10/12/2021 9:25  
Tin nhạc sĩ Phú Quang tổ chức đêm nhạc miễn phí ở sân nhà tôi lan nhanh, cả ngàn người từ đâu kéo tới, tắc nghẽn đoạn đường Trương Định.

Đó là năm 2015, hai năm sau khi tôi ra mắt cuốn sách có tên "Bát phố", viết về tinh thần rất lạ của người Hà Nội xưa.

Bát phố là khi ta ra đường chơi mà không có mục đích gì. Đi mà không biết mình muốn và sẽ đến đâu. Thích đâu rẽ vào chỗ đấy, dừng lại và nói chuyện với những người sơ như đã thân quen. Vô sở cầu và vô mục đích. Tôi coi tinh thần ấy là hồn cốt của người Hà Nội xưa. Chữ ấy cũng chỉ dùng cho người Tràng An thời quá vãng.

Tôi với Phú Quang không thân thiết theo kiểu tri âm tri kỷ, chỉ thi thoảng gặp ở nơi có bạn bè chung và nói chuyện với nhau bằng cái tinh thần ấy - nghĩa là thân mật nhưng bâng quơ, nhẹ nhàng và lãng đãng.

Mãi tới khi tôi tặng Phú Quang cuốn "Bát phố" được tái bản, anh lật giở những trang đầu tiên và đọc. Rồi Phú Quang ngẩng lên, nói rằng sẽ tổ chức một đêm nhạc miễn phí tại nhà tôi để ngợi ca cuốn sách.

Tôi rất bất ngờ và nghĩ anh nói đùa. Không thể nào một nhạc sĩ nổi tiếng với những đêm nhạc sang trọng ở Nhà hát lớn luôn đầy ắp khán giả, tiền vé cao nhất nhì thị trường lại có thể tổ chức đêm nhạc ở nhà tôi được.

Chỉ mấy ngày sau, người của Phú Quang mang khối lượng thiết bị âm thanh khổng lồ tới, đặt tràn lên khắp sân nhà tôi ở Trương Định. Tôi nghĩ anh đến hát cho vui là quý lắm rồi. Nhưng đầu giờ tối, những ca sĩ nổi tiếng lần lượt kéo tới: Nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ, nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên, nghệ sĩ nhân dân Ánh Tuyết, nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu, nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh và nhiều ca sĩ tên tuổi khác. Nhiều trí thức và nhà văn hoá tên tuổi cũng có mặt.

Tin lan như điện, cả ngàn người bít kín đoạn ngõ khoảng 150 mét dẫn từ đường Trương Định vào cửa nhà tôi. Họ xếp kín khu sân vườn nhà tôi rộng khoảng 1.000 mét vuông. Không đủ chỗ, họ xin vào các các nhà xung quanh, trèo ra các ban công để nghe. Nhà nào không có ban công thì mở hết cửa sổ ngó sang. Những người không vào được xếp hàng chật kín ngõ. Xe máy, ô tô phải gửi ở nhiều điểm dọc đường Trương Định. Quang cảnh tắc nghẽn chưa từng thấy càng khiến người ở đâu kéo về đông nghẹt.

Tôi nói với Phú Quang rằng tôi không có nhu cầu quảng bá hay bán sách. Anh nói rằng anh cũng không tổ chức đêm nhạc này để bán vé. Vô số người cố chen vào bằng được và nói sẵn sàng mua vé, nhưng không có bất kỳ vé nào được bán ra.

Tôi bận lo tiếp rượu và trà cho ngần ấy khách khứa, không còn nhớ nổi những gì đã diễn ra. Tôi thậm chí không nhớ Phú Quang đã nói gì và không nghe một bài hát nào trong đêm ấy vì mải lo hậu cần buổi diễn. Tôi chỉ nhớ mãi cái tinh thần của buổi tối ấy, thân cũng như sơ, người nổi tiếng cũng như dân lao động, ai cũng được tiếp đãi như nhau và bình đẳng với nhau trước âm nhạc. Đông đúc như vậy, nhưng không ai chen lấn xô đẩy và cảnh sát khu vực không phải xuất hiện để có bất kỳ "can thiệp" nào.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp dự đêm nhạc ấy nói với tôi rằng có lẽ phải tốn tới nửa tỷ để đưa ngần ấy ca sĩ tên tuổi và trang thiết bị âm thanh chuyên nghiệp tổ chức đêm nhạc cho tôi. Tại sao một nhạc sĩ nổi tiếng lại làm vậy với tôi - nhà thơ xưa nay chỉ nhận mình là người của dân gian? Cuối cùng, tôi hiểu, Phú Quang tìm thấy trong sách của tôi cái hồn của anh, hồn của kẻ bát phố Hà Nội. Anh nói đây là đêm nhạc của những người bát phố, nên nó phải vô tư, vô mục đích và vô điều kiện.

