01/07/2021 16:05  
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM kéo dài, hàng loạt các hoạt động hỗ trợ cộng đồng diễn ra ở khắp nơi. Trong đó, người ta luôn ấn tượng với “của cho không bằng cách cho” của người Sài Gòn, lúc nào cũng hào sảng, thân thiện. Và cách nhận của người Sài Gòn nhiều khi cũng thật dễ thương như vậy.
Mấy ngày qua, đúng 16 giờ 30 phút, điểm phát cơm miễn phí tại số 270 đường Lê Văn Thọ, P.11, Q.Gò Vấp, TP.HCM tại có hàng dài người nghèo xếp hàng thẳng tắp chờ tới lượt nhận cơm. Toàn bộ 5.000 phần cơm phát trong 10 ngày đều do người Việt tại bang Texas, Mỹ tài trợ.

Thất nghiệp, đi nấu cơm từ thiện

Bất ngờ hơn, những người trực tiếp tham gia vào công tác chuẩn bị cơm tại đây đều là những người thất nghiệp vì dịch Covid-19 làm trong ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống, du lịch, sự kiện.
Anh Lâm Hoài Trung (34 tuổi, đại diện nhóm phát cơm) cho biết, qua sự kết nối của một người làm du lịch đang định cư ở Mỹ, nhóm anh nhận được hỗ trợ 151 triệu để mua 6 tấn gạo từ một nhóm người Việt tại Mỹ. Ngay lập tức, ông chủ đến nhân viên quán nhậu, MC sự kiện, DJ, hướng dẫn viên tập trung nhau lại để nấu cơm phát cho người nghèo Sài Gòn.
6 tấn gạo được tài trợ, nhóm đã chia sẻ 5 tấn đến các bếp cơm 0 đồng, còn lại 1 tấn quán dành để nấu 5.000 phần cơm phát cho bà con bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại quận Gò Vấp.
Mỗi ngày, nhóm tập trung từ 8 giờ sáng để chuẩn bị nấu 500 phần cơm, liên tục trong 10 ngày. Tính cả thời gian chia phần, đóng bịch, mọi công đoạn hoàn thành vào 16 giờ. Đến 16 giờ 30 phút, nhóm phát phiếu và 17 giờ chiều bắt đầu phát cơm.
Ngay khi biết ý định của nhóm, ủy ban phường đã chủ động liên hệ và cử người đến từ 16 giờ 30 phút mỗi ngày để sắp xếp người nhận cơm đứng giãn cách. Nhờ vậy, người đến nhận đều xếp hàng thẳng tắp, cầm phiếu, rửa tay sát khuẩn và nhận cơm trong trật tự.
Thấy hoạt động thiết thực, hỗ trợ được nhiều người gặp khó khăn vì dịch, nhiều bạn bè đã gửi thêm các loại rau, củ để góp sức với nhóm.
Ngày đầu, phải mất hơn 1 tiếng nhóm mới phát xong 300 phần cơm. Nhưng đến ngày thứ hai trở về sau, thông tin được chia sẻ ở nhiều nơi, số người đến nhận tăng lên nên 300 phần cơm do người Việt tại Mỹ tài trợ chia sẻ với người dân Sài Gòn hết sạch trong 20 phút. 200 phần cơm còn lại được nhóm chia nhau đi phát khắp các cung đường của TP cho người lao động bên đường, người vô gia cư hoặc gửi vào mái ấm, khu phong tỏa.

