26/09/2021 19:20  
"Bom nợ" hơn 300 tỷ USD của Evergrande không chỉ khiến giới tài chính “đau đầu” mà còn tạo ra tâm lý lo ngại đối với nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.

“Bom nợ” Evergrande

Tập đoàn Evergrande được tỷ phú Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan) thành lập vào năm 1996, có trụ sở tại Thâm Quyến. 

Evergrande xuất hiện vào đúng giai đoạn bùng nổ của thị trường bất động sản (BĐS) Trung Quốc. Chính quá trình đô thị hóa được đẩy nhanh đã biến Evergrande trở thành trung tâm quyền lực của nền kinh tế được định hướng phát triển dựa vào BĐS.  

Với những thành tựu ban đầu, đến tháng 10/2009, Evergrande huy động được 722 triệu USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc). 

Theo Báo cáo thường niên năm 2020, Evergrande phát triển 798 dự án bất động sản tại 234 thành phố của Trung Quốc với quỹ đất 231 triệu m2.

Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản đạt 350 tỷ USD, tổng nợ phải trả hơn 300 tỷ USD (tương ứng phần vốn chủ sở hữu đạt 50 tỷ USD). Trong đó, nợ vay tài chính là 111 tỷ USD.

Vào ngày 7/9/2021, nhà xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã hạ bậc tín nhiệm của Evergrande từ CCC+ xuống thành CC, cho thấy mức độ rủi ro tín dụng rất cao.

Tập đoàn phát triển BĐS này đang chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính với những tác động sâu rộng và chờ đợi một sự sụp đổ được báo trước hoặc một gói cứu trợ từ chính quyền Trung Quốc.

Các nhà quản lý đã cảnh báo về những rủi ro lớn hơn đối với hệ thống tài chính Trung Quốc nếu “bom nợ” 300 tỷ USD của Evergrande thực sự nổ. Và nếu điều đó xảy ra, nhiều lĩnh vực có thể chịu rủi ro tín dụng cao và sẽ tác động lớn đến nền kinh tế Trung Quốc.

Vào phiên giao dịch cuối tuần 24/9, cổ phiếu 3333 của Evergrande Group giảm 11.61%. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của doanh nghiệp này đã giảm 84%.

3 lằn ranh đỏ

Đối với chính sách cắt giảm đòn bẩy áp dụng với các nhà phát triển BĐS Trung Quốc được gọi là 3 "lằn ranh đỏ" mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã đưa, nếu công ty đạt được chỉ tiêu của 3 chỉ số, công ty có thể tăng nợ tối đa 15% trong năm tới. 

3 chỉ số “lằn ranh đỏ” gồm: Tổng nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu (100%); tiền/nợ vay ngắn hạn (tối thiểu là 1); tổng các khoản phải trả (không bao gồm Khoản người mua trả tiền trước và doanh thu chưa thực hiện)/tổng tài sản (tối đa 70%). 

Đối chiếu chỉ tiêu trên với Evergrande, tổng nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của công ty là 199% (ngưỡng giới hạn 100%); tiền/nợ vay ngắn hạn là 0,52 (ngưỡng giới hạn 1); nợ phải trả/tổng tài sản là 85% (ngưỡng giới hạn 70%). Như vậy, có 2 chỉ số của Evergrande Group là nợ vay/vốn chủ sở hữu và nợ phải trả/tổng tài sản đều vượt "lằn ranh".

Chính sách 3 “lằn ranh đỏ” được Trung Quốc đặt ra nhằm mục đích kiểm soát giá nhà, quản lý thị trường đất, phân bổ nguồn lực về tín dụng, giảm tính chu kỳ của BĐS Trung Quốc và xây dựng thị trường BĐS phát triển bền vững và có tính hệ thống hơn.

Chính sách mới này đã khiến Evergrande phải giảm giá bán đề thúc đẩy doanh số và vòng quay tài sản; kiểm soát tăng trưởng nợ dưới sự giám sát của cơ quan Trung ương; cải thiện hiệu quả chi phí hoạt động; xử lý tài sản hoặc cổ phần trong các doanh nghiệp không liên quan đến tài sản cốt lõi; các doanh nghiệp cần tập trung vào việc cốt lõi là cắt giảm nợ. 

