15/11/2021 0:25  
Con gái tôi năm tuổi, hàng ngày đang bị “nhốt” trong nhà cùng anh 14 tuổi.

Đã hơn sáu tháng, trường học và các dịch vụ giáo dục đều đóng cửa, gia đình tôi không có người giúp, hai con tôi quanh quẩn trông nhau trong bốn bức tường, không được tiếp xúc bạn bè cùng trang lứa.

Mỗi buổi sáng, con gái luôn thức dậy trước sáu giờ để canh bố mẹ, ra chặn cửa và khóc, "bố mẹ đi làm nhớ nói với cô giáo cho về sớm để chơi với con". Buổi chiều đi làm về muộn, con nằng nặc đòi tôi đưa đi chơi với các bạn.

Trường ngay dưới chân toà nhà, thỉnh thoảng con lại dắt bố đến, chỉ vào cổng bảo, trường con đấy, bao giờ mở cổng, tại sao con không được đến lớp. Tôi đã tìm các cách, cho con trò chuyện với bạn bè qua điện thoại, kết nối với gia đình khác qua nhóm trực tuyến, nhưng con đều kêu chán vì muốn gặp "bạn thật".

Hà Nội hết giãn cách, chúng tôi đưa con đến nhà bạn ăn cơm. Con bé ngay lập tức dính lấy con của người bạn. Lúc tạm biệt ra về, hai đứa rủ nhau bỏ trốn, khi bị phát hiện thì khóc như mưa. Về nhà, con lại khóc, "con không cần người lớn, con phải chơi với trẻ con".

Gia đình bạn tôi ở chung cư, nhà có hai trẻ nhỏ, khi giãn cách, lũ trẻ bức bối, thỉnh thoảng trốn ra hành lang chơi. Lần nào chúng cũng bị hàng xóm nhắc nhở, gọi điện báo ủy ban và công an phường. Họ cho rằng không được để trẻ ra hành lang.

Là một bác sĩ có hai con nhỏ, tôi theo dõi rất sát ảnh hưởng của đại dịch ở cả trẻ em và người lớn. Và tôi nhận thấy, đối với trẻ em, nguy cơ ảnh hưởng lên sức khỏe do không được đến trường không thấp hơn nguy cơ mắc Covid-19.

Hàng loạt nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra việc đóng cửa trường học tác hại rất lớn đến trẻ em, như sự gia tăng các vấn đề sức khoẻ tâm thần, bao gồm rối loạn hành vi, trầm cảm, tự sát, chưa kể học tập không mấy hiệu quả.

Một nghiên cứu tổng hợp từ 54 nghiên cứu cho thấy, khả năng nhiễm virus ở trẻ em chỉ bằng một nửa so với người lớn trong cùng gia đình. Theo số liệu thống kê ở Mỹ từ tháng ba đến tháng 10 năm 2020, trẻ năm đến 14 tuổi, nguy cơ tử vong do Covid là 1/1.000.000 trong khi tử vong vì các nguyên nhân khác cao gấp 10 lần.

Con số khác ở Thụy Điển, quốc gia có gần hai triệu trẻ em đi học không bắt buộc đeo khẩu trang, thời điểm dịch nóng nhất từ tháng ba đến tháng sáu năm 2020, chỉ 15 trẻ mắc Covid nặng và không có tử vong. Nghiên cứu tổng hợp khác cũng chỉ ra rằng, người già 85 tuổi nguy cơ tử vong cao gấp 7.500 lần so với trẻ 10 tuổi, trong khi người 65 tuổi sẽ cao gấp 700 lần.

Tại Việt Nam, thời điểm học sinh bước vào năm học mới, TP HCM chỉ có 14.800 trẻ bị nhiễm - khoảng 5% tổng số ca nhiễm. Trong đó, 13 trẻ bị tử vong, chiếm 0,1% tổng số ca tử vong, tất cả đều có bệnh lý nền.

Trẻ con cần con trẻ. Con gái tôi nói đúng. Những đứa trẻ không thể cứ bị nhốt mãi trong bốn bức tường với màn hình máy tính hoặc điện thoại, không thể chỉ ngày ngày tham chiếu với mỗi bố mẹ, anh chị hay ông bà. Trẻ phải có không gian của chúng. Đó là thế giới bên ngoài, là trường lớp, là bạn bè và thầy cô để học tập, tương tác, từ đó phát triển thể chất, trí tuệ và tâm hồn.

