07/12/2021 6:15  
Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn xây dựng Tủ sách Doanh nhân tại các trường đại học với mong muốn lan toả tinh thần và giá trị kinh doanh của doanh nhân Việt Nam, giúp sinh viên có động lực rèn luyện, học hỏi để trong tương lai có thể khởi nghiệp, đứng vào hàng ngũ doanh nhân thế hệ mới của đất nước. 

Ngày 6/12/2021, tại 2 trường Đại học (ĐH) Ngân Hàng và ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), ĐHQG-HCM, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã thực hiện lễ ký kết, hợp tác và ra mắt Tủ sách Doanh nhân Việt Nam.

Tủ sách Doanh nhân Việt Nam gồm sách do doanh nhân Việt Nam viết và sách viết về doanh nhân Việt Nam được xuất bản trên thế giới. Tất cả sách trong Tủ sách Doanh nhân do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tuyển chọn dựa trên đề xuất của Hội đồng Phát triển Sách doanh nhân.

Bên cạnh đó, Tủ sách còn một số sách hay theo đề nghị của ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Hòa Bình, bà Lê Thị Thanh Lâm - nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group…

Tại buổi ký kết, ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí chia sẻ: "Hợp tác giữa Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và ĐH Ngân hàng, ĐH KHXH&NV là sự hợp tác mang tính chiến lược, cùng chung tay nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung. Riêng việc ra mắt Tủ sách Doanh nhân Việt Nam tại thư viện hai trường là một trong những hoạt động cần thiết, đưa câu chuyện và giá trị kinh doanh của doanh nhân đến gần hơn với sinh viên".

Cũng theo ông Trần Hoàng, dù hiện các DN Việt về mặt kinh tế chưa sánh vai được với DN trên thế giới, nhưng văn hóa đọc và văn hóa học tập thì không hề thua kém các nước bạn. 

Ông Hoàng bày tỏ: "Tôi mong muốn Tủ sách Doanh nhân không dừng lại ở trong nước mà sẽ được đưa đến các ĐH trên thế giới, xây dựng hình ảnh doanh nhân Việt Nam nói riêng, tinh thần của Việt Nam nói chung, là động lực giúp doanh nhân phấn đấu hơn nữa trong lao động, sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chúng ta cũng tìm ra nhiều doanh nhân xuất sắc và sử dụng câu chuyện của họ như một cách khuyến khích và truyền tải thông điệp đến các em sinh viên, giúp các em cảm thụ và có động lực trong quá trình rèn luyện, học tập và phấn đấu, bởi doanh nhân Việt Nam thì luôn gần gũi hơn với các em, từ điểm xuất phát cho tới văn hóa, phong tục tập quán". 

Bà Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV chia sẻ: "Khi nghe đến KHXH&NV, người ta thường liên tưởng đến thơ ca nhạc họa và các tư tưởng văn hóa... tuy nhiên, sản phẩm hợp tác của Doanh Nhân Sài Gòn và chúng tôi là sản phẩm tư tưởng của cụ Lương Văn Can để lại. Đây là bài học quý báu với nhiều tầng lớp, đặc biệt là thế hệ thanh niên, sinh viên. Chúng tôi cũng lưu ý việc này và đưa vào giảng dạy, nhấn mạnh những tầng lớp tiên phong trong thế hệ xã hội đổi mới, tạo ra những giá trị cho xã hội, nhấn mạnh những sáng tạo xã hội và hướng các em đến những tư tưởng mới".

Bà Phương Lan cũng cho rằng Tủ sách Doanh nhân là một trong những hướng phát triển giáo dục của nhà trường và đề xuất cung cấp thêm những bản sách điện tử, để nhà trường có thể triển khai ngay trong chương trình giảng dạy cho sinh viên học kỳ này. 

PGS.TS Hạ Thị Thiều Dao - Phó hiệu trưởng ĐH Ngân Hàng cũng đồng quan điểm: "Với sinh viên trường, Tủ sáchnày không chỉ mang đến kiến thức, kỹ năng về kinh doanh mà còn tạo nên nguồn cảm hứng, giúp các sinh viên cảm nhận được tinh thần doanh nhân, tạo dựng DN qua tư tưởng cụ Lương Văn Can, tạo dựng ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc của doanh nhân Việt Nam. Từ đó, các em sẽ hình thành ý thức khởi nghiệp, tinh thần sáng tạo để vận dụng kiến thức, kỹ năng mà các doanh nhân đã gửi gắm qua từng trang sách để có những ý tưởng khởi nghiệp sau này".

Cũng trong ngày 6/12, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn ra mắt thêm 2 Tủ sách Doanh nhân Việt Nam tại ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM và ĐH Nông Lâm. Đây là một trong những hoạt động nổi bật của Tuần lễ Doanh nhân và Sáchnăm nay.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Doanh Nhân   HCM   Ngân hàng   Việt Nam   Xã hội   chiến lược   doanh nghiệp   hợp tác   sáng tạo   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...