01/12/2021 8:40  
Tính đến nay, trên cả nước đã có 34 tỉnh, TP triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, với 3.512.874 mũi tiêm đã được thực hiện. Các chuyên gia y tế khẳng định, tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em là cách thức hiệu quả để tăng độ bao phủ miễn dịch cộng đồng, nhằm tạo “lá chắn thép” an toàn trước đại dịch.
0,3% trẻ phản ứng thông thường sau tiêm chủng

Thông tin về chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12 - 17 tuổi tại giao ban lãnh đạo các cơ quan báo chí sáng 30/11, đại diện Bộ Y tế cho biết, việc tiêm chủng cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc. Dự kiến, chiến dịch sẽ tiêm chủng cho khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này với số liều vaccine sử dụng khoảng 18 triệu liều.

PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư thông tin, tính đến ngày 28/11, một số tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 đạt trên 60% tổng số đối tượng 12 - 17 tuổi như: Hà Nam, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang. Theo báo cáo nhanh của các tỉnh, ghi nhận có 10.573 (chiếm 0,3%) trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng, chủ yếu là phản ứng tại chỗ, đau tại chỗ tiêm. Có 3 trường hợp tai biến nặng sau tiêm đã ghi nhận tại Hà Nội, Bắc Giang, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Đề cập đến vấn đề tử vong, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết, Hội đồng chuyên môn về biến cố sau tiêm chủng xác định nguyên nhân tử vong của 2 trường hợp này liên quan đến phản ứng phản vệ độ IV, không liên quan đến

vaccine và thực hành tiêm chủng. Đối với vaccine Covid-19, Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine Pfizer cho người từ 18 tuổi trở lên, với tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 17.214.268 mũi tiêm, trong đó mũi 1 là 8.990.664 liều và mũi 2 là 8.253.604 liều. Đến thời điểm này, các phản ứng thông thường sau tiêm chủng được ghi nhận tương tự như khuyến cáo của nhà sản xuất, có 60 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng được báo cáo (tỷ lệ 3,4/1 triệu vaccine liều sử dụng), hầu hết là phản ứng phản vệ độ II.

Vaccine tiêm cho trẻ an toàn và hiệu quả

Hiện nay, một số vaccine phòng Covid-19 theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã có chỉ định tiêm chủng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cũng cho thấy tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người từ 18 tuổi trở lên. Vì vậy, hầu hết các nước trên thế giới đã có chỉ định tiêm cho vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em.

Tại Mỹ, chỉ sử dụng vaccine Pfizer tiêm chủng cho trẻ em từ 5 - 17 tuổi. Tại châu Âu các loại vaccine được chỉ định tiêm chủng cho trẻ em 12 - 17 tuổi là Pfizer, Moderna. Tại Trung Quốc, trẻ 3 - 17 tuổi được chỉ định tiêm bằng vaccine Sinovac, vaccine này cũng được Indonexia chỉ định cho trẻ em. UAE cũng chỉ định vaccine Sinopharm cho trẻ em.

Còn tại Việt Nam, Bộ Y tế cấp phép cho vaccine Comirnaty (Công ty Pfizer sản xuất) và chỉ định tiêm cho trẻ em 12 - 17 tuổi dựa theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và nhà sản xuất. Vaccine được sử dụng tương tự như ở người từ 18 tuổi trở lên; với liều lượng 0,3 ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp; lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21 - 28 ngày).

Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cho thấy tính an toàn và hiệu quả của vaccine Pfizer với trẻ 12 – 17 tuổi. Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ 12 - 17 tuổi ở Việt Nam thực hiện theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước cho nhóm 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, yêu cầu hàng đầu trong tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em là đảm bảo an toàn tiêm chủng. Các cơ sở y tế được hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine cho trẻ em theo quy định của Bộ Y tế. Các tiêu chuẩn khám sàng lọc được xây dựng cô đọng, cập nhật các tiêu chuẩn tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em của quốc tế. Đối với những trẻ có bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có tình trạng dị ứng nặng hoặc phát hiện được tình trạng sức khoẻ bất thường khi đến tiêm tại các điểm tiêm ở cộng đồng sẽ được nhân viên y tế tư vấn, hướng dẫn đến khám sàng lọc để tiêm chủng và theo dõi tại bệnh viện.

Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia kêu gọi và mong muốn nhận được sự ủng hộ, tin tưởng và chủ động tham gia của các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ, phối hợp cùng ngành y tế, nhà trường để con em mình có cơ hội được tiêm vaccine phòng Covid-19 an toàn, đủ liều. “Vaccine tiêm cho trẻ em ở nước ta đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo dùng, được sử dụng tiêm ở nhiều quốc gia khác nhau. Do đó các bậc phụ huynh yên tâm đưa con em mình đi tiêm chủng để phòng ngừa Covid-19” - PGS.TS Dương Thị Hồng chia sẻ.

Còn theo Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư Nguyễn Minh Điển, để đảm bảo an toàn cho trẻ khi thực hiện tiêm chủng, việc sàng lọc những trường hợp trẻ có bệnh nền, có tiền sử dị ứng, phản vệ với thuốc, vaccine hay bất kỳ dị nguyên nào khác là rất quan trọng. Sau khi tiêm vaccine, trẻ cần phải ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi tình trạng sức khỏe nhằm phát hiện và xử trí kịp thời những dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, trẻ cần tiếp tục tự theo dõi ít nhất 7 - 28 ngày sau tiêm tại nhà, thông báo bác sĩ ngay nếu nổi mề đay, mệt tức ngực, khó thở, choáng váng, đau bụng nhiều…

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Bệnh viện   Covid   Covid-19   Hà Nội   Lãnh đạo   Trung Quốc   Việt Nam   Vĩnh Long   chuyên gia   sản xuất   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...