14/12/2021 16:25  
Chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn đối thoại cấp cao, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ kết nối với doanh nghiệp để đặt đầu bài cho hệ sinh thái khởi nghiệp.
Mới nhất Cũ nhất
  • 16h05

    Thủ tướng: 'Quốc gia nào cũng cần đổi mới sáng tạo'

    Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo. Ông cho rằng những khó khăn, thách thức từ thực tế cần giải quyết bằng đổi mới sáng tạo. "Đây cũng là yêu cầu khách quan của phát triển, giai đoạn nào cũng cần sáng tạo... để khẳng định và vươn lên", Thủ tướng nói.

    Thủ tướng cho rằng, đổi mới sáng tạo phải bám sát chủ trương của Đảng lần thứ XIII đã đề ra, góp phần làm cho mọi người dân ấm no hạnh phúc, bảo vệ hòa bình độc lập, chứng minh trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam.

  • 15h21

    Tháo gỡ điểm nghẽn cơ chế tài chính cho khoa học công nghệ

    Đưa ra quan điểm trong phiên đối thoại, ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho rằng doanh nghiệp nhà nước sẵn sàng tham gia làm bệ đỡ, vườn ươm đổi mới sáng tạo. Ông cho biết, nhiều doanh nghiệp đang đi đầu trong phong trào đổi mới sáng tạo như FPT, các tập đoàn sản xuất đẩy mạnh chuyển đổi số như tập đoàn dệt may...

    Ông Lai đề xuất tháo gỡ ba điểm nghẽn để huy động được nguồn lực doanh nghiệp nhà nước trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. "Đầu tư đổi mới sáng tạo rủi ro cao nên không thể yêu cầu doanh nghiệp phải bảo toàn vốn", ông nói và cho rằng quy trình thủ tục thẩm định cần được rút ngắn, bám sát thị trường hơn.

    Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Vinasa, Trưởng ban cố vấn Làng công nghệ Tài chính tại Techfest 2021 cho rằng, đổi mới sáng tạo mang dấu ấn "Made in Việt Nam" càng khó khăn hơn vì cơ sở hạ tầng, về vốn và cả con người. Với mong muốn làm điều gì đó mang dấu ấn Việt Nam, chúng tôi chọn chiến lược làm sản phẩm cho học sinh Việt Nam, người dân Việt Nam và do chính người Việt Nam, từ thiết kế cho đến chế tạo. "Chúng tôi dựa trên hai nền tảng là con người, tập trung nguồn lực kết nối chuyên gia hàng đầu thế giới là người Việt Nam để có thể làm chủ công nghệ, thiết kế mao mạch do người Việt Nam sản xuất, đăng kí bản quyền tại Mỹ", ông Thắng nói.

    Kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Trần Văn Tùng hy vọng tới đây, cơ chế chính sách tạo ra sự vượt trội. Dự kiến tháng 6/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ trình Chính phủ đề án mang tính sandbox để thử nghiệm để áp dụng tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM và Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

    Ông cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo Quỹ phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp thay đổi cơ chế quản lý tài chính, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sử dụng quỹ này để phát triển khoa học công nghệ. "Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng lắng nghe các góp ý của doanh nghiệp, bộ ngành để có những đề xuất sửa đổi chính sách, xây dựng kế hoạch đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mở trong tương lai", ông Tùng nói.

  • 15h19

    Thu hút các nguồn lực hỗ trợ đổi mới sáng tạo

    Ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết trong tổng số 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 10%, tương đương 500.000-600.000 chuyên gia tri thức có trình độ trên đại học trở lên. Đây là một nguồn lực lớn giúp đóng góp sự phát triển của đất nước.

    "Chúng tôi đã tổ chức kết nối tạo thành mạng lưới các Hội trí thức kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Mạng lưới được điều hành bởi 21 chủ tịch là Việt kiều, đến từ 15 quốc gia trên thế giới", ông Nam nói. Sự ra đời của mạng lưới nhằm thu hút tất cả tri thức người Việt Nam ở nước ngoài, trở thành sức mạnh có thể đóng góp sự phát triển của đất nước. Hiện nhiều chuyên gia kiều bào người nước ngoài làm cố vấn (mentor) để hỗ trợ các startup trong nước.