Theo Báo cáo thường niên 2020, Evergrande Group ghi nhận giá trị hợp lý các BĐS tập đoàn đầu tư năm 2020 giảm 15,8% so với năm trước. 

Áp lực trả nợ của Evergrande Group dồn vào các khoản nợ ngắn hạn. Báo cáo tài chính quý II/2021 ghi nhận công ty có 37 triệu USD nợ phải trả ngắn hạn dưới 1 năm, chiếm 42% tổng nợ vay. Các khoản nợ phải trả trong 1-2 năm hay 2-5 năm chiếm khoảng 17-18%, còn lại là nợ trên 5 năm. Lãi suất trung bình cho các khoản vay ở mức 9,02%, thấp hơn mức 9,49% cuối năm 2020.

Theo dữ liệu từ S&P Global Ratings, Evergrande sẽ trả lãi 83 triệu USD vào ngày 23/9 cho lô trái phiếu 2 tỷ USD. Ngày 29/9 tới đây, doanh nghiệp tiếp tục phải trả khoản lãi 47 triệu USD cho lô trái phiếu đến hạn vào tháng 3/2024. Đây chính là phép thử cho khả năng tài chính của Evergrande Group trước nguy cơ "có thể vỡ nợ".

Theo hãng tin Bloomberg, thời gian tới, Evergrande sẽ phải trả 669 triệu USD lãi vay vào cuối năm nay. Vào năm 2022, Evergrande sẽ phải thanh toán 2 tỷ USD trái phiếu đáo hạn vào tháng 3 và tiếp đó là 1,45 tỷ USD vào tháng 4.

Doanh nghiệp BĐS Việt Nam vay nợ ra sao?

Từ vụ khủng hoảng vay nợ của doanh nghiệp Trung Quốc, nhìn về tình hình vay nợ của 20 doanh nghiệp BĐS lớn nhất trên sàn chứng khoán, tính đến 30/6/2021, hàng loạt "ông lớn" cũng đang ôm khối nợ hàng trăm nghìn tỷ đồng. 

Xét về quy mô nợ vay, dẫn đầu là CTCP Tập đoàn Vingroup (mã: VIC) với 138.172 tỷ đồng, gồm vay tín dụng (79.703 tỷ đồng) và phát hành trái phiếu (56.143 tỷ đồng). Khoản vay của Vinhomes - công ty con của Vingroup tính đến 30/6/2021 là 22.861 tỷ đồng.

Tiếp theo là Tập đoàn Novaland (mã CK: NVL) với nợ vay 51.302 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2020, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản lên đến 77%, nằm trong top những doanh nghiệp có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên, vay và nợ thuê tài chính dài hạn đã giảm gần 4% so với cuối năm 2020 do thanh toán các khoản nợ vay, mua lại trái phiếu từ gói trái phiếu chuyển đổi quốc tế.

Cũng "ôm nợ" tới hơn 16.000 tỷ đồng, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC, mã: BCM) cũng thuộc top các doanh nghiệp BĐS có quy mô vay nợ lớn.

Đối với Kinh Bắc City do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch, tính đến 30/6, nợ vay là 7.490 tỷ đồng, tăng 30% so với hồi đầu năm. Chủ nợ lớn nhất là PVCombank với 2.500 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm.

Với số dư khiêm tốn hơn, tại ngày 30/6, CenLand có dư nợ vay 2.136 tỷ đồng, tăng 160% so với hồi đầu năm, trong đó BIDV là chủ nợ lớn nhất với khoản tiền lên đến 873 tỷ đồng, lãi suất cho vay dao động từ 5,1-8%/năm.

Còn tại Khang Điền, gánh nặng nợ vay cũng tăng hơn 40% so với đầu năm, lên mức 2.589 tỷ đồng, thêm vào đó công ty cũng ghi nhận âm 843 tỷ đồng tiền từ hoạt động kinh doanh, trong khi cùng kỳ dương 454 tỷ đồng.

