21/12/2021 12:25  
Để đối phó biến chủng Omicron lây lan nhanh, Israel, Mỹ cùng nhiều nước châu Âu và một số quốc gia châu Á đang thúc đẩy tiêm mũi tăng cường.

Từ khi biến chủng Omicron xuất hiện, hàng loạt quốc gia trên thế giới đang chứng kiến xu hướng ca nhiễm tăng nhanh chóng, kể cả những nước đã có tỷ lệ dân số tiêm chủng cao. Trước thực tế đó, chính phủ nhiều nước đang bắt đầu xem xét lại định nghĩa "tiêm đầy đủ vaccine", nhằm thúc đẩy mũi tiêm tăng cường để ứng phó biến chủng lây lan nhanh.

"Theo thời gian, khả năng bảo vệ của hai liều vaccine bắt đầu suy yếu, trong khi mũi thứ ba giúp tăng cường khả năng bảo vệ trở lại, với hiệu quả chống ca nhiễm có triệu chứng lên tới hơn 90%", Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trong cuộc họp báo hôm 15/11. Theo ông, tiêm chủng đầy đủ giờ đây không phải là hai mũi vaccine Covid-19, mà là ba mũi.

Israel là nước tiên phong triển khai chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường từ cuối tháng 7, với đối tượng đầu tiên là nhóm trên 60 tuổi đã tiêm liều thứ hai được 5 tháng. Quyết định được đưa ra sau khi một nghiên cứu của hãng dịch vụ y tế Leumit cho thấy những người trên 60 tuổi sau 5 tháng tiêm hai liều vaccine có nguy cơ nhiễm nCoV cao gấp ba lần so với những người được tiêm muộn hơn.

Đến ngày 29/8, Israel bắt đầu tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả những người từ 12 tuổi trở lên. Giờ đây, những người tiêm liều thứ hai sau 6 tháng phải tiêm mũi tăng cường mới đủ điều kiện duy trì "thẻ xanh vaccine", giúp họ có thể đến nhà hàng, phòng gym và các địa điểm công cộng khác.

Bất chấp những nghi ngờ ban đầu về mức độ cần thiết của mũi tăng cường, sau hơn ba tháng triển khai, giới chức y tế Israel cho biết dữ liệu thu được chứng minh chương trình tiêm chủng tăng cường giúp kiềm chế làn sóng đại dịch thứ tư hồi tháng 8 và tháng 9. Vào lúc đỉnh điểm của làn sóng này, Israel ghi nhận hơn 8.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, nhưng đến cuối tháng 11 chỉ còn khoảng 500 ca.

Giới chức Israel cho biết hiệu quả của mũi tăng cường được thể hiện rõ rệt ở số ca nhập viện. Hồi tháng 10, tỷ lệ ca nhiễm nghiêm trọng trên 60 tuổi đã tiêm hai liều vaccine cao gấp 5 lần so với những người đã tiêm ba mũi.

Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy mũi vaccine tăng cường là "vũ khí" chống dịch hữu hiệu, trong bối cảnh biến chủng Omicron gây lo ngại về nguy cơ lấn lướt Delta để trở thành chủng trội toàn cầu.

Theo kết quả phân tích công bố hôm 18/12 của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Hoàng gia London, một trong những đại học danh giá và lâu đời nhất nước Anh, mũi tăng cường có khả năng đạt hiệu quả 80-85,9% trong ngăn bệnh trở nặng ở những người nhiễm Omicron, biến chủng bắt nguồn từ châu Phi đang khiến nhiều nước phải thay đổi chiến lược chống dịch.

Tỷ lệ này thấp hơn một chút so với khả năng ngăn ca trở nặng của mũi vaccine tăng cường với những biến chủng trước đó, nhưng vẫn sẽ giúp nhiều người không phải nhập viện. Mô hình của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy hiệu quả ngăn trở nặng của mũi tăng cường với biến chủng Delta là khoảng 97%.