    Còn ông Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần kết hợp khơi thông nguồn lực trong nước.

    Theo ông Sơn, cách tiếp cận đổi mới sáng tạo mở chia thành hai nhóm. Nhóm từ bên ngoài vào, doanh nghiệp tìm giải pháp, ý tưởng từ bên ngoài để giải quyết vấn dề của doanh nghiệp. Nhóm từ bên trong ra, có nghĩa các doanh nghiệp chia sẻ ý tưởng giải pháp nguồn lực của mình cho cộng đồng.

    Ông dẫn ví dụ Google đã chia sẻ dữ liệu của mình, gần đây doanh nghiệp đầu tư vườn ươm trong trường đại học phục vụ cho doanh nghiệp và cộng đồng. Cách đây không lâu, ông Elon Musk của Testla tuyên bố các sáng chế của Tesla phải mở cho cộng đồng dùng. Trường đại học, đổi mới sáng tạo mở dựa trên khoa học mở là điều rất tự nhiên. Cần phải tiếp cận mở, dữ liệu mở và mở cho xã hội, các thông tin kết quả khoa học phải mở cho cộng động, mọi người đều có thể khai thác, từ nhà khoa học đến doanh nghiệp, công dân.

    Ông Sơn có hai kiến nghị: làm sao để các trường đại học viện nghiên cứu có chính sách có thể thành lập doanh nghiệp Spin Off, các nhà khoa học có thể sử dụng tài sản này để nghiên cứu. Từ phía doanh nghiệp, làm sao sử dụng được quỹ phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp để kết nối với các nhà khoa học. "Nếu khơi thông được nguồn lực này thì sẽ đẩy mạnh được hệ sinht hái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam", ông Sơn nói.

  • 15h05

    Thứ trưởng Trần Văn Tùng: 'Chọn cách tiếp cận mới cho hệ sinh thái khởi nghiệp'

    Trong phiên thảo luận diễn đàn, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng chia sẻ về chính sách tạo động lực thúc đẩy ĐMST. Ông cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ giao là đầu mối phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Bộ đã trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung một số nội dung của đề án 844 cho phù hợp với thực tế. Ông cho rằng, nếu không có chính sách mới sẽ không giải quyết được bài toán kinh tế xã hội.

    "Hiện nay chúng tôi đang hướng dẫn các đơn vị để có các thông tư hướng dẫn cụ thể đảm bảo hệ sinh thái hoạt động hiệu quả", ông Tùng nói. Trước đây, hệ sinh thái khởi nghiệp chỉ làm việc kết nối trong hệ sinh thái, giữa người làm khởi nghiệp với nhà đầu tư. Đến 2021, chúng tôi chọn cách tiếp cận kết nối với doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty để họ đặt đầu bài cho hệ sinh thái khởi nghiệp", Thứ trưởng nói.

    Theo Thứ trưởng, người làm khởi nghiệp có ý tưởng để giải quyết bài toán cho doanh nghiệp, nhưng năng lực không đủ, nên cần đến các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước. "Chúng tôi đã kết nối với trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, giúp giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Đồng thời doanh nghiệp đi cùng với các startup hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp", thứ trưởng nói.

  • 15h00

    Ông Nadav Eshcar: 'Israel giành 4,9% GDP cho nghiên cứu và phát triển'

    Chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia, ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam, cho biết một yếu tố chiến lược của Israel là huy động nguồn vốn nhà nước phục vụ cho hoạt động nghiên cứu phát triển. "Chúng tôi giành tới 4,9% GDP cho nghiên cứu và phát triển và có cơ quan về đổi mới sáng tạo. Đây tương đương như một Bộ để điều phối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo", ông nói và cho biết cơ quan này đưa ra các hình thức hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp startup.

