09/10/2021 15:10  
Nhiều chuyên gia nhận định, việc xây nhà ở xã hội, nhà giá rẻ để hỗ trợ công nhân là cần thiết. Tuy vậy, đây là vấn đề nan giải, không hẳn là giải pháp tối ưu để giữ chân người lao động lúc này.

Nhà ở cách công ty 50 km, ai đi nổi!

Ít ngày trước, tại hội nghị tiếp xúc trực tuyến cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, nhiều cử tri kiến nghị cần có quy hoạch làm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội cho công nhân. Việc xây nhà giá rẻ hỗ trợ người lao động để họ an tâm sinh sống, làm việc và góp phần giảm nguy cơ bùng phát dịch tại khu nhà trọ chật hẹp như hiện nay.

Nơi an cư với mức giá dễ chịu trở thành chủ đề nóng với nhiều doanh nghiệp, người lao động.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM cho rằng, việc xây nhà giá rẻ hỗ trợ người lao động là cấp bách, thiết thực, không chỉ khi dịch bùng phát mà từ nhiều năm nay. Tuy vậy, yêu cầu thực tế là xây nhà giá rẻ phải ở trong, hoặc gần khu công nghiệp, càng gần càng tốt, nếu không sẽ bất hợp lý.

Theo ông Long, hiện nay một số khu nhà ở xã hội, nhà giá rẻ nằm ở các quận xa khu trung tâm, xa các khu công nghiệp chưa thu hút được người lao động. Do vậy, thành phố, các quận, huyện cần bố trí quỹ đất ở các khu công nghiệp để xây dựng nhà ở cho công nhân, giúp họ ổn định cuộc sống.

Một vấn đề khác, ông Long chỉ ra, hiện nay rất ít doanh nghiệp "mặn mà" với vấn đề xây nhà cho công nhân vì không có lợi nhuận. Do vậy, để chính sách nhà ở khả quan hơn, các doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ nhiều hơn.

Nhìn nhận về vấn đề trên, ông Huỳnh Bảo Toàn - Giám đốc Công ty Zentado cho rằng, việc xây nhà ở giá rẻ cho công nhân, người lao động ở quá xa là một việc bất khả thi. Thay vì xây nhà giá rẻ, các doanh nghiệp cần tăng các chính sách hỗ trợ để giữ chân người lao động.

Ông Toàn phân tích, thời gian dịch bệnh bùng phát vừa qua, một số doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ tốt vẫn giữ chân được người lao động. Thiết yếu nhất là cần đảm bảo cho công nhân hưởng đủ mọi phúc lợi và tăng thu nhập, đáp ứng nhu cầu cuộc sống, thay vì xây nhà giá rẻ khi chưa đủ điều kiện.

Cùng quan điểm trên, Giám đốc một công ty có hơn 1.000 công nhân ở Quận 7, nhấn mạnh "không thể công ty ở một nơi, nhà ở một nơi được".

"Công nhân không thể chạy xe 50 km đi làm rồi chạy về, sức đâu, thời gian đâu mà làm việc và nghỉ ngơi. Mà xây nhà ở các khu trung tâm thì quỹ đất không còn nhiều. Nhà ở cho công nhân thực sự là vấn đề nan giải và cần có chiến lược lâu dài" - vị Giám đốc nói.

Làm sao để giữ chân người lao động lâu dài?

Trước thực trạng chưa thể xây dựng các khu nhà ở giá rẻ trong thời gian gần, ông Trần Thiên Long nhấn mạnh, cần có 2 phương án để hỗ trợ người lao động ổn định chỗ ở. Khi người lao động yên tâm về nơi ở, họ sẽ gắn bó hơn với thành phố và doanh nghiệp. Đặc biệt, đây cũng là yếu tố để thu hút các nhà đầu tư đến với các khu công nghiệp.

Ông Long đặt vấn đề, phải làm sao chuyển các khu lưu trú tại các khu công nghiệp thành nhà của người lao động. Cần có chế độ hỗ trợ mua trả chậm để người lao động có thể mua nhà tại các khu lưu trú thay vì đi thuê như hiện nay.

Sau nữa, theo ông, cần đầu tư hệ thống trường học cho con em công nhân ngay tại các khu lưu trú. Khi họ vừa có nhà, vừa có nơi cho con cái ăn học, họ sẽ gắn bó lâu dài với "quê hương thứ hai", với doanh nghiệp, ông Long đưa ra giải pháp.

Ông Long nhận định, đây là giải pháp khá tối ưu và dễ tiếp cận người lao động. Nếu được đáp ứng, chắc chắn người lao động sẽ vui mừng và cũng có thể kéo dài thời gian để thực hiện các kế hoạch xây nhà ở giá rẻ.

"Làm sao để các khu nhà lưu trú thành tài sản của người lao động. Như vậy sẽ không lo công nhân bỏ đi" - ông Trần Thiên Long quả quyết.

Cũng theo ông Long, cần có những giải pháp hỗ trợ vốn đối với các chủ nhà trọ đang cho công nhân thuê để họ cải thiện hệ thống phòng ở, tiện ích. Các doanh nghiệp có thể kêu gọi đầu tư và cam kết thuê lâu dài để chủ nhà trọ yên tâm, hợp tác để hỗ trợ công nhân.

Giải pháp này có thể áp dụng ngay khi TPHCM chưa có đất để làm các kế hoạch lâu dài.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho rằng, không xây nhà giá rẻ bán cho công nhân là không đúng, đó là việc làm không nghĩ đến người lao động, người làm ra của cải vật chất.

Khi đầu tư làm các khu công nghiệp, theo ông, phải quy hoạch các khu dân cư để hỗ trợ người lao động.

Còn trước mắt, ông Việt tán thành hướng hỗ trợ các chủ nhà trọ nâng cấp nhà ở để người lao động có nơi ở thoải mái hơn.

Ông Việt cho rằng, vừa qua nhiều người lao động trở về quê do phải ở trong các nhà trọ chật chội, điều kiện sinh hoạt kém, không đáp ứng nhu cầu ăn ở, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Lúc này cần xem xét việc điều chỉnh quy hoạch để công nhân có không gian sống.

"Việc xây nhà giá rẻ có thể thực hiện bằng 2 hình thức. Một là nhà nước và doanh nghiệp cùng làm, nhà nước hỗ trợ quỹ đất, doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư xây dựng. Hai là nhà nước xây nhà xong bán lại cho doanh nghiệp, sau đó, bán lại cho công nhân trả góp 20 - 25 năm", ông Việt kiến nghị.

Xuân Hinh

Nguồn tin: dantri.com.vn


HCM   Hiệp hội   Hiệp hội Doanh nghiệp   TPHCM   chiến lược   chuyên gia   chính sách   doanh nghiệp   hợp tác   kiến nghị   quy hoạch  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...