21/09/2021 11:10  
Vấn đề chấn thương ở đội tuyển Việt Nam hiện tại cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, khi danh sách "thương binh" ngày một tăng lên, với sự phức tạp và chưa có hướng xử lý dứt điểm.

Những con số giật mình

Theo thống kê, chỉ trong vòng 2 năm qua, có tới 12 trụ cột của đội tuyển Việt Nam gặp chấn thương, tái phát chấn thương. Trong số này, 6 cầu thủ Tuấn Anh, Xuân Trường, Đình Trọng, Văn Hậu, Duy Mạnh, Minh Vương bị vấn đề về dây chằng, còn lại là rách cơ, căng cơ, hay gãy chân như trường hợp của Đỗ Hùng Dũng.

Chấn thương đến từ nhiều nguyên nhân, xảy ra ở V-League, đội tuyển, trong cả các buổi tập và thi đấu. Chấn thương gặp nhiều nhất khi các cầu thủ có lịch thi đấu quá tải, phải làm nhiệm vụ ở cả CLB và đội tuyển.

Nói đến chấn thương, Tuấn Anh là cầu thủ ở nhóm "đầu bảng". Trong 6 năm thi đấu chuyên nghiệp, tiền vệ người Thái Bình gặp 14 chấn thương khác nhau, đa phần đều từ nặng đến rất nặng.

Những ca "thâm niên" chấn thương tiếp theo có Văn Hậu, Đình Trọng, Quang Hải, Xuân Trường… Trong số này, Văn Hậu mới đây sau khi được HLV Park Hang Seo triệu tập lên đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho vòng loại cuối World Cup, đã phải trở về CLB để chữa trị chấn thương.

Sau đó, bộ phận y tế của Hà Nội cho rằng Văn Hậu thời gian qua chưa được điều trị đúng cách, dẫn đến chấn thương ngày một phức tạp.

Trường hợp của Đình Trọng cũng đau đầu không kém. Kể từ mùa giải 2019, cầu thủ này chưa đá quá 5 trận ở V-League, còn khi lên đội tuyển thường chủ yếu chỉ để điều trị chấn thương.

Mới đây, đội bóng thủ đô bổ nhiệm gấp một chuyên gia y tế hàng đầu người Hàn Quốc, khi liên tục các trụ cột như Văn Hậu, Đình Trọng, Thành Chung… gặp cơn ác mộng chấn thương ở CLB và đội tuyển.

Chấn thương vẫn phải thi đấu: Lỗi tại HLV hay cầu thủ?

Trước ngày lên đường sang Saudi Arabia để chuẩn bị cho vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á, trung vệ Thành Chung bị rách bắp chân 3cm. Nhưng rất bất ngờ cầu thủ này vẫn đá chính trong trận mở màn của đội tuyển Việt Nam.

Đến trận gặp Australia, Thành Chung tiếp tục được HLV Park Hang Seo sử dụng ngay từ đầu. Sau hơn 70 phút, cầu thủ CLB Hà Nội bị đau phải rời sân. Theo kết quả kiểm tra của các bác sĩ, chấn thương rách bắp chân của Thành Chung dài tới… 12cm.

Trước đó, trung vệ Đình Trọng sau một năm dưỡng thương nhưng chưa hồi phục hoàn toàn, vẫn thi đấu ở VCK U23 châu Á 2020. Sau giải đấu này, Đình Trọng lại mất gần một năm để làm bạn với… bác sĩ.

Tương tự là Văn Hậu, cầu thủ này được khuyến cáo cần có thời gian để hồi phục, nhưng vẫn cùng đội tuyển Việt Nam sang UAE dự vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á. Hậu quả là sau 3 trận đấu, hậu vệ người Thái Bình tái phát chấn thương, đang có khả năng phải lên bàn mổ lần thứ 2 trong năm nay.

Ở trận đội tuyển Việt Nam gặp Australia, tất cả đều bất ngờ khi HLV Park Hang Seo sử dụng Bùi Tiến Dũng, dù cầu thủ này trước đó vài ngày dính chấn thương rách cơ háng.