“Không nghèo ý thức”

Hàng dài người đến chờ nhận cơm, đa phần là người lao động lớn tuổi, làm nghề nhặt ve chai, bán vé số, xe ôm hoặc thất nghiệp vì dịch kéo dài đến hàng chục mét trên vỉa hè. Không ai giành chỗ của ai, người tới sau tự động xin phiếu nhận cơm rồi đứng vào cuối hàng.
Bảo vệ dân phố và nhóm phát cơm liên tục đi nhắc: “Cô chú đứng giãn cách ra giùm, ai cũng có phần”. Gần 17 giờ, nắng chiều cũng đã dịu, dòng người mỗi lúc một đông hơn, những người xếp hàng từ sớm tranh thủ kê chiếc dép, ngồi bệt xuống đất nghỉ mệt.
Bà Đỗ Thị Tá (78 tuổi) có dáng người thấp bé, đội chiếc nón lá rách te tua, đôi mắt mờ đục, các nếp nhăn xếp chồng lên nhau, tay bà xách mấy bọc ve chai nổi bật giữa dòng người thẳng tắp.
Ngày 30.6 là ngày thứ năm điểm phát cơm từ thiện Việt kiều Mỹ hoạt động, cũng là ngày thứ năm bà được nhận cơm tại đây. Bà cứ tấm tắc khen mãi: “Cơm ngon lắm, tôi ăn no lắm”.
Theo lời bà Tá, bà đang ở trọ cùng con gái, nhưng cuộc sống khó khăn quá nên hằng tháng bà đưa con 1 triệu phụ tiền nhà. “Ăn tự lo, đau tự chịu. Nó nói có tiền thì có tất cả, không có tiền thì mất hết tất cả, không có mẹ con. Hôm trước tôi bị nấm tai nghỉ 10 ngày ở nhà, may bà con hàng xóm thương tôi lắm, hỗ trợ qua ngày. Già rồi, hết bệnh này đến bệnh khác”, ánh mắt đượm buồn, bà bộc bạch.
Mỗi ngày, bà Tá đi nhặt ve chai khắp các hẻm hóc quanh Gò Vấp. Ngày nào nhiều lắm mới kiếm được năm chục ngàn, còn lại chỉ mười mấy, hai chục. Kiếm tiền khổ cực vậy, bà cụ không dám xài, mà để dành đóng tiền trọ.
Đứng cách bà Tá chừng 10 người, ông Nguyễn Văn Ba (58 tuổi, xe ôm truyền thống) than: “Ế cả hai tháng nay, được hỗ trợ hộp cơm mừng lắm. Mỗi ngày chỉ được 1 – 2 cuốc xe, kiếm hai, ba chục ngàn. May mà nhà ông bà già để lại, chứ ở trọ là chết đói”.
Tranh thủ bán nốt số ve chai cho chủ vựa rồi mới đến nhận cơm, bà Tạ Thị Hương (50 tuổi, quê Phú Thọ) thở phào vì “may quá, vẫn kịp”. Nhìn dòng người đứng thẳng tắp, bà tranh thủ mở chiếc nón ra phẩy phẩy cho khô mồ hôi. Bà nói: “Tôi vinh dự được bữa cơm này, ngon hay không thì chưa biết nhưng tôi cảm nhận được tình yêu thương của mọi người dành cho mình trong mùa dịch. Bởi vậy, đứng xếp hàng chờ chút cũng đâu có sao, phòng dịch cho mình và vì cộng đồng, có thể nghèo tiền bạc chứ không nghèo ý thức”.
Bà Hương và chồng đã ly thân, bà một mình chạy ve chai lo tiền nhà trọ và con cái, phụ thêm với chồng vì trước đó 2 lần ông bị gãy chân, mất sức lao động. “Ve chai ế lắm, ngày kiếm được mấy chục, một trăm là may. Vợ chồng thì bỏ nhau trên danh nghĩa vậy, chứ ngoài đường kia người ta còn cho người lạ cái bánh mì nữa huống chi mình 2 mặt con”, bà chia sẻ.
Theo kế hoạch, nhóm sẽ phát cơm vào 17 giờ chiều từ 25.6 đến 4.7.2021 theo tài trợ của người Việt tại Mỹ. Sau đó, nhóm sẽ tự bỏ kinh phí để tiếp tục duy trì các phần cơm gửi đến bà con lao động nghèo Sài Gòn.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Covid   Covid-19   HCM   MC   du lịch   dân Sài Gòn   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...