07/10/2021 10:20  
Chính quyền địa phương rất dễ dàng tìm cơ sở pháp lý để xử phạt người từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… tự ý về quê nhưng nên cân nhắc, vì việc xử phạt trong bối cảnh này càng khiến họ thêm khó khăn, khốn đốn.

Chiều muộn một ngày đầu tháng 10, hàng đoàn người dắt dìu nhau về quê. Xe máy có, xe đạp có, thậm chí gánh gồng, bồng bế nhau đi bộ. Họ đi với dăm đồng bạc trong túi, vài gói mì, mấy bọc lương khô. Cá biệt, có người không có gì ngoài niềm tin mãnh liệt là quê nhà sẽ dang rộng vòng tay chào đón họ.

Quê hương - điểm tựa cuối cùng

TP.HCM tiễn họ trong cái se lạnh của trời cuối thu. Người TP hào sảng nhưng qua bốn tháng gồng mình chống dịch đã kiệt sức. Mảnh đất trù phú nhưng giờ đã trở nên khó khăn vì đã nhiều lần run lên bần bật trước những đợt thủy triều của đại dịch. Và những con người gắn bó ngót cả đời người với mảnh đất này đã phải tìm đường về quê trong sự kiệt quệ.

Đối với họ, rời TP hay các tỉnh miền Đông Nam bộ về quê là sự lựa chọn tốt nhất lúc này, bởi hơn 100 ngày bí bách, cùng quẫn, bệnh tật đã làm họ trở nên tuyệt vọng. Đã có không ít người vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này mà không kịp nhìn quê hương một lần sau cuối.

Giờ đây, khi TP.HCM mở cửa, họ chọn con đường về quê như là giải pháp cuối cùng, ít nhất vào lúc này. Hành trình đầy gian nan phía trước không làm họ nản lòng, vì trên đường đi, những con người có khi không một lần quen biết ấy đã chia sẻ với nhau từng chai nước, lít xăng và những ổ bánh mì.

Người dân vốn hồn hậu, giản dị. Họ không suy nghĩ nhiều như các nhà hoạch định chính sách. Chính vì vậy, vấn đề đứt gãy chuỗi sản xuất, trì trệ về kinh tế, thiếu nguồn lực xã hội… không khiến họ quan tâm. Đối với họ, về quê lúc này là hạnh phúc, là được bảo đảm cuộc sống. Ở lại Sài Gòn, họ luôn có cảm giác bất an vì nhiều lẽ. Bốn tháng qua, họ đã quá thấu hiểu điều này.

Một khi về quê được xem là niềm vui, là sự an toàn thì dù có bất kỳ rào cản nào họ cũng sẽ quyết tâm thực hiện. Trong bối cảnh đó, vấn đề xử phạt người tự ý về quê sẽ không còn là giải pháp hữu hiệu để làm chùn bước của họ.

Nên cân nhắc vì tính mục đích của xử phạt

Trong số 74 nghị định xử phạt vi phạm hành chính đang có hiệu lực hiện nay, với hơn 300.000 hành vi vi phạm, chính quyền địa phương sẽ không khó khăn trong việc tìm cơ sở pháp lý để xử phạt những người về quê. Nào là “không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền” đến “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”, “không thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm đối với người mắc bệnh truyền nhiễm”…

Tuy nhiên, việc xử phạt này sẽ đạt được mục đích gì?

Thông thường một chế tài pháp lý được áp dụng nhằm đạt được các mục đích như: Giáo dục; răn đe, trừng trị; phòng ngừa. Việc xử phạt người về quê dường như không phải để giáo dục họ, bởi họ ý thức được sự cần thiết trong việc làm của mình.

Vả lại, sự giáo dục chỉ cần thiết khi hành vi của họ là sai trái. Việc về quê và tuân thủ các quy định cách ly, kiểm tra y tế không phải là hành vi trái pháp luật nên không cần và cũng không nên xử phạt bởi xử phạt trong trường hợp này không hướng đến mục đích giáo dục.

Việc xử phạt đối với người về quê cũng không thể đạt được mục đích răn đe, trừng trị, bởi chẳng có pháp luật nào răn đe, trừng trị người về quê vì sự sống, vì nhu cầu chính đáng. Chính vì không đạt được mục đích răn đe, trừng trị nên không thể đạt được mục đích phòng ngừa.

Người dân đã quá khó khăn nên mới phải về nhà

Hãy thử hình dung việc xử phạt có ngăn cản được dòng người đang từng ngày, từng giờ mong muốn hồi hương? Chắc chắn là không. Do đó, việc xử phạt không khéo chỉ dẫn đến những cách làm trái pháp luật của người dân. Bằng chứng là hiện tượng thông chốt, trốn trong hầm xe, thùng đông lạnh… đã diễn ra, và như thế càng làm cho công tác phòng chống dịch thêm khó khăn và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự các địa phương liên quan.

“Kẻ no khó biết lòng người đói”. Hãy thử đặt mình vào vị trí bốn tháng ròng sống trong tuyệt vọng mới thấu hiểu được nguyện vọng to lớn và chính đáng của người dân. Xin đừng xử phạt người tự ý về quê vì đây là nhu cầu thiết yếu và to lớn nhất của họ trong thời điểm này.

Hiện tại, người dân đã quá khó khăn, lại phải tốn kém chi phí về quê và chịu phí cách ly tập trung. Nếu giờ buộc họ phải gánh thêm tiền phạt vi phạm hành chính nữa thì họ sẽ càng thêm cơ cực, quẫn bách.

“Không ai bị bỏ lại phía sau” là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Trong đại dịch, chúng ta đã làm tốt chủ trương này. Hiện nay, chúng ta dần kiểm soát được dịch, khó khăn phía trước đã dần được đẩy lùi. Vậy thì xin đừng chối từ đối với người dân của chính địa phương mình!

Trong bối cảnh đó, việc sớm khởi động các chính sách đón người dân về quê là việc nên làm. Hãy đón họ về quê với tất cả tình yêu thương để mọi người còn có dịp nhìn nhau, vẫy chào nhau, rồi cùng tin tưởng và phấn đấu vì một Việt Nam tất thắng.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Giáo dục   HCM   Quê hương   Việt Nam   chính sách   hành vi   sản xuất   Đồng Nai  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...