    Đại sứ nêu ví dụ, có ngân hàng Israel để mở vườn ươm nội bộ doanh nghiệp nhằm cung cấp dữ liệu cho doanh nghiệp, cũng như giải pháp công nghệ tài chính phục vụ chính doanh nghiệp đó. "Chúng tôi còn tạo doanh nghiệp độc lập có thể đóng góp cho sự phát triển ngân hàng trong nước và quốc tế". Ông cho biết tận dụng xu hướng đổi mới sáng tạo cho hiện nay và tương lai, cần khuyến khích đi theo đúng hướng gợi ý như công nghệ lượng tử, công nghệ AI, công nghệ tương lai để thúc đẩy hỗ trợ cộng đồng vùng sâu vùng xa tiếp cận.

  • 14h57

    Diễn đàn đối thoại cấp cao 'Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mở'

    Sau phần khai mạc, diễn đàn với sự tham gia thảo luận của đại diện một số bộ, ban ngành địa phương, đại diện cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo trong nước, quốc tế. Diễn đàn được điều hành bởi ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty VietLotus cùng sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, ông Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam...

    Các diễn giả trong diễn đàn cùng thảo luận gợi mở tư duy, gợi mở những sáng kiến mới, hợp tác, liên kết trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, thúc đẩy hình thành các startup với hàm lượng công nghệ cao từ khối viện, trường hướng tới giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp lớn, vấn đề mang tính toàn cầu.

    Trả lời câu hỏi về vai trò của đổi mới sáng tạo, ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, đánh giá từ góc độ doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo có vai trò quyết định đối với doanh nghiệp để duy trì và nâng cao tính cạnh tranh trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

    Ông Thảo cho rằng, đổi mới sáng tạo mở giúp cho các doanh nghiệp tăng năng suất chất lượng và hiệu quả, giảm hiểu rủi ro Tuy nhiên đổi mới sáng tạo mở còn mới nên cần tuyên truyền về lợi ích của nó, cùng kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lấy thị trường làm trung tâm để kết nối giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu sáng chế, giải quyết bài toán cho doanh nghiệp, tạo của cải vật chất.

  • 14h35

    Ông Dương Anh Đức: 'Đổi mới sáng tạo giúp TP HCM vượt qua thách thức'

    Phát biểu tại đầu cầu TP HCM, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết trong hai năm xuất hiện Covid-19 nền kinh tế thành phố ảnh hưởng nặng nề. Dự báo lần đầu tiên năm 2021 nền kinh tế tăng trưởng âm. Đến nay TP HCM cơ bản kiểm soát tình hình dịch bệnh, đã tiêm khoảng 15 triệu mũi vaccine, trên khoảng 90% người dân từ 12 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi. "Thành phố xác định thực hiện ba trụ cột, gồm kiểm soát dịch, phục hồi kinh tế và an sinh xã hội", ông Đức nói và cho biết dù Covid-19 gây nhiều tác động toàn cầu, tuy nhiên nhìn ở góc độ khác cũng giúp nhanh chóng thay đổi công nghệ cách mạng lần thứ 4.

    Ông cho biết, với vị thế thành phố lớn tại Việt Nam, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo TP HCM ngày càng thu hút nhiều nguồn lực xã hội, với số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp là 2.000, trong đó lĩnh vực công nghệ chiếm 65%. Năm 2021 được đánh giá năm phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, với hệ sinh thái thu hút 1,1 tỷ USD chiếm 60% lượng vốn và thương vụ cả nước.

    Ông Đức cho biết, Whise 2021 là sự kiện thường niên của đổi mới sáng tạo, có hơn 20 sự kiện được tổ chức, tập trung 4 nhóm: tổng kết cuộc thi, chuỗi hoạt động tuổi trẻ sáng tạo, hỗ trợ kết nối và tổng kết. Chương trình nhằm tìm kiếm kết nối giải pháp ứng phó Covid-19 và triển lãm sản phẩm đổi mới sáng tạo. "Chúng tôi kỳ vọng dấu ấn không chỉ mang lại thông điệp vai trò, giữ lửa đổi mới sáng tạo mà phát huy vai trò định hướng, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, giúp vượt qua các thách thức và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam", Phó chủ tịch TP HCM nói.

