11/08/2021 21:25  
Phó giáo sư, tiến sĩ tâm lý học Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, tối 11/8 tư vấn trên VnExpress về cách giảm căng thẳng do đại dịch, khuyên bạn hãy luôn tư duy tích cực, chấp nhận hoàn cảnh để mạnh mẽ ứng phó áp lực.
Mới nhất Cũ nhất
  • 21h00

    Lời khuyên chung của ông để mỗi người có thể áp dụng vượt qua những lo âu căng thẳng do đại dịch là gì?

    Một trong những liệu pháp hiệu quả chống lại sự tác động của Covid-19 với đời sống tinh thần, đó là tư duy tích cực, thay đổi lối sống, cách làm việc, chấp nhận hoàn cảnh. Khi chấp nhận hoàn cảnh và thay đổi hành vi phù hợp, chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, có tinh thần ứng phó với áp lực mà dịch bệnh đem lại.

    Luôn tư duy tích cực, tổ chức hoạt động khoa học, hợp lý, đảm bảo nguyên tắc phòng dịch, giữ cơ thể khỏe mạnh và tinh thần sảng khoái, chúng ta có thể vượt qua vấn đề tinh thần.

    Tôi tin rằng độc giả VnExpress có thể lựa chọn thông tin, hướng dẫn hữu ích từ các chuyên gia để có cuộc sống, chất lượng tinh thần tuyệt vời, vượt qua những khó khăn chỉ là hiện tại như bây giờ.

  • 20h53

    Tôi thường xuyên quát, mắng con vì căng thẳng khi vừa lo việc cơ quan, việc nhà, việc dạy dỗ con. Tôi cần thay đổi cách giao tiếp và tương tác với con như thế nào khi lúc nào người cũng trong tâm trạng bốc hỏa, chỉ muốn la hét, đập phá? (Hoàng Duyên, 27 tuổi, Bình Dương)

    Tình huống này thường gặp rất nhiều trong cuộc sống. Khi bạn gặp áp lực sẽ rất dễ mất bình tĩnh, khiến chúng ta mất đi kiểm soát. Cả giận mất khôn khiến chúng ta có những hành vi bột phát, sau đó nhìn lại thì cảm thấy không đáng khi hành động như vậy. Ví dụ bạn đánh đập con, mắng mỏ con.

    Khi đó, chúng ta nên hít thở. Đây là bài tập đơn giản, rẻ tiền. Khi cơn giận đến, bạn đếm từ 1 đến 3 trước khi nói điều gì đó. Hít thở đủ, nuốt không khí vào chỉ cần 3 giây, cơn tức giận sẽ giảm đi, lúc đó bạn sẽ suy nghĩ mắng con không, mắng thế nào. Khi cơn tức đã nguôi, hành vi ứng xử của chúng ta sẽ khác.

    Cách thứ hai là tư duy khác để thích ứng với dịch. Lúc đó, bạn giảm bớt các tiêu chuẩn, chỉ giữ tiêu chuẩn cốt lõi nhân bản, tập chấp nhận một số thói quen xấu, tập đứng ở góc độ của con để suy nghĩ.

    Đôi khi hành động chậm lại đôi ba giây, kìm nén lại, chúng ta sáng suốt hơn và giúp chúng ta thông thái hơn khi đưa ra quyết định.

  • 20h53

    Chơi game là cách duy nhất khiến em giải tỏa căng thẳng thời gian này. Bố mẹ bận lo công việc nên cũng không ai để ý. Năm nay em còn thi đại học, nhưng cứ vào bàn học lại thấy đau đầu dữ dội. Nhờ chuyên gia hướng dẫn cách giúp em vượt qua thời gian này? (Minh Đăng, 17 tuổi, Hà Nội)

    Đau đầu dữ dội là dấu hiệu của căng thẳng, nhưng chơi game thường xuyên liên tục gây căng thẳng hơn. Một số nghiên cứu cho thấy trong đại dịch, mọi người dễ nghiện các phương tiện truyền thông hơn, nhất là các bạn trẻ, bạn sinh viên, do bình thường các bạn ít được dùng, nên khi được tiếp cận trong đại dịch thì dễ nghiện hơn. Việc chơi game liên tục không làm ta sảng khoái hơn, lúc chơi có thể cảm thấy hưng phấn, nhưng khi chơi nhiều thì cảm thấy căng thẳng nhiều hơn, dễ nghiện hơn, cộng với tác động của đại dịch. Bạn nên chia thời gian chơi vừa phải, có thể từ 30 phút cho đến một tiếng, nhưng chơi 4-5 tiếng thì làm sao còn chú ý đến bài học. Hãy dành thời gian chơi để làm các việc có ích hơn.

