22/11/2021 19:10  
Peru đang đối mặt với làn sóng Covid-19 bùng phát nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tính trên đầu dân cao nhất thế giới.

Với 200.000 ca tử vong vì Covid-19 trong tổng số gần 33 triệu dân, tác động của đại dịch đối với Peru đặc biệt nghiêm trọng, khi nước này có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tính trên đầu dân cao nhất thế giới. Peru cũng là một trong những nước có tỷ lệ trẻ mồ côi do cha mẹ hoặc người giám hộ mất vì Covid-19 cao nhất thế giới.

So với nhiều quốc gia khác, về lý thuyết, Peru là nước có điều kiện tương đối tốt để ứng phó với đại dịch Covid-19. Đây là quốc gia có thu nhập trên trung bình và trước khi Covid-19 ập đến, nền kinh tế của Peru vẫn hoạt động ổn định. Tuổi thọ của người dân tăng, tỷ lệ nghèo đói giảm và Peru đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện hệ thống y tế cộng đồng.

Peru cũng là một trong những quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên yêu cầu người dân ở trong nhà để ngăn dịch lây lan. Không giống một số quốc gia Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nặng nề khác như Brazil hoặc Mexico, các nhà chức trách Peru không phủ nhận mối đe dọa của đại dịch.

Ngày 15/3/2020, khi mới chỉ có 28 ca mắc Covid-19 được xác nhận và chưa có trường hợp tử vong nào, chính phủ Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Một loạt biện pháp kiểm soát dịch mạnh mẽ đã được triển khai, bao gồm đóng cửa biên giới, hạn chế tự do đi lại trên toàn quốc và cấm tụ tập đông người. Trường học, nhà thờ bị đóng cửa. Nhìn chung, tất cả các hoạt động hoặc dịch vụ không thiết yếu đều bị hạn chế, bao gồm dịch vụ y tế không khẩn cấp.

Tuy nhiên, việc áp dụng sớm các biện pháp này vẫn không đủ để giảm bớt tác động của đại dịch. Các ca nhiễm bắt đầu tăng lên tại Peru.

Chính phủ Peru thừa nhận việc áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt sẽ rất khó khăn. Peru có lực lượng lao động tự do lớn và hệ thống an sinh xã hội khá hạn chế. Nếu chính phủ áp lệnh phong tỏa, đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ phải ở nhà, không có việc làm, gây nên tình trạng khó khăn. Vì vậy, chính phủ đã ban hành một loạt chính sách như chuyển tiền mặt để hỗ trợ người dân khi yêu cầu họ ở trong nhà.

Tuy nhiên, do nhà nước không có khả năng phân phối tiền mặt và thực phẩm hiệu quả, nên người dân vẫn phải ra ngoài và xếp hàng dài bên ngoài ngân hàng để nhận tiền mặt. Nhiều người vẫn phải đi lại hàng ngày đến các khu chợ để lấy thực phẩm. Đây đều là những điểm nóng lây nhiễm tại Peru.

Hệ thống y tế yếu kém

Số ca nhiễm gia tăng đã bộc lộ những yếu kém về cơ cấu trong hệ thống y tế Peru. Bất chấp sự tăng trưởng kinh tế gần đây và những cải thiện chung về hệ thống y tế công cộng, cơ sở hạ tầng y tế tổng thể của Peru vẫn yếu kém trước làn sóng dịch bệnh.

Vào tháng 1/2020, theo Bộ Y tế Peru, 78% trung tâm y tế của nước này không đủ năng lực để cung cấp dịch vụ, bao gồm trang thiết bị lỗi thời, không hoạt động hoặc không đủ số lượng. Tỷ lệ này tăng lên 97% vào đầu năm 2021.

Trước đại dịch, Peru có 29 giường điều trị tích cực trên một triệu dân, thấp hơn các nước khác trong khu vực như Brazil (206), Colombia (105), Chile (73) và Ecuador (69). Việc thiếu nhân sự cũng ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ sở y tế. Điều này đã cản trở khả năng ứng phó hiệu quả của Peru với tình huống khủng hoảng khi dịch bệnh xảy ra.

Hệ thống y tế phân tán của Peru khiến việc phối hợp ứng phó với Covid-19 trên cả nước trở nên khó khăn, ảnh hưởng tới hiệu quả bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Thổ dân ở vùng Amazon thuộc Peru là một trong số những nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt hại nhất do dịch bệnh. Họ không được tiếp cận các dịch vụ y tế, nước và vệ sinh, cũng như tỷ lệ đói nghèo và suy dinh dưỡng ở trẻ em cao khiến nhóm này rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương hơn.

Mặc dù Peru đã đạt được một số tiến triển trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân miễn phí, nhưng ước tính từ 10-20% dân số nước này vẫn chưa được tiếp cận với bất kỳ dịch vụ y tế nào. Đối với một số người, chi phí khám chữa bệnh cao khiến họ không thể sử dụng dịch vụ y tế. Thu nhập là một rào cản khác đối với người dân Peru trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế.

Thành Đạt

Theo Conversation

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   chính sách   dịch vụ   dịch vụ y tế   khủng hoảng   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...