Cân nhắc giữa lợi và hại khi mở cửa trường học, các nước phương Tây đã không chờ đợi tiêm vaccine mới cho trẻ đến lớp, các quốc gia ở châu Á cũng đã làm như vậy. Điều đó có làm trầm trọng thêm đại dịch? Câu trả lời là "không". Một nghiên cứu ở Đức đã tận dụng kỳ nghỉ hè để so sánh, từ đó chỉ ra rằng chưa có bằng chứng cho thấy việc đóng hay mở trường liên quan tới sự gia tăng số ca nhiễm.

Virus chẳng thể biến mất trong một hai năm tới, sống chung trở thành lựa chọn hợp lý, Nghị quyết 128 chính là lựa chọn ấy. Sẽ có hai tình huống xảy ra ở bất cứ địa phương nào.

Một là, Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, nghĩa là nó giống như cúm mùa, như sởi, thuỷ đậu hay nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Trong tình huống này, số ca nhiễm không gây quá tải hệ thống y tế, số ca tử vong chấp nhận được. Thời điểm hiện tại, trung bình mỗi ngày khoảng 74 ca tử vong do Covid, 31 ca do lao, 205 ca do ung thư, theo Bộ Y tế. Bùng phát sởi, cúm mùa hay thuỷ đậu, vì là bệnh đặc hữu nên không thực hiện cách ly hay phong toả, cũng không đóng cửa trường học.

Hai là, Covid-19 bùng phát mất kiểm soát, hệ thống y tế bị đe doạ, số ca tử vong cao. Lúc đó, nhà chức trách sẽ chuyển trạng thái của đại dịch, áp những biện pháp như giãn cách xã hội và tạm đóng trường học.

Các lĩnh vực đời sống xã hội đã gần như bình thường trở lại, nhưng trường học vẫn chưa mở. Rõ ràng, quyền lợi của người lớn đang được ưu tiên so với hạnh phúc của trẻ em. Việc đóng cửa trường học dường như để bảo vệ người lớn nhiều hơn. Covid-19 nguy hiểm với người lớn, đặc biệt thảm khốc với người cao tuổi và có bệnh nền, nhưng trẻ em thì khác.

Để những đứa trẻ trở lại trường học an toàn, theo tôi, cần xây dựng quy trình chống nhiễm khuẩn học đường thật tốt. Giáo viên nên được tiêm chủng đầy đủ, giới hạn sĩ số lớp học, phát hiện và cách ly học sinh có triệu chứng, hướng dẫn trẻ thói quen phòng vệ cá nhân.

Mở cửa trường học có thể phải chấp nhận số ca trẻ nhiễm Covid tăng. Vaccine không phải lá bùa miễn nhiễm. Từ đầu năm 2021 đến nay, hàng triệu trẻ em trên thế giới đã đến trường an toàn khi dịch bệnh ở những quốc gia ấy vẫn đang hoành hành, điều đó càng xói mòn quan điểm cho rằng trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ mới có thể đi học.

Ba hôm trước, tôi lóe lên hy vọng khi nghe người đứng đầu chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Y tế khẩn trương xây dựng phương án đưa trẻ đến trường. Chúng ta không thể bất công với trẻ. Không thể để những đứa trẻ khát trường, khát bạn tiếp tục ngồi một mình trong bốn bức tường chờ đợi hai mũi vaccine để có thể gặp nhau.

Đại dịch đã tổn thương sâu sắc đến trẻ em, phần lớn không phải vì trẻ mắc virus mà bởi những lựa chọn của xã hội. Gần hai năm trời, hàng triệu đứa trẻ mất cơ hội học tập, sự phát triển và tuổi thơ. Cho các em quay trở lại lớp càng sớm càng tốt là cách để không bỏ rơi trẻ một lần nữa, đặc biệt là những em cần giáo dục và chăm sóc đặc biệt như tự kỷ, chậm phát triển.

Trần Văn Phúc

Nguồn tin: vnexpress.net


Covid   Covid-19   Giáo dục   HCM   Hà Nội   Trẻ con   Việt Nam   dịch vụ   hành vi   thói quen   ung thư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...