  • 20h49

    Con trai tôi học Y, đã đi chống dịch 3 lần nhưng gia đình tôi vẫn rất lo. Mỗi lần con thông báo đi là vợ tôi lại hoảng hốt, ngày nào chờ con về gọi điện thì mới đi ngủ, nhiều hôm đi lấy mẫu 2- 3h sáng là tôi thức theo. Rất lâu rồi gia đình không gặp nhau. Tôi cần động viên hai mẹ con thế nào, nhất là vợ tôi? (Thái Sơn, 57 tuổi, Bắc Ninh)

    Người mẹ nào cũng lo lắng cho con. Đôi khi sự lo lắng của người mẹ khiến vấn đề nghiêm trọng hơn. Độc giả hay chia sẻ với người vợ của mình, đó là con đi chống dịch luôn được đảm bảo an toàn. Những người trong lĩnh vực y tế đều được trang bị phương tiện bảo hộ. Lực lượng y tế rất tuyệt vời, đã có sức khỏe và sự chuẩn bị về tin thần, khiến gia đình vững tin hơn.

    Thay vì lo lắng, hãy động viên và động viên từng bước đi của con, khiến con có động lực làm việc. Rõ ràng cách tư vấn làm sao để người vợ thấy được tinh thần làm việc của người lính áo trắng luôn cần sự động viên ở phía hậu phương. Chính sự lạc quan của những người ở hậu phương giúp giải tỏa những sự lo lắng không cần thiết cho người trên tuyến đầu chống dịch ở nơi xa.

  • 20h46

    Bây giờ cứ nhắc đến Covid-19 là tôi đau đầu, sợ hãi. Đâu đâu cũng là tin Covid-19, như hôm 8/8 hơn hơn 9.000 ca khiến tôi khó thở. Tôi có phải sợ quá mà tạo áp lực cho mình không? Những lúc cảm thấy tức ngực, khó thở như thế này tôi nên làm gì? (Ngọc Ánh, 25 tuổi, Hà Nội)

    Hàng ngày bạn nghe nhiều thông tin và dành toàn bộ thời gian để xem bao nhiêu ca, số người chết và nhiều câu chuyện xuất hiện trong đại dịch. Giảm bớt thời gian đọc thông tin khiến chúng ta mệt mỏi hơn, nên đọc tin tức báo chí lớn, tin của Bộ Y tế, Sở Thông tin Truyền thông và Chính phủ để tin tưởng hơn, bớt lo lắng thái quá.

  • 20h46

    Chồng từng điều trị trầm cảm, ống thuốc và đỡ hơn nhưng gần đây lại tái phát. Anh ăn ít, ngủ ít, lười giao tiếp, em hỏi cũng không muốn trả lời? Em cần làm gì, bổ sung dinh dưỡng thế nào và nên nói chuyện gì với anh? (Ánh Dương, 30 tuổi, quận 1, TP HCM)

    Với những người bị trầm cảm, vấn đề rất khó khăn, những người bị trầm cảm khiến người ta hạn chế giao tiếp, tiếp xúc với bên ngoài. Ngoại cảnh ttác động xấu đến người trầm cảm rất nhiều. Chồng bạn nên tham vấn bác sĩ, họ sẽ kê đơn và bài tập để cải thiện cho chồng bạn. Người trầm cảm thường họ không muốn nói và hoạt động, nếu ta kéo họ vào thì họ bớt tiêu cực đi. Ta cần chú ý hơn tới người trầm cảm vì bệnh có thể trầm trọng thêm bất cứ lúc nào.

