10/11/2021 6:15  
n sâu trong các doanh nhân luôn là một khát vọng cháy bỏng. Khát vọng nhỏ là gầy dựng và phát triển công ty, tạo công ăn việc làm, khát vọng lớn là được đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Vậy làm sao để khát vọng đó hoàn thành? Việc theo đuổi khát vọng có khó không? Thời đại số ảnh hưởng thế nào đến khát vọng của con người?

Tất cả câu hỏi này đã được giải đáp trong talkshow online đặc biệt, với chủ đề "Khát vọng" do Tạp chí Saigon Times phối hợp với Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM (YBA) tổ chức đầu tháng 11 qua. 

Tự tin đối mặt với chông gai để hoàn thành khát vọng

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xây dựng Hoà Bình chia sẻ: "Điều đầu tiên là bản thân chủ doanh nghiệp (DN), các CEO phải có hoài bão". Lấy ví dụ, bản thân ông Hải từ khi còn đi học đã mang hoài bão làm thế nào để đất nước vượt qua những đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra? Làm sao để đất nước vượt qua nghèo nàn, lạc hậu? Có vợ, có con, ông lại mang trong mình hoài bão thoát nghèo, để vợ con không phải chịu những khó khăn cực nhọc trong cuộc sống. Ông Hải đúc kết lại, bản thân mỗi người phải có hoài bão, để từ đó tạo động lực tìm ra những giải pháp thực hiện những mong ước khác.

Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương - Sáng lập viên và CEO hệ thống trường ngoại khóa Tomato Children's Home cho rằng, hành trình tìm thấy khát vọng đi liền với hành trình khai phá bản thân. Nói đơn giản hơn là trong quá trình sống, mỗi người tự đặt cho mình các câu hỏi như "Mình giỏi lĩnh vực nào nhất?", "Điều gì mình hứng thú nhất khi làm?", "Điều gì mình làm có thể giúp ích cho nhiều người nhất?". Khi bạn tự trả lời được nghĩa là bạn đã tìm thấy khát vọng của bản thân. 

Vậy theo đuổi khát vọng có khó không? Và, làm thế nào để hoàn thành khát vọng? 

Ông Lê Viết Hải cho biết, nếu khát vọng lớn, nỗ lực của bản thân cũng phải đủ lớn. Và, bản thân những người mang khát vọng cũng phải xác định đi trên con đường gập ghềnh. Bạn phải sẵn sàng đón nhận những khó khăn, thử thách trên con đường chông gai đó để hoàn thành hoài bão của mình. 

Khi đã có tâm thế như vậy, bạn sẽ có đủ dũng khí để vượt qua khó khăn trở ngại, và mỗi lần vượt qua là mỗi lần chúng ta trưởng thành hơn. Riêng ông Hải luôn nằm lòng câu "Thành công không tự mãn, thất bại chớ nản lòng", từ đó mới có thể gây dựng được sự nghiệp như hiện tại. 

Chia sẻ về trải nghiệm bản thân, ông Hải thú nhận không ít lần các công trình xây dựng của công ty xảy ra lỗi kỹ thuật nghiêm trọng, không chỉ mất người mà còn có nguy cơ vướng vòng pháp lý. Những lúc đó, ông luôn cố gắng giữ bình tĩnh, tìm phương án tốt nhất để khắc phục lỗi kỹ thuật, chia sẻ nỗi đau của gia đình mất mát người thân, giải quyết những vấn đề pháp lý… Ông bảo phải cố gắng giải quyết trọn vẹn từng vấn đề một, từ đó biến khó khăn thành động lực cho sự phát triển, biến nguy thành cơ… chỉ có như thế mới đạt được những mục tiêu mình đề ra. 

Đồng tình với ông Lê Viết Hải, diễn giả Uyên Phương thừa nhận muốn đạt được những điều phi thường bạn phải dấn thân. Bà Phương chia sẻ thêm, ngoài việc dấn thân, mỗi người cần có năng lực "thoát thân". "Thoát thân" ở đây được hiểu là đôi khi phải chọn đúng lúc để rời ra hay nói đúng hơn là từ bỏ. Ngẫm lại suốt hành trình của mình, bà Uyên Phương cho rằng năng lực "thoát thân" là cái đã cứu bản thân mình nhiều nhất trong những thời điểm khó khăn nhất.

