24/11/2021 11:15  
Theo các doanh nghiệp đầu mối, giá nhiên liệu trên thế giới những ngày qua lao dốc nên giá xăng trong nước có thể sẽ giảm hơn 1.000đ/lít trong kỳ điều hành ngày 25/11/2021.

Trước kỳ điều hành giá ngày mai (25/11), dữ liệu từ Liên Bộ Công Thương – Tài chính chỉ mới cập nhật giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore - nguồn cung chính của Việt Nam, đến ngày 17/11. Theo đó, giá thành phẩm tại Singapore với xăng E5 RON 92 và RON 95 giảm khoảng 7-8% so với kỳ điều hành trước, lần lượt xuống 93,34 USD và 95,89 USD. 

Giá dầu hoả cũng quay đầu giảm, có thời điểm ở mức 88 USD/thùng trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) và đồng minh đưa ra cảnh báo nghiêm trọng đối với một số quốc gia tiêu thụ dầu lớn.

Áp lực giảm giá với dầu thô càng lớn hơn khi cả OPEC và IEA đều nhận định, thị trường dầu thô sẽ chuyển từ trạng thái "hụt cung" sang "dư cung" vào đầu năm sau. Sự sụt giảm nhu cầu dầu thô trong bối cảnh Covid-19 diễn biến khó lường, buộc nhiều nước phải tái thiết lập các biện pháp phòng dịch, hạn chế đi lại được cho là một phần nguyên nhân của tình trạng trên.

Đối với thị trường trong nước, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối tại TP.HCM dự báo, giá xăng có thể hạ nhiệt đáng kể vào kỳ điều hành vào thứ 5 tuần này, theo đà giảm của giá dầu thô thế giới. Theo đó, nếu không sử dụng đến quỹ bình ổn, giá xăng E5 RON 92 có thể giảm 1.080đ/lít và giá xăng RON 95 giảm 1.190đ/lít.

Trong khi đó, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel có khả năng giảm 330đ/lít; dầu hỏa giảm 500đ/lít và dầu mazut giảm 280đ/kg. Trái lại, nếu cơ quan quản lý tăng trích lập hoặc giảm chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng sẽ giảm khoảng 500-600đ/lít. Còn giá dầu không tác động bởi Quỹ mà cho giảm giá theo thị trường.

Đồng quan điểm, một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội cho rằng, sau 5 lần tăng giá liên tiếp, nhiều hàng hóa đang chịu sức ép khá lớn nên kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương – Tài chính có thể cho giảm giá theo thị trường và không sử dụng Quỹ.

Hiện, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước đang áp dụng theo mức từ kỳ điều chỉnh ngày 10/11/2021 - mức cao nhất 7 năm qua. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 23.669đ/lít; RON 95 không cao hơn 24.996đ/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 18.716đ/lít; dầu hỏa không cao hơn 17.637đ/lít; và dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.821đ/kg.

Giá xăng dầu tăng cao dấy lên lo ngại về ảnh hưởng đến nền kinh Việt Nam. Theo ước tính, giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%. Đây là mức giảm khá lớn, cho thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang phải chịu những tác động rất mạnh của tình trạng giá xăng dầu biến động.

Giá dầu thế giới tăng mạnh gây khó khăn lớn đối với doanh nghiệp trong nước vì giá năng lượng sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng tình trạng này trở nên đáng lo hơn vì kinh tế Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Giá xăng dầu thế giới tăng sẽ khiến giá nguyên vật liệu nhập khẩu và trong nước tăng theo.

Vì vậy, Việt Nam cần những giải pháp ứng phó linh hoạt, tránh để giá xăng dầu làm ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng kinh tế và đẩy lạm phát tăng, nhất là trong những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   HCM   Hà Nội   Tài chính   Việt Nam   chuyên gia   chuyên gia kinh tế   doanh nghiệp   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...