Dù lý do có vẻ rất phiêu diêu, Phú Quang đã tổ chức đêm nhạc mang tên: "Nhạc Phú Quang, hồn Bát phố" nghiêm túc như anh vẫn làm với nghệ thuật của mình. Đêm nhạc không khác những gì anh làm tại Nhà hát lớn mỗi năm. Nhưng anh không lấy một đồng nào từ tôi. Có lẽ các ca sĩ cũng không hề nhận cachet từ anh. Có lẽ đó là đêm nhạc lớn duy nhất không vì mục đích kinh doanh hay danh tiếng của ai. Tất cả chúng tôi đều không mong cầu gì.

Giờ đây, nghĩ lại, tôi hiểu tại sao khi Phú Quang chạm vào bài thơ "Em ơi, Hà Nội Phố" của Phan Vũ, tâm hồn anh ngay lập tức ngân lên giai điệu. "Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường" chính là tinh thần bát phố đã trở thành bất tử. Anh hẳn đã có lúc đi mà không biết đi đâu, sẽ về đâu, thậm chí quên cả chính mình.

Sau đêm nhạc tổ chức chỉ để "chơi" ấy, tôi và Phú Quang không ai cảm thấy nợ ai cái gì, và phải trả cho ai cái gì, ngay cả ân tình cũng không. Chúng tôi thi thoảng vẫn gặp nhau, như quên rằng mình đã có một kỷ niệm chung như thế.

Năm Phú Quang 70 tuổi, anh yếu đi, tôi thăm anh và nói rằng thật ra anh đã "khai man" tuổi của mình. Anh phải 700 tuổi rồi mới đúng, vì chỉ có người thật sự sống với cảm xúc của mình mới "sống lâu", chỉ có người dùng tinh thần bát phố để thưởng thức cuộc đời mới có nhiều tuyệt tình ca như vậy.

Phú Quang là người đã lưu giữ linh hồn Hà Nội bằng âm nhạc. Bài "Lãng đãng chiều đông Hà Nội" của anh có câu nói lên hồn cốt ấy: "Chiều nay mình ta lang thang trên phố nhạt nhòa". Anh đã sống với tâm hồn mây bay gió thổi. Không phải nghệ sĩ thì không biết tính toán, không mục đích đời thường. Họ biết hết. Nhưng họ phải biết những cái cao hơn, biết quên đi những điều không đáng nhớ để thưởng thức cuộc đời này và cảm nhận chính mình. Mục đích thực sự chính là không có mục đích nào.

Hình như bây giờ, mọi người đều có mục đích. Mỗi một cuộc gặp gỡ, mỗi cuộc điện thoại đều vì một điều gì đấy. Cũng phải thôi. Ta phải sống cuộc đời thực của mình trước khi sống cuộc đời hoa mộng. Còn tôi lại muốn nhớ về Phú Quang như một kẻ "lãng đãng" trên những con phố "nhạt nhoà" mộng mị của Hà Thành.

Sự ra đi của anh để lại trống vắng cho âm nhạc Việt Nam đương đại và trong tim nhiều người yêu Hà Nội. Hồn bát phố của anh sẽ về lại đâu đó khi lời ca ngân lên: "Rồi cũng về lại phố xưa/ Về trong mùa thu bồi hồi làn mưa lối vắng".

Âm nhạc tự nó không rao giảng đạo lý, nhưng khiến mỗi người lắng lại trước toan tính thiệt hơn. Khi nào mệt mỏi với đời, ta hãy bát phố như nhạc sĩ đã đi qua Hà Nội, chẳng để mong cầu.

Phú Quang mãi ở lại với chúng ta theo cách ấy.

Nguyễn Bảo Sinh

Nguồn tin: vnexpress.net


Hà Nội   Việt Nam   cache   khán giả   âm nhạc  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...