Bà Phương ví dụ, 2 năm qua là 2 năm vô cùng khó khăn với ngành giáo dục. Trong thời gian đó, cộng dồn thời gian trường học được mở cửa hoạt động chỉ khoảng 6 tháng, còn lại phải đóng cửa do tác động của dịch bệnh. Với việc sở hữu một chuỗi các trường học, chi phí mặt bằng khiến bà Phương rất đau đầu.

Sau tháng 2/2021, Việt Nam trải qua một đợt bùng dịch nhỏ và Chính phủ đã dập rất nhanh. Từ đó, hàng hoạt hệ thống các trường học được mở cửa hoạt động trở lại, doanh thu tại thời điểm đó cũng rất tốt. Trong thời điểm doanh thu từ giáo dục đang tăng, bà Phương đưa ra quyết định đóng cửa bớt những cơ sở hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân là bà Phương sợ tình hình dịch bệnh chuyển biến bất ngờ. Ngoài ra, hệ thống trường học của bà Phương tăng tốc chuyển đối số, tinh gọn nhân sự để giảm chi phí vận hành.  

"Thời điểm đó, nhiều người cảm thấy tiếc và bảo tôi ráng lên vì chỉ một hai tháng nữa mọi thứ sẽ trở lại bình thường, nhưng tôi nghĩ rất kỹ và dùng năng lực 'thoát thân' như tôi đã nói trên để quyết định", bà Phương nói. 

Thời đại số tác động thế nào đến "khát vọng"?

Trong buổi tọa đàm, một vấn đề được nhiều DN quan tâm là thời đại số mang đến cho con người cả cơ hội và thách thức; vậy công nghệ số mang đến cơ hội nào, thách thức nào đối với khát vọng của con người? 

Nhận định về vấn đề này, ông Lê Viết Hải cho rằng khi con người bước vào thời đại số là bước vào một thế giới mở. Mọi thông tin về dự án, về kỹ thuật… đều có thể được tìm thấy nếu biết tận dụng công nghệ. Dù công nghệ chưa đạt đến mức hoàn thành toàn bộ một công trình, nhưng trong tất cả khâu từ thiết kế, hoạch định kế hoạch, thông số kỹ thuật… đều có sự giúp sức của công nghệ. Dù tiếp cận với công nghệ sau nhiều nước trong khu vực, nhưng từ năm 1995, các DN xây dựng của Việt Nam đã đầu tư vào công nghệ. Chỉ sau 20 năm là khối lượng công việc đạt bằng 70 năm trước đó. 

Một ngày không xa, máy móc sẽ thay thế con người trong nhiều hoạt động ở Việt Nam và lúc đó con người cùng một lúc có thể quản lý hàng nghìn công trình, đồng nghĩa với việc thời đại số giúp ích rất nhiều cho con người thực hiện khát vọng của mình.

Phản biện lại ông Hải, bà Phương nhận xét thời đại công nghệ số cũng mang đến không ít thách thức vì công nghệ bây giờ cho phép sự thay đổi diễn ra nhanh hơn trước rất nhiều, dẫn đến nhiều thương hiệu bị đào thải và biến mất. Chẳng hạn, tại thời điểm smartphone ra đời, thế hệ điện thoại cũ không theo kịp như Nokia lừng lẫy một thời đã dần chìm vào quên lãng. Hay sự ra đời của máy ảnh kỹ thuật số, máy ảnh tích hợp trên điện thoại khiến máy ảnh cơ chụp bằng phim chả mấy ai dùng tới nữa. 

Công nghệ mang đến sự thay đổi có sức công phá như thế làm cho vị thế mà chúng ta đang có được ở thời điểm hiện tại rất mong manh. Chúng ta không thể biết được thị trường trong 5 hay 10 năm tới có còn như hiện tại hay không. Chính điều đó đòi hỏi mỗi chúng ta cần phải chủ động thích ứng với những thay đổi có tính công phá do thời đại số tạo ra.   

Cuối chương trình, các diễn giả đều chung một nhận định là thành công chỉ dành cho người nỗ lực, kiên trì đến cùng. Không ít doanh nhân Việt đã thành công trên chặng đường hoàn thành khát vọng bằng cách giữ vững sự kiên trì, nuôi ngọn lửa nhiệt huyết từ bên trong để đi đến thành công.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


CEO   Chính phủ   Công nghệ   HCM   Khát vọng   Thành công   Tập đoàn   Việt Nam   doanh nghiệp  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...