27/09/2021 15:20  
Những câu thơ, câu nói vui nhộn, hóm hỉnh trên hộp cơm gửi đến bệnh nhân và lực lượng tuyến đầu chống dịch ở TP.Hồ Chí Minh là tình cảm, sự chia sẻ của các giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành.

“Thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng giao cơm”

“Người nấu, lòng không biết sầu, bởi vì được nấu cả bầu yêu thương”

 “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm san sẻ tháng ngày Cô - Vy”

Đây là những lời nhắn nhủ được anh Phạm Phúc Lợi, giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.Hồ Chí Minh nắn nót viết trên những hộp cơm sau khi hoàn thành công việc bếp để gửi đến các F0 và lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch ở TP.Hồ Chí Minh.

Mới đầu, anh Lợi và các thầy cô giáo trong khoa Du lịch và Việt Nam Học hỗ trợ lương thực cho các sinh viên trong trường gặp hoàn cảnh khó khăn, sau đó mở rộng giúp đỡ người vô gia cư và người nghèo. Nhưng nhờ chính sách hỗ trợ của thành phố, những đối tượng trên đã được chăm lo an sinh, nhóm thiện nguyện chuyển hướng phục vụ lực lượng tuyến đầu chống dịch, F0 trong Bệnh viện dã chiến Thu Dung ở quận Gò Vấp, Bệnh viện Dã chiến số 7.

Anh Lợi cho biết, sau ngày 23/8, thành phố thực hiện siết chặt giãn cách, việc di chuyển hạn chế, bếp đã chuyển sang nấu các suất cơm hỗ trợ cho bệnh nhân COVID-19, người có hoàn cảnh khó khăn và lực lượng tuyến đầu.

Thời gian đầu 300 suất cơm được gửi đi mỗi ngày sẽ được đính kèm tờ giấy ghi thông điệp về sự lạc quan với mong muốn khích lệ mọi người mạnh mẽ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Khi nhận được các phản hồi tích cực từ bệnh nhân và các y bác sĩ, anh Lợi đã nảy ra ý tưởng viết tay lên từng hộp cơm thay vì in giấy như trước.

Theo anh Lợi, mỗi ngày bếp ăn thiện nguyện sẽ gửi đi 300 phần cơm, một túi 20 phần, ít nhất hai hộp có lời chúc.

Những ngày đầu anh Lợi viết các câu nói vui vẻ, hài hước, sau có lồng ghép thêm những chia sẻ, khích lệ tinh thần giúp người bệnh nâng cao ý thức cộng đồng.

“Tôi hy vọng những lời nhắn nhủ trên hộp cơm sẽ là động lực giúp người bệnh, lực tượng tuyến đầu và người có hoàn cảnh khó khăn mạnh mẽ chiến thắng COVID-19”, anh Lợi nói.

Anh Lợi cũng cho biết thêm, để đảm bảo an toàn cho người nấu và người nhận, bếp hoạt động theo mô hình khép kín. Các thầy cô phải tạm rời xa gia đình, ở lại trường để tham gia nấu ăn trong suốt 2 tháng qua.

Căn bếp có 10 thành viên, vừa nấu nướng, vừa lo công tác giảng dạy. Bước vào năm học mới, công việc có phần bận bịu hơn. Đôi lúc cả gian bếp phải làm việc trong im lặng để một thầy, cô nào đó vào ca dạy online.

200 suất cơm thiện nguyện được gửi đến Bệnh viện Dã chiến số 7 (TP HCM), chị Lâm Thị Kim Chi, nhân viên y tế cùng các đồng nghiệp mở từng túi cơm, nhìn thấy những lời nhắn trên hộp cơm khiến mọi người xua tan mệt mỏi sau những giờ làm việc căng thẳng.

Lấy từng hộp cơm nóng hổi ra chị Chi vội chụp các dòng chữ viết để làm kỷ niệm. Khoé mắt chị cay cay vì xúc động, sau xếp lại cẩn thận, gửi đến các khu vực đang điều trị.

Chị Chi cho biết, bệnh viện nhận được nhiều phần thức ăn kèm lời động viên từ các tổ chức thiện nguyện, nhưng đây là lần đầu nhận được các hộp "cơm chữ" với câu từ hài hước, hóm hỉnh.

Theo lời chị Chi, bếp thiện nguyện này mới liên hệ hỗ trợ cơm cho bệnh viện hơn 10 ngày. Những hộp cơm "có chữ" được gửi đến bất ngờ khiến ai nấy đều thích thú.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Bệnh viện   HCM   Việt Nam   chính sách   căng thẳng   hoàn thành công việc   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...