  • 20h44

    Chuyên gia có thể tư vấn thêm về một số kỹ thuật giúp giảm căng thẳng trong thời đại dịch? Ví dụ, nếu mất ngủ thì nên sử dụng kỹ thuật đếm "Cừu" được không? Có nên dùng liệu pháp tắm bồn, massage để thư giãn không? (Phạm Hải Hà, 38 tuổi, Hội An)

    Rất nhiều người nói mất ngủ thì đếm cừu hay đếm trăng sao, tuy nhiên không thật sự chính xác. Vấn đề quan trọng vì sao chúng ta mất ngủ. Vì chúng ta suy nghĩ những điều tiêu cực. Sự căng thẳng làm cơ thể chúng ta rệu rã, giấc ngủ không đến được. Để không mất ngủ, chúng ta cần làm một ngày có giá trị và ý nghĩa.

    Nếu đang mất việc làm, suy nghĩ kiếm việc ở đâu, làm thế nào có tiền làm chúng ta mất ngủ. Đây là thời điểm chuẩn bị cho mình kỹ năng, kiến thức, thái độ tích cực với công việc sẽ làm sau này. Thái độ đó khiến chúng ta bớt lo lắng sau này.

    Nếu lo lắng về đại dịch, hàng ngày thực hiện 5K hoặc tập luyện sức khỏe sẽ khiến chúng ta bớt lo lắng. Nếu không giải quyết những điều khiến chúng ta lo lắng mà lướt Tiktok, xem phim, cơn mất ngủ sẽ đánh gục chúng ta bất cứ lúc nào.

    Vì vậy hãy dành thời gian chia sẻ, giúp đỡ người xung quanh khiến chúng ta bớt lo lắng. Bớt lo lắng sẽ giúp ta ngủ ngon.

    Nếu trước đó mất ngủ, hãy sắp xếp thời gian biểu hợp lý. Khoảng 10h hãy dành thời gian cho bài tập ngắn, tắm nước ấm nếu có điều kiện để thanh lọc cơ thể. Khi đã lên giường, hãy để lại những lo lắng bên ngoài. Càng tìm cách chống mất ngủ bằng suy nghĩ, tư duy mang tính tiêu cực thì không hiệu quả.

  • 20h30

    Tập yoga, thiền, nghe nhạc... có phải cách để thư giãn và giảm stress không? Chuyên gia có thể hướng dẫn bài tập thiền, hít thở giải tỏa căng thẳng? (Thu Anh, 38 tuổi, Hà Nội)

    Trong thời gian dịch, nhiều bạn trẻ, chuyên gia về thiền, yoga và Bộ Y tế có rất nhiều hướng dẫn liên quan về mặt thể chất, chúng ta có thể tìm kiếm để tập theo. Nếu bạn có cơ thể khỏe mạnh thì lúc nào cũng trong trạng thái hưng phấn, giảm thời gian tiêu cực.

    Chúng ta nên thay đổi vị trí tập luyện, không nhất thiết ra đường hay lên sân thượng chung cư như bình thường không có dịch, mà lúc này bạn chỉ cần một khoảng không, không gian để tập luyện là được.

    Thiền có thể giúp bạn loại bỏ suy nghĩ tiêu cực để thanh lọc đầu óc. Chúng ta không nghĩ đến cái sẽ đến mà tập trung đến hơi thở, luôn thư giãn, thư thái và khỏe mạnh hơn. Từ đó, chúng ta mạnh mẽ, sảng khoái, vượt qua căng thẳng do đại dịch.

    Ví dụ, bạn bật bản nhạc không lời, để tay trước ngực và tưởng tượng như đang ở cánh đồng cỏ, cánh đồng lúa, hít thật sâu và thở ra hết cho không khí thoát ra ngoài. Thực hiện trong 3-5 phút để suy nghĩ tích cực, là cách đơn giản giúp các cơ khớp thoải mái hơn, nhẹ nhõm hơn.

  • 20h29

    Kể từ khi cách ly, hai vợ chồng tôi đều mất việc và ở nhà. Chồng tôi đâm ra đổ đốn và uống rượu nhiều. Thỉnh thoảng "rượu vào lời ra", vung tay, vung chân. Hai con đang tuổi ăn học, tôi rất áp lực, phải uống thuốc ngủ mới ngủ được. Xin chuyên gia tư vấn, tôi không muốn mình như vậy nhưng quá bế tắc, chán nản.

