25/04/2021 5:22  
Hàng nghìn loại nông sản xuất hiện trên sàn thương mại điện tử giúp hội chị em nội trợ không phải xách làn ra chợ hay chen chân xếp hàng trong siêu thị để mua sắm. Chỉ với 30 phút lướt mạng, thực phẩm có thể đủ cho 1 tuần nấu ăn.

Vài năm trở lại đây, thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt có nhiều thay đổi với sự xuất hiện của hàng loạt các sàn thương mại điện tử. Sự đa dạng về thể loại hàng hóa, số lượng, chất lượng, nguồn cung và những ưu đãi về giá, những ưu việt trong quá trình vận chuyển… đã mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn mới và vô cùng tiện ích.

Thương mại điện tử trở thành phương thức giao dịch quen thuộc, trong đó, thương mại điện tử đối với các sản phẩm nông nghiệp đang có sức hút mạnh mẽ. Đây là hướng đi giúp nông sản Việt nâng tầm giá trị, đồng thời là giải pháp hiệu quả cho nhiều bà nội trợ Việt hiện nay.

Thay vì phải xách làn ra chợ hay chen chân xếp hàng trong siêu thị, “hội chị em” hoàn toàn có thể ngồi một chỗ, ở bất kỳ đâu, và “thêm vào giỏ hàng” của mình tất cả các loại thực phẩm cần thiết cho một mâm cơm gia đình.

Người tiêu dùng có thể mua nông sản trực tuyến trên các trang thương mại điện tử lớn, xuất hiện dưới dạng một danh mục nhỏ hoặc các chuyên trang chuyên bán đồ nông sản.

Trên trang, các sản phẩm thường được phân loại thành các nhóm hàng như: thịt cá; rau củ quả; trứng sữa; đồ khô và thực phẩm đã chế biến… cụ thể hơn có trang phân loại thành các loại đặc sản vùng miền; tỉnh thành.

Nông sản xuất hiện dưới dạng hình ảnh thật cùng với giá thành, nguồn gốc xuất xứ; hạn sử dụng… Người tiêu dùng có thể chủ động trong hầu hết các khâu từ chọn lựa mặt hàng đến cân nhắc về giá cả mà không cần phải “mặc cả” nhiều như khi đi chợ.

Giá thành một số loại sản phẩm chính như: Thịt lợn: 90.000 – 150.000 đồng/500g; rau muống 10.000 đồng/bó 400g; súp lơ 30.000 đồng/cái; ổi gọt sẵn: 50.000 đồng/500g; Xoài, cóc gọt sẵn khoảng 30.000 đồng/500g…

Chị Phan Huyền Linh (Dịch Vọng, Cầu Giấy) chia sẻ: “Tôi bắt đầu mua thực phẩm online từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Thời gian đầu chỉ định mua trong giai đoạn dịch bệnh nhưng về sau thấy tiện lợi nên đến giờ vẫn duy trì thói quen này”.

Cũng theo chị Linh, chỉ với 30 phút lướt mạng, chị đã mua đủ thực phẩm trong 1 tuần cho cả gia đình gồm 4 thành viên. Nguyên liệu chính như thịt, cá, rau sach chị thường chọn những cửa hàng uy tín, được đánh giá cao trên trang, đã tin dùng từ trước.

Sau khi “chốt đơn” từ 45 phút đến 1 tiếng, chị Linh nhận được hàng, kiểm tra thực phẩm trước khi nhận. “Phần lớn các đơn đều được miễn phí vận chuyển, ưu điểm lớn nhất của việc đi chợ online là rất tiết kiệm thời gian” – Chị Linh chia sẻ.

Theo khảo sát của phóng viên, các mặt hàng thực phẩm trên sàn thương mại điện tử thường có nguồn gốc từ cửa hàng, hệ thống cửa hàng hoặc công ty cung cấp thực phẩm có thương hiệu. Số lượng của cá nhân chiếm khoảng 30% trên tổng số.

Chị Huỳnh Thùy Trang – Đại diện một cửa hàng hoa quả sạch nhập ngoại trên trang Grab cho biết: Quá trình đăng kí tài khoản, cửa hàng thực phẩm phải chứng minh và cung cấp cho đơn vị ít nhất hai loại giấy tờ gồm giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Chứng minh nhân dân. Chiết khẩu thường dao động khoảng 17%.

Trong thời gian cách ly xã hội do ảnh hưởng của Covid-19, đây gần như là kênh bán hàng chính và là nguồn thu chính của cửa hàng chị Trang. Ở thời điểm hiện tại, doanh thu từ bán hàng trực tuyến trên sàn thương mạng điện tự chiếm khoảng 30 – 35% trong tổng doanh thu.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Covid   Covid-19   Nông sản   doanh nghiệp   hành vi   sản xuất   thói quen   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...