  • 14h25

    Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho biết,Techfest quốc gia được tổ chức vào cuối năm là dịp để tổng kết, đánh giá, báo cáo lãnh đạo Chính phủ về các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước diễn ra trong năm và để được lắng nghe chỉ đạo về định hướng phát triển trong các năm tiếp theo.

    Ông cho rằng, việc thay đổi để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 đã trở thành điều kiện tất yếu của cuộc sống trong trạng thái bình thường mới. Trong bối cảnh đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cung cấp những giải pháp mới, công cụ hiệu quả cho việc phòng và chống đại dịch, đồng thời, cũng được ứng dụng mạnh mẽ vào cuộc sống để kiến tạo và phát triển môi trường "bình thường mới".

    "Trong bối cảnh bình thường mới, các sáng kiến, giải pháp, dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo càng phải thể hiện được vai trò tiên phong trong giải quyết những vấn đề của KT-XH trên nền tảng phát huy tính tự chủ, sáng tạo, đổi mới của Việt Nam, mà đại diện thế hệ trẻ", Bộ trưởng nói và cho rằng khởi nghiệp sáng tạo qua đó, cũng đã tạo được nhiều dấu ấn đáng tự hào.

    Theo Bộ trưởng, năm 2021, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại tăng cao chưa từng thấy trước đó. Hơn 1,3 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (cao nhất từ trước tới nay). Trong hệ sinh thái, sự tham gia của các chủ thể ngày càng tích cực và đã có sự tăng trưởng tốt về số lượng, cụ thể, hiện có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 202 khu làm việc chung; 217 quỹ đầu tư/nhà đầu tư; 79 cơ sở ươm tạo; 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh;...

    Ông cho biết, hiện Việt Nam đang từng bước hình thành các mạng lưới liên kết, thúc đẩy dòng chảy của tri thức, của công nghệ trong và ngoài nước. Một Mạng lưới hỗ trợ và phát triển Hệ sinh thái KNST Việt Nam và Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ ĐMST và thương mại hóa công nghệ đã được thiết lập. "Đây là những tiền đề quan trọng để mở rộng Hệ sinh thái KNST quốc gia, để kết nối ngày càng hữu cơ hơn, hiệu quả hơn với các hệ sinh thái KNST khác trong khu vực và thế giới", ông nói.

  • 14h00

    Chiều 14/12, chương trình "Dấu ấn Techfest và Whise 2021" trong khuôn khổ Chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia Techfest Việt Nam 2021 lần thứ 7 được tổ chức tại Hà Nội kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại Đà Nẵng, TP HCM, các địa phương và quốc tế. Chương trình được tiếp sóng trực tiếp trên Fanpage Techfest Vienam và website VnExpress.net. Đây là sự kiện tâm điểm nằm trong chuỗi hoạt động được tổ chức từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2021 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng UBND TPHCM, Bộ Ngoại giao cùng nhiều đơn vị.

    Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, nhà khoa học.

    Techfest 2021 kỳ vọng sẽ thắt chặt sợi dây liên kết không biên giới giữa con người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam và khát vọng Việt Nam. Đây là nỗ lực hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao trong công tác thu hút nguồn lực doanh nhân trí thức kiều bào đóng góp phát triển quê hương đất nước theo tinh thần Kết luận số 12/KL-TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Covid   Covid-19   Công nghệ   HCM   Hiệp hội   Hà Nội   Khởi nghiệp   Nông nghiệp   TPHCM   Tài chính   chiến lược   chuyên gia   chính sách   diễn đàn   doanh nghiệp   hợp tác   kiến nghị   sáng tạo   sản xuất   Đà Nẵng   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...