    Tình trạng bạo lực gia tăng trong đại dịch nguy hiểm thế nào đến hạnh phúc gia đình và tâm lý các con?

    Nếu bị chồng bạo hành trong thời gian giãn cách xã hội, tôi nên làm gì để bảo vệ bản thân và tìm kiếm sự trợ giúp ở đâu, cơ quan nào? (Thanh Thanh, 35 tuổi, Bình Dương)

    Cuộc sống thay đổi nhưng chúng ta vẫn giữ thói quen cũ, thêm vào đó, chúng ta có tâm trạng bi quan hay cách ứng phó không chuẩn. Cụ thể chồng bạn uống rượu nhiều hơn, hút thuốc nhiều hơn làm gia tăng vấn đề bạo lực. Rõ ràng đại dịch không chỉ tác động đến suy nghĩ và sức khỏe, nó làm chúng ta dễ mắc chứng nghiện hơn so với thông thường, ví dụ nghiện rượu, Internet, nghiện game. Điều này có tác động xấu đến hành vi. Khi những nhu cầu đó không được thỏa mãn, nó làm ta trở nên bực bội tức tối, gây hấn với người xung quanh.

    Trong tình huống này, hai vợ chồng phải trao đổi được với nhau. Trong thời điểm này, ai cũng căng thẳng và bức bối. Nếu giải quyết căng thẳng bằng căng thẳng, chúng ta sẽ không giải quyết được điều gì. Ở thời điểm người chồng còn tỉnh táo, vợ chồng cần ngồi với nhau trao đổi về kế hoạch cuộc sống. Trong trường hợp đã tìm mọi cách giải quyết mà không thể làm được gì, chúng ta cần tìm đến tổ chức có thể giải quyết. Người vợ có thể tìm đếm lời khuyên và sự trợ giúp ở hội phụ nữ, các tổ chức công tác xã hội. Nếu có thêm tiếng nói từ người có chuyên môn sẽ giúp giải quyết vấn đề. Nếu manh động theo hướng tấn công ngược trở lại, đưa con sẽ rất khổ sở khi bố mẹ có những mâu thuẫn không thể giải quyết.

  • 20h28

    Từ khi cách ly tại nhà tôi lại thường xuyên nấu nướng, học món mới cải thiện bữa ăn gia đình. Điều này cũng là cách vượt qua những ngày giãn cách nhàm chán phải không? Tôi định chia sẻ công thức và những bữa ăn này lên mạng cho mọi người cùng thưởng thức. Chuyên gia thấy cách này phù hợp không ạ? (Hoàng Lan, 25 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội)

    Rất là tuyệt vời. Bạn Hoàng Lan đã có cách ứng phó với vấn đề liên quan đến hành vi chúng ta khi bị giãn cách. Như tôi đã nói là chúng ta luôn phải tổ chức hoạt động để bận rộn. Hãy tổ chức sinh hoạt giống như khi đi làm. Có thể ta không làm gì cả khi ở nhà, nhưng mà chúng ta phải xây dựng lại nếp sinh hoạt, trở nên bận rộn hơn. Bận rộn sẽ làm cho chúng ta cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, có giá trị hơn, giữ tinh thần thực sự mạnh mẽ. Ví dụ trước đây ta ít có thời gian dạy và trò chuyện với con, thì nay ta dành thời gian cho con, hoặc dành thời gian để chăm sóc nhà cửa. Các việc làm giúp cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn cả, tiêu tốn thời gian dư thừa. Trong khi dư thừa thời gian sẽ làm cho chúng ta căng thẳng, mệt mỏi hơn. Cách của bạn Hoàng Lan rất hay, giúp bạn cảm nhận được niềm vui và nhiều người nhận được niềm vui từ bạn.

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Covid   Covid-19   Cuộc sống   Giáo dục   HCM   Hà Nội   Thái độ   chuyên gia   căng thẳng   hành vi   thói quen   yoga  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...