13/12/2021 11:15  
Sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron khiến nhiều nước lo ngại và tái kích hoạt những chính sách chống dịch nghiêm ngặt nhất. Dù vậy, theo nhiều chuyên gia còn quá sớm để lo ngại về những tác động của biến thể này.

Đe dọa từ biến chủng mới

Trung Quốc những tuần qua đang đương đầu với đợt bùng phát Covid-19 rộng nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Số liệu công bố gần đây cho thấy, đợt dịch hiện nay có số ca nhiễm nhiều nhất và kéo dài nhất kể từ khi biến chủng Delta bắt đầu được phát hiện ở Trung Quốc vào tháng 5. Đợt bùng dịch mới nhất này bắt nguồn từ một nhóm khách du lịch nhỏ ở phía Tây Bắc, sau đó nhanh chóng lan ra 2/3 trong số 31 tỉnh, thành ở đại lục.

Chính quyền các địa phương đã mau chóng áp lệnh phong tỏa, xét nghiệm toàn bộ dân cư ở những nơi có dịch và cách ly nghiêm ngặt các trường hợp có tiếp xúc. Nhưng số ca nhiễm vẫn tăng và xuất hiện ở nhiều nơi khác, dẫn tới những biện pháp kiểm soát áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Trung Quốc vẫn đang kiên trì với chiến lược "Zero Covid" (triệt tiêu Covid) mà nhiều quốc gia đã từ bỏ, bất chấp nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế.

Đáng lưu ý là với sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron - bắt nguồn từ Nam Phi, mà đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm "đáng lo ngại" hôm 26/11/2021 vì khả năng lây lan nhanh hơn cả chủng Delta trước đây, Bắc Kinh càng có niềm tin và cơ sở để theo đuổi chính sách triệt tiêu Covid của mình. Đến nay, Omicron đã xuất hiện ở trên 30 quốc gia.

Một loạt nước châu Âu đã thông báo ca nhiễm biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao này. Các nước tại khu vực châu Á lẫn Bắc Mỹ cũng đã ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên. Trước mối lo ngại về các đợt bùng phát dịch mới, chính phủ nhiều nước trên thế giới bắt đầu đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn biến thể mới Omicron, đặc biệt là hành khách đến từ Nam Phi và các quốc gia lân cận khu vực này. 

Theo các chuyên gia, lượng đột biến lớn trên protein S của virus có thể giúp nó vượt qua hàng rào kháng thể từ vaccine hoặc nhiễm bệnh trước đó. Ngoài ra, số lượng lớn các đột biến của biến thể này (trên 50 đột biến) đặt ra câu hỏi về khả năng thoát miễn dịch, đối với cả vaccine và phương pháp điều trị như kháng thể đơn dòng. Các hãng vaccine như Moderna và Pfizer đều cho biết rằng họ đang xem xét vaccine đặc hiệu Omicron.

Triển vọng nền kinh tế toàn cầu dường như cũng trở nên ảm đạm hơn sau sự xuất hiện của Omicron. Các thị trường tài chính và tài sản đã lao dốc mạnh từ ngày 26/11/2021 tới nay, khi giới phân tích nhận định biến thể Omicron Covid-19 có thể làm tổn hại tới triển vọng tăng trưởng toàn cầu, đồng thời đẩy giá cả thị trường lên cao hơn.

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích của Moodys Analytics cho rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi nhiều nước như Myanmar, Lào, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines và Việt Nam vẫn chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine cho 65% dân số trên 12 tuổi sẽ là tâm điểm chú ý trong những tuần tới. Hiện khu vực này đã ghi nhận một số ca nhiễm biến thể Omicron tại Hồng Kông và Úc.

Có nên quá lo ngại?

Một trong những kịch bản xấu nhất là Omicron sẽ thay thế Delta và trở thành biến thể áp đảo trên thế giới. Mặt khác, Omicron có thể chỉ là một biến thể "thoáng qua" giống như Beta - biến thể đáng lo ngại được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 10/2020. Biến thể Beta gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn và khả năng né tránh hệ miễn dịch mạnh hơn, nhưng nó không lây lan rộng ở hầu hết khu vực và dự kiến sẽ biến mất theo thời gian. 

Gần đây cũng có ý kiến cho rằng sự xuất hiện biến chủng Omicron có thể là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu Covid-19 sắp kết thúc. Theo chuyên gia y tế người Nga Nikiforov, Omicron có thể khiến Covid-19 trở thành mầm bệnh nhiễm trùng đường hô hấp theo mùa thông thường. Thực tế, nhiều chuyên gia trước đó cũng ủng hộ quan điểm này.

"Biến chủng mới xuất hiện lần đầu ở Nam Phi dễ lây lan hơn. Mặt khác, có dữ liệu chỉ ra rằng nó gây ra triệu chứng ít nghiêm trọng hơn. Như vậy, nó không làm tổn hại phổi. Tôi nghĩ đây có thể là tín hiệu cho thấy cơn ác mộng sắp kết thúc, cũng là dấu hiệu chỉ ra rằng virus bắt đầu rút lui", ông nói trên đài phát thanh Govorit Moskva.

Cố vấn y tế chính của Tổng thống Mỹ Joe Biden - ông Anthony Fauci, trong cuộc trả lời phỏng vấn đài CNN ngày 5/12/2021, cũng đề cập đến "tín hiệu đáng khích lệ” về biến thể Omicron: "Cho đến nay, Omicron có vẻ như không gây ra mức độ nghiêm trọng. Nhưng chúng ta thực sự phải cẩn thận trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Các nhà khoa học cần thêm thông tin trước khi kết luận về mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron".

Ông Fauci cũng cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét việc dỡ bỏ hạn chế đi lại đối với người từ nhiều nước châu Phi vào Mỹ. 

Tính cho đến ngày 7/12/2021, WHO vẫn chưa ghi nhận ca tử vong nào do biến thể Omicron. Hai chuyên gia y tế đến từ Nam Phi - nơi lần đầu tiên phát hiện ra biến thể Omicron lưu ý rằng, các bệnh nhân nhiễm biến thể chỉ mới xuất hiện các triệu chứng nhẹ. WHO cho biết sẽ mất nhiều tuần để xác định liệu biến thể Omicron có gây ra tình trạng bệnh nặng hay không.

Ở chiều ngược lại, không ít chuyên gia y tế nhận định rằng, Omicron sẽ không phải là biến thể cuối cùng và con người có thể chứng kiến những biến thể nguy hiểm hơn trong tương lai. Christopher Brooke - nhà virus học và phó giáo sư vi sinh vật học tại Đại học Illinois Urbana-Champaign cho biết: "Có khả năng chúng ta sẽ thấy một biến thể lây truyền cao hơn Delta xuất hiện".

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   Joe Biden   Trung Quốc   Tổng thống   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia   chính sách   du lịch  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...