Bài học từ Israel, cùng tình trạng số ca nhiễm nCoV đang tăng vọt tại châu Âu và Mỹ đã thúc đẩy chính phủ các nước gấp rút triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường. Thủ tướng Johnson cho biết một nửa dân số trưởng thành tại Anh đã tiêm mũi thứ ba sau khi chương trình được đẩy nhanh vì sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Tính đến ngày 19/12, Anh đã ghi nhận hơn 37.000 ca nhiễm Omicron, trong đó 104 trường hợp nhập viện và 12 người chết.

Anh hiện tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ người trưởng thành, cách liều thứ hai ba tháng. Trước đó, nước này chỉ triển khai chương trình tiêm tăng cường cho những người trên 40 tuổi, hoặc trên 16 tuổi nếu có bệnh nền, với khoảng cách giữa mũi ba và mũi hai tối thiểu là 6 tháng.

Anh rút ngắn thời gian tiêm mũi tăng cường sau khi có đánh giá của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA). "Theo khuyến nghị hiện nay, các liều vaccine tăng cường tốt nhất nên tiêm 6 tháng sau mũi thứ hai. Tuy nhiên, dữ liệu tới nay cho thấy mũi thứ ba đạt hiệu quả và an toàn khi được tiêm ngay từ ba tháng sau liệu trình hai mũi", Marco Cavaleri, trưởng bộ phận chiến lược vaccine của EMA, cho biết hôm 9/12.

Ngày 24/11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cũng khuyến nghị tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ dân số trưởng thành, ưu tiêu những người trên 40 tuổi, thay vì chỉ những người cao tuổi sức khỏe kém và những người bị suy giảm miễn dịch như khuyến nghị trước đó.

Tương tự Anh, nhiều nước châu Âu đang triển khai tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ người trưởng thành như Đức, Pháp, Áo, Hy Lạp. Mỹ cũng không nằm ngoài cuộc chạy đua này, với quyết định phê duyệt tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ dân số trưởng thành vào ngày 19/11.

Hôm 30/11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) kêu gọi tất cả người trên 18 tuổi tiêm mũi tăng cường nhằm ứng phó với biến chủng Omicron. Tuy nhiên, số liệu của CDC gần đây cho thấy chỉ khoảng 30% người trưởng thành tiêm chủng đầy đủ đi tiêm mũi tăng cường, ngay cả khi nhiều bang Mỹ ghi nhận số ca nhiễm nCoV tăng vọt, đặc biệt là New York.

Khác với các nước trên, nhiều quốc gia hiện không tiêm mũi tăng cường diện rộng, mà chỉ tiêm liều bổ sung cho những người có hệ miễn dịch kém, người cao tuổi hoặc dễ bị tổn thương, tương tự khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Một số nước châu Âu đang áp dụng chính sách này, trong đó có Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha. Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Tiêm chủng của Canada cũng đang khuyến nghị tiêm mũi bổ sung cho những người bị suy giảm miễn dịch ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng.

Tại châu Á, Nhật Bản mới bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế từ hồi đầu tháng, dự kiến tiêm cho người cao tuổi từ tháng 1/2022, với khoảng cách giữa hai liều là 6 tháng.

Indonesia ban đầu lên kế hoạch tiêm mũi tăng cường sau khi đạt mục tiêu ít nhất 70% dân số đủ điều kiện được tiêm ít nhất một mũi vaccine và 50% tiêm đủ hai liều. Tuy nhiên, chính phủ nước này dự kiến đẩy sớm chương trình tiêm tăng cường, bắt đầu từ tháng 1 năm sau, sau khi các nghiên cứu cho thấy hai liều vaccine giảm hiệu quả trước biến chủng Omicron.

Indonesia mới triển khai mũi tăng cường cho nhân viên y tế, nhưng chương trình này sẽ được tiến hành đại trà từ đầu năm sau, ưu tiên cho người suy giảm miễn dịch và người cao tuổi.