Bên cạnh vay ngân hàng thì trái phiếu cũng là kênh được các doanh nghiệp bất động sản thường xuyên sử dụng để huy động vốn bởi quy mô rất lớn của thị trường này.

Dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong 8 tháng đầu năm có 490 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành 308.517 tỷ đồng và ba đợt phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài với tổng giá trị 1 tỷ USD.

Trong đó, nhóm các doanh nghiệp BĐS huy động nhiều thứ hai sau nhóm các ngân hàng thương mại với tổng giá trị phát hành 107.980 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoảng 21,6% trái phiếu của doanh nghiệp BĐS phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc được đảm bảo bằng cổ phiếu.

Với tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp mạnh trong thời gian gần đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Thị trường trái phiếu hiện nay đang rất nóng, nguy cơ vỡ bom nợ trái phiếu dần hiện rõ, đặc biệt là trái phiếu BĐS. Có nhiều doanh nghiệp không thể hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn đi vay vốn. Điều này khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tiềm ẩn nhiều rủi ro”.

Liệu Việt Nam có "Evergrande"?

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: "Quả bom" nợ của Evergrande khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc, cũng như quốc tế chao đảo. Và rõ ràng cũng làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam có những phiên bị tác động nhưng không lớn. 

Ông cũng cho rằng, nếu “quả bom” nợ này phát nổ sẽ không tạo ra một cú sốc nghiêm trọng tương tự như vụ phá sản của Lehman Brothers xảy ra cách đây 13 năm về trước. Bởi Evergrande được đánh giá ở một quy mô nhỏ hơn, ít nghiêm trọng hơn, câu chuyện chủ yếu liên quan đến yếu tố thanh khoản của tập đoàn này và nhiều khả năng sẽ dẫn đến một sự can thiệp nhất định từ chính phủ Trung Quốc trong thời gian tới để ngăn không tạo ra sự đổ vỡ.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cũng đánh giá về cuộc khủng hoảng Evergrande tác động đến thị trường của Việt Nam là không lớn. 

Tuy nhiên, vụ việc này đã dấy lên tâm lý lo ngại về rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ các nhà đầu tư. Hai năm trở lại đây, thị trường phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp đã tăng trưởng nóng về mặt quy mô.

Phát hành trái phiếu là một kênh huy động vốn có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Đặc biệt, trái phiếu BĐS chiếm tỷ trọng lớn trong trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra. Tuy nhiên, chúng ta thấy so với giá trị BĐS thì số lượng và giá trị trái phiếu phát hành ra là chưa lớn. Không có một doanh nghiệp nào phát hành quá lớn như doanh nghiệp BĐS Trung Quốc. Vì thế, không đáng lo ngại”.

Về vấn đề nợ vay của các doanh nghiệp BĐS trong nước, theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, với những doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nếu có vấn đề gì xảy ra thì cũng sẽ không có tác động gì quá lớn, trừ phi đồng loạt các trái phiếu doanh nghiệp BĐS không chi trả được thì có thể gây sức ép nhất định, tạo ra cú sốc trên thị trường. Do đó, các nhà đầu tư Việt Nam không cần quá lo lắng về thị trường trái phiếu sẽ xảy ra những trường hợp tương tự như Trung Quốc. 

Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao; do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu; không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. 

Trái phiếu cần được đánh giá, phân tích trên các khía cạnh về lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp phát hành, tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản đảm bảo cũng như các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. 

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý Nhà nước không cấp phép phát hành. 

Do đó, nhà đầu tư cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu.

Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành”. 

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc giám sát, thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, bởi việc phát hành riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia. 

Theo chỉ đạo trên, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo, hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp, nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Covid   Covid-19   HCM   Hiệp hội   Lãi suất   Ngân hàng   Trung Quốc   Tài chính   Tập đoàn   Việt Nam   chuyên gia   chuyên gia kinh tế   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   khủng hoảng   Đầu tư   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...