11/11/2021 9:25  
Lần đầu tiên Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội, giải đáp về chất lượng dạy và học, việc giảng dạy online, sáng 11/11.
Mới nhất Cũ nhất
  • 9h10

    Cần kiểm tra tình trạng dạy thêm trực tuyến

    Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) nêu, việc dạy thêm học thêm là việc ngành nghiêm cấm, nhưng vừa qua có cả hiện tượng học thêm, dạy thêm online. Bộ trưởng nói thế nào về việc này?

    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, bình thường, việc dạy thêm học thêm đã cần phải ngăn chặn, khi học trực tuyến, học sinh căng thẳng hơn nên việc dạy thêm giờ cần lên án.

    Theo ông Sơn, Thông tư số 09 ngày 30/3 do Bộ ban hành quy định dạy và học trực tuyến đã quy định số giờ được dạy cho các cấp, các lớp. Vì vậy, ông đề nghị các Sở Giáo dục Đào tạo, các địa phương kiểm tra, thanh tra việc học trực tuyến xem có dạy quá giờ không. "Chúng tôi cũng sẽ tăng cường thanh kiểm tra để ngăn chặn việc này", Bộ trưởng Giáo dục nói.

  • 9h00

    Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn là thành viên Chính phủ thứ ba trả lời chất vấn, sau Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

    Nhóm vấn đề dành cho ông là việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19; công tác dạy và học trực tuyến; việc giảm tải chương trình học cho học sinh; thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng xa; công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học; phương án tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh.

    Cùng tham gia giải trình có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông.

    Theo báo cáo của Bộ Giáo dục Đào tạo gửi đến Quốc hội, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương phải cho học sinh tạm dừng đến trường để đảm bảo công tác phòng, chống dịch thì việc triển khai dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình là giải pháp cần thiết của các nhà trường nhằm giúp học sinh không "quên" kiến thức. Việc này cũng duy trì nền nếp học tập, thực hiện phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học", đảm bảo hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền.

    Thời gian đầu, do việc triển khai hình thức dạy học trực tuyến diễn ra trên diện rộng; cán bộ quản lý, giáo viên chưa được tập huấn; học sinh chưa được chuẩn bị tâm thế; điều kiện hạ tầng kỹ thuật còn tự phát, chưa đồng bộ... nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của việc dạy và học. Ngày 30/3, Bộ đã ban hành Thông tư quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, tạo hành lang pháp lý với mục đích hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình giáo dục.

    Tính đến ngày 30/10, cả nước có 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức dạy học trực tiếp; 15 tỉnh, thành kết hợp cả dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; còn lại 25 tỉnh, thành chỉ tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

    Để hỗ trợ học sinh học trực tuyến và học qua truyền hình, Bộ Giáo dục Đào tạo phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình Sóng và máy tính cho em nhằm vận động các doanh nghiệp tài trợ, quyên góp phương tiện học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đến 25/10, ngành đã huy động được 142,43 tỷ đồng, gần 28.500 máy tính bảng, trên 28.500 điện thoại thông minh và trên 79.400 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác. Bộ vẫn đang tiếp tục huy động thiết bị học trực tuyến để hỗ trợ cho các địa phương.

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Covid   Covid-19   Giáo dục   Tài chính   Xã hội   căng thẳng   doanh nghiệp   hành vi   hạ tầng kỹ thuật   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...