Một số nước Đông Nam Á khác tỏ ra khẩn trương hơn so với Indonesia. Tại Malaysia, chương trình tiêm chủng tăng cường được áp dụng với những người trên 18 tuổi đã tiêm đủ hai mũi, thậm chí bắt buộc với những người trên 60 tuổi, từng tiêm vaccine Sinovac và thuộc các nhóm nguy cơ cao. Singapore và Campuchia cũng đang tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ dân số trưởng thành.

Trong khi đó tại Trung Quốc, nhiều tỉnh và thành phố bắt đầu tiêm mũi tăng cường từ hồi tháng 10, khi ngày càng nhiều dữ liệu cho thấy khả năng miễn dịch nhờ vaccine bất hoạt được sử dụng tại nước này đang suy giảm. Tại thời điểm đó, một nhóm chuyên gia từ WHO khuyến nghị những người trên 60 tuổi được tiêm vaccine Sinovac và Sinopharm nên tiêm mũi thứ ba.

Tuy nhiên, quy định tiêm mũi tăng cường tại Trung Quốc khác nhau giữa các tỉnh và thành phố. Một số chính quyền địa phương, trong đó có tỉnh Giang Tô và thành phố Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh, cho phép tất cả những người tiêm liều thứ hai trước đó 6 tháng đến tiêm mũi ba.

Ở những nơi khác, như tỉnh Hà Bắc và Tứ Xuyên, người cao tuổi và các nhóm nguy cơ cao được ưu tiên, nhưng chính quyền cho biết những người có nhu cầu đều được tiêm. Tại thủ đô Bắc Kinh, ngoài các nhóm nguy cơ cao, mũi tăng cường còn dành cho những người làm việc trong ngành bán lẻ, sản xuất, giáo dục, các cơ sở công cộng, hay nhân viên phục vụ Olympic Mùa đông vào tháng 2/2022.

Về chủng loại vaccine được sử dụng cho mũi tiêm tăng cường, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt tiêm mũi thứ ba vaccine Pfizer và Moderna cho toàn bộ người trưởng thành vào ngày 19/11. Đến ngày 9/12, FDA tiếp tục "bật đèn xanh" sử dụng vaccine tăng cường của Pfizer cho nhóm 16-17 tuổi.

Hãng dược phẩm Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech của Đức cho biết mũi vaccine tăng cường của họ vẫn phát huy hiệu quả trước biến chủng Omicron. Trong khi đó, hãng Moderna tuyên bố họ có thể cho ra mắt loại vaccine tăng cường nhắm trực tiếp đến Omicron, sẵn sàng nộp đơn xin cấp phép lên FDA ngay tháng 3/2022.

Hầu hết các quốc gia đang triển khai chương trình tiêm chủng tăng cường đều sử dụng hai loại vaccine phát triển bằng công nghệ mRNA này. Ngoài ra, một số nước sử dụng loại vaccine khác, như Campuchia và Thái Lan dùng vaccine AstraZeneca, Bahrain dùng Sputnik V, Trung Quốc dùng ba loại vaccine nội địa là Sinovac, Sinopharm và Cansino.

Theo nghiên cứu gần đây về tính an toàn và phản ứng miễn dịch của mũi vaccine tăng cường, được công bố trên tạp chí Lancet hôm 2/12, hầu hết vaccine Covid-19 đều an toàn để sử dụng làm liều tăng cường và cung cấp thêm khả năng miễn dịch trước virus, trong đó vaccine Pfizer và Moderna sinh kháng thể nhiều hơn. Các vaccine khác trong thử nghiệm, gồm Johnson & Johnson, AstraZeneca, Novavax, Valneva và CureVac, được cho là mất nhiều thời gian hơn để hình thành khả năng miễn dịch tốt hơn.

Ánh Ngọc (Theo Reuters, CNN, SCMP)

Nguồn tin: vnexpress.net


Bài học   Covid   Covid-19   Nhật Bản   Reuters   Trung Quốc   chiến lược   chuyên gia   chính sách   dịch vụ   dịch vụ y tế   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...