21/09/2021 8:40  
TP Hà Nội đang từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dần đưa cuộc sống trở lại “bình thường mới”.
Đây cũng là lúc những cảnh báo về việc không được lơi là, xem nhẹ các biện pháp phòng, chống dịch được đặc biệt nhấn mạnh. Bởi khi dịch vẫn còn phức tạp ở nhiều địa phương, chỉ cần một sự chủ quan, sẽ dẫn đến hệ quả nặng nề cho cả xã hội.

Đừng quên, dịch vẫn còn trong cộng đồng

Sau 4 đợt giãn cách xã hội với các giải pháp phòng, chống dịch quyết liệt, sáng tạo phù hợp thực tiễn, TP Hà Nội hiện đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Như các chuyên gia nhận định, chuyện nới lỏng giãn cách xã hội là điều kiện cần thiết để chúng ta quay lại cuộc sống bình thường trong trạng thái mới, vừa chống dịch, vừa lao động sản xuất. Nhưng khi TP càng nới lỏng giãn cách xã hội, càng phải quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch. Bởi chúng ta phải nhớ, dịch vẫn còn ở trong cộng đồng, có cơ hội sẽ bùng phát, chỉ cần một vài người thả lỏng quá mức, thiếu cảnh giác rất có thể sẽ dẫn đến những hệ quả không lường trước.
Việc nới lỏng giãn cách được TP tiến hành một cách rất cẩn trọng. Trong những ngày qua, khi một số dịch vụ kinh doanh được phép mở trở lại tại các địa bàn đủ điều kiện, TP đã yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Cơ bản các cơ sở đã thực hiện tốt yêu cầu, bởi hơn ai hết, họ là những người thấm thía nhất về việc nếu để dịch bùng phát, sẽ phải ngừng kinh doanh, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống.

Nhưng bên cạnh xu hướng tích cực ấy, tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh cũng bắt đầu thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Gần một tuần qua, khi TP cho phép nới lỏng một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ, lượng người và phương tiện trên các đường phố tấp nập hơn rất nhiều. Các lực lượng chức năng vẫn xử phạt hàng chục trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch như: Không đeo khẩu trang nơi công cộng, ra đường khi không thực sự cần thiết... Có hàng quán treo biển chỉ bán mang về nhưng vẫn có người vô tư ngồi uống cà phê, trà đá… Không chỉ ở “vùng xanh”, mà ngay cả trong “vùng đỏ”, nhiều người dân đã có tâm lý chủ quan, thoải mái đi lại, mua bán, tập thể dục… Tại nhiều tuyến phố đã xuất hiện tình trạng tắc đường, kẹt xe khi người dân chen chúc đến mua bánh Trung thu, bất chấp nguy cơ dịch bệnh và cảnh báo của lực lượng chức năng, thật sự đáng lo ngại.

Thậm chí không ít người dân đã “vô tư” lặp lại những thói quen như chưa từng có dịch xảy ra khi không đeo khẩu trang, tụ tập buôn chuyện… Tình trạng này không khỏi dấy lên những lo ngại, bởi khi mọi người không còn tâm lý e dè dịch, sẽ tăng tiếp xúc xã hội và tự thấy không cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, cũng sẽ là thời điểm nhạy cảm, dễ tái phát sinh dịch bệnh, đặc biệt với những biến chủng mới, nguy cơ lây lan nhanh và khó lường. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo: Bất cứ hoạt động buôn bán nào, nếu không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định phòng, chống dịch Covid-19, đều dẫn đến nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh tại cộng đồng. Vì chúng ta không thể biết ai bị bệnh hay không bị bệnh, ai đang mang mầm bệnh Covid-19.

Chủ quan sẽ trả giá đắt

Như lãnh đạo TP đã nhấn mạnh, mặc dù kết quả phòng, chống dịch của Hà Nội đã có bước tiến mới nhưng các ca F0 trong cộng đồng vẫn còn. Do đó, tinh thần chỉ đạo chung vẫn là tuyệt đối không được chủ quan, lơi là; tiếp tục coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.

Hà Nội đang tiếp tục cho phép các hoạt động kinh doanh, dịch vụ mở cửa trở lại. Theo các chuyên gia y tế, việc TP thực hiện việc này một cách thận trọng, theo lộ trình phù hợp và cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để phòng ngừa dịch bệnh là cần thiết. Nếu nới lỏng không đi kèm kiểm soát sẽ khiến cho thành quả gần hai tháng chống dịch có nguy cơ “đổ sông, đổ bể”.

Do vậy, như khuyến cáo của các chuyên gia, dù dần đưa nhịp sống “bình thường mới” trở lại để phục hồi kinh tế nhưng trên hết, mỗi người dân không được chủ quan, dịch vẫn có thể bùng phát bất kỳ khi nào. Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay, tại Hà Nội, mặc dù vaccine đã bao phủ số lượng lớn người dân, tuy nhiên, còn rất nhiều người chưa được tiêm như trẻ em, một số người không thể tiêm được... Cho nên, dù đã được tiêm 1 mũi hay 2 mũi thì người dân cũng nên tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, bởi ngay cả khi được tiêm đủ liều, cũng không thể bảo vệ 100%.

“Chuyện nới lỏng giãn cách là điều kiện cần thiết để chúng ta quay lại cuộc sống bình thường, trong trạng thái mới. Và trong trạng thái vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, mỗi cá nhân, tập thể đều phải làm tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, phải nghiêm túc thực hiện 5K, nhất là ở những nơi có mật độ dân tập trung cao, đi lại đông, lao động sản xuất, cửa hàng, cửa hiệu, những nơi xếp hàng mua sắm... đều có thể bùng, phát dịch”- PGS.TS Nguyễn Huy Nga chỉ rõ.

Thực tế, ngay cả những “vùng xanh” tại Hà Nội trong những ngày qua vẫn xuất hiện ca bệnh mới không rõ nguồn lây, đây chính là sự cảnh báo với mỗi địa bàn, người dân trong phòng, chống dịch. Kể riêng từ đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, để giữ cho TP bình yên trong đại dịch, cả hệ thống chính trị và người dân đã phải nỗ lực rất nhiều về cả tinh thần, sức lực và kinh tế. Chỉ một hành động chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong lúc này sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của TP và sinh kế, sức khỏe, tính mạng của người dân và cộng đồng. Vì vậy, không lý nào để sự vô ý thức, lơi là, chủ quan của một vài cá nhân, ở một vài địa bàn khiến cho cả cộng đồng, toàn xã hội phải trả giá, phải làm lại từ đầu với khó khăn, vất vả gấp bội phần.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Covid   Covid-19   Hà Nội   Trung thu   chuyên gia   dịch vụ   sáng tạo   sản xuất   thói quen  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...