Nhiều người đặt câu hỏi là vì sau Thành Chung, Đình Trọng, Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng… dù không có thể trạng tốt nhất vẫn ra sân thi đấu, đều ở những trận căng thẳng, nhiều va đập.

Thực tế, HLV Park Hang Seo luôn tham khảo đội ngũ y tế, trong đó tiếng nói của bác sĩ người Hàn Quốc Choi Ju Young là trọng lượng nhất. Tuy nhiên, liệu đội ngũ y tế của đội tuyển Việt Nam có những đánh giá chưa chuẩn xác?

Bên cạnh đó, HLV Park Hang Seo thường có thói quen chỉ tin dùng trụ cột, các cựu binh, kể cả mạo hiểm với chấn thương.

Nhưng có thể bản thân các cầu thủ cũng không biết rõ cơ thể mình, và họ cũng chấp nhận chơi một canh bạc bởi không phải ai cũng được HLV trưởng trao cho cơ hội thi đấu.

Nói một cách dễ hiểu, khi HLV hỏi cầu thủ có thể ra sân được không, chắc chắn tất cả đều tin là mình có thể chơi tốt, dù chấn thương mới chỉ hồi phục được 70-80%. Hậu quả sau đó là những chấn thương nghiêm trọng hơn, kéo dài hơn.

Lời cảnh báo chưa muộn

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Y học thể thao - Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, cho biết: "Thường thì chấn thương của cầu thủ vì bị quá tải trong tập luyện, thi đấu mà không có chế độ chăm sóc, hồi phục tốt.

Những bộ phận như dây chằng, cơ háng, cổ chân, bắp đùi, bắp chân… rất dễ bị tổn thương bởi những va đập hay hoạt động với cường độ lớn. Vì thế, khi đã quá tải, các cầu thủ chỉ cần một va chạm nhẹ, hoặc tiếp đất không tốt, sẽ bị chấn thương rất nặng".

Trung vệ Duy Mạnh hay Đình Trọng từng phải nghỉ thi đấu một năm vì… tự ngã, trong một tình huống tưởng như rất khó có thể chấn thương. Cả hai đã có một quá trình vận động nặng, và việc chấn thương xảy ra là không thể tránh khỏi.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền, việc các cầu thủ không được tập luyện, thi đấu nhiều, cũng có nguy cơ cao gặp chấn thương. Do vậy, dù ở CLB hay đội tuyển, cần có đội ngũ y tế hiểu rõ thể trạng, tiền sử chấn thương, để đưa ra hướng điều trị đúng cách nhất.

Một số chuyên gia cho rằng nền tảng tập luyện của các cầu thủ Việt Nam không đúng "quy trình". Cầu thủ Việt Nam khi còn trẻ thường phát triển rất mạnh về cơ bắp, dẫn đến việc cơ thể không thích nghi kịp với sự thay đổi về lượng và chất. Trường hợp của Văn Hậu cho thấy rõ nhất điều này.

Bên cạnh đó, cũng theo các chuyên gia này, với một giải V-League chẳng khác nào… giải võ, các cầu thủ triệt hạ nhau không thương tiếc, cũng là nguyên nhân chính dẫn đến chấn thương nặng.

Nhìn chung, chấn thương là vấn đề khó tránh khỏi và rất phức tạp, có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Chấn thương không tha một ai và cũng không ai muốn cơn ác mộng xảy ra với mình.

Hy vọng là "cơn bão chấn thương" ở đội tuyển Việt Nam hiện tại sẽ là lời cảnh báo với tất cả những người trong cuộc, đừng chờ đến khi chấn thương xảy ra mới bắt đầu tìm hướng giải quyết.

Phạm Huy

Nguồn tin: dantri.com.vn


HLV   Hà Nội   V-League   Việt Nam   World Cup   chuyên gia   căng thẳng   thói quen  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...