hình thực hiện một số chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2021. Theo đó, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực.

Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng dự báo đạt gần 4 triệu tỉ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quí 1 năm nay (tăng 5,92%). Thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019. Chi NSNN ước đạt 43% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 đạt 34,85%).

Chính phủ cũng dự báo sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản dự báo tăng trưởng khoảng 3%. Sản xuất công nghiệp - xây dựng dự báo tăng trưởng khoảng 7,85%. Khu vực dịch vụ dự báo tăng trưởng khoảng 5%. Dự báo tiêu dùng tiếp tục xu hướng phục hồi, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội dự báo tăng khoảng 7,1%.

Hoạt động của doanh nghiệp dự báo còn khó khăn, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dự báo tiếp tục xu hướng tăng thấp (khoảng 1,6%) nhưng số vốn đăng ký mới dự báo xu hướng tăng cao (khoảng 34,8%), xu hướng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức khá cao, Bộ trưởng cho hay.

Giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài

Nhìn nhận hạn chế, tồn tại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, tốc độ tăng trưởng GDP quí 1 và dự báo 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra. Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít thị trường, tỷ trọng xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn cao (74,8%); cán cân thương mại có chiều hướng nghiêng về nhập siêu (5 tháng nhập siêu 369 triệu đô la); hàng hóa xuất nhập khẩu có thời điểm bị ùn ứ. Các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán, vàng còn tiềm ẩn rủi ro.

Hạn chế tiếp theo được nêu tại báo cáo của Chính phủ là đến hết tháng 5 năm 2021, còn 15,6% vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương chưa được các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết do phải chờ thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 .

Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương 5 tháng đầu năm 2021 còn chậm, đạt 22,12% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (25,98%), trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 2,97%.

Thu hút FDI đạt 14 tỉ đô la, nhưng số dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm trên 50% cho thấy tín hiệu còn nhiều khó khăn, sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu suy giảm, Bộ trưởng báo cáo.

Hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 23%. Đáng chú ý, số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chính phủ cũng nhìn nhận, lực lượng lao động trong quí 1 giảm, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức và lao động thiếu việc làm đều tăng. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, đặc biệt là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước những tháng cuối năm, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức; dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; khả năng lạm phát gia tăng; rủi ro về thiên tai, dịch bệnh; đời sống nhân dân và hoạt động kinh doanh còn khó khăn… Trong đó, việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19 là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế.

Làm rõ vai trò, trách nhiệm trước tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm

Giải pháp để khắc phục tình trạng trên trong 6 tháng cuối năm được Chính phủ báo cáo tại phiên họp là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tháo gỡ những vướng mắc thể chế đầu tư công, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng… Người đứng đầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA. Kiên quyết xử lý cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm; lấy kết quả giải ngân vốn của các đơn vị năm 2021 là tiêu chí để đánh giá xét thi đua và đánh giá hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của người đứng đầu để khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

Thẩm tra nội dung trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về việc chậm giải ngân của một số bộ, ngành và địa phương, tiến độ triển khai xây dựng các dự án giao thông quan trọng...

Nói về đầu tư công, ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, trong lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, yêu cầu chi tiêu của doanh nghiệp, người dân đều giảm thì Nhà nước phải đóng vai trò đẩy mạnh chi tiêu, đặc biệt là đầu tư công. Đầu tư công là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Vẫn theo ông Bùi Văn Cường, trong nhiệm kỳ khóa 14 của Quốc hội, giải ngân đầu tư công luôn là vấn đề được Quốc hội hết sức quan tâm và có nhiều giải pháp đồng hành với Chính phủ. Quốc hội đã phê duyệt rất nhiều dự án lớn, sửa nhiều quy định pháp luật liên quan, ban hành các nghị quyết tháo gỡ cho dự án, công trình quốc gia. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn như đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, sân bay Long Thành... đến nay vẫn rất chậm.

Do đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, bộ, ngành trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đầu tư công lớn, có sức lan tỏa.

Thêm nữa, báo cáo thẩm tra cần ghi thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư công. Đặc biệt là các dự án trọng điểm lớn để một mặt, bảo đảm tránh xảy ra những hệ lụy tiêu cực, những rủi ro về mặt đạo đức, một mặt bảo đảm việc thực hiện đúng tiến độ như đã được phê duyệt, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Bởi lẽ, nếu tình trạng giải ngân vốn đầu tư công cứ tiếp tục chậm, các dự án đầu tư lớn, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm ách tắc như vừa qua thì nền kinh tế của không thể tăng trưởng được.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   Kinh tế   doanh nghiệp   dịch vụ   sản xuất   Đầu tư   Đời sống  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...