13/11/2021 1:25  
Han Sara bị chê khi remix "Cô gái mở đường" còn Quân AP, Cara được khen nhờ sử dụng chất liệu dân ca Bắc bộ.

Chương trình truyền hình thực tế The Heroes gần đây được quan tâm nhờ âm nhạc nhiều màu sắc, tạo các bản hit thời thượng. Theo luật chơi, từ vòng bốn, các huấn luyện viên đưa ra thử thách cho các đội. Họ chọn đề bài như ca dao, tục ngữ, tác phẩm văn học, điện ảnh hay anh hùng dân tộc, khiến nhiều màn trình diễn sử dụng các chất liệu xưa ra đời. Tuy nhiên, hàng loạt phản ứng nổ ra khi Han Sara remix Cô gái mở đường trong tập mới nhất, bị khán giả nhận xét "phá nát" tinh thần ca khúc của nhạc sĩ Xuân Giao.

Việc biến tấu chất liệu xưa bị chê vì người thực hiện không hiểu tác phẩm gốc, phối nhạc, trình diễn chưa phù hợp. Êkíp của Han Sara mix bài Cô gái mở đường với chất liệu EDM, tạo hiệu ứng ngược vì bản phối thiếu đặc sắc, ca sĩ hát không rõ lời, chói tai. Han Sara còn đọc rap tôn vinh các anh hùng dân tộc nhưng từ trang phục trình diễn đến nội dung biên đạo, kết nối tiết mục bị cho là lỏng lẻo, không thể hiện được tinh thần nhạc phẩm về những nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Trang phục ngắn, bó sát của cô và vũ công, cộng với các động tác vũ đạo hiện đại, bị chê phản cảm. Ngày 11/11, êkíp và ca sĩ xin lỗi, cho biết rút kinh nghiệm sâu sắc và tiếp thu nhận xét của khán giả. Họ xóa tiết mục trên các nền tảng Youtube, Tiktok.

Không phải lần đầu Han Sara bị chê khi sử dụng các chất liệu cũ để thực hiện bài thi. Trong tập 23 phát trên Youtube ngày 24/10, cô hát bài Yêu nhau ghét nhau, lấy cảm hứng từ ca dao Việt Nam. Trên Youtube, nhiều khán giả chê cô hát kém, chói tai, rap không rõ lời, ca từ vô nghĩa.

Nam quốc sơn hà - bản hit Erik, Phương Mỹ Chi - kết hợp rap và hò, biến tấu bài thơ cổ. Trong khi nhiều người khen sáng tạo, thích phần hò của Phương Mỹ Chi, một số khán giả cho rằng việc biến tấu bài thơ thành rap chưa phù hợp. Người xem cũng chê Erik rap không rõ lời, chưa thể hiện đúng tinh thần chủ đề anh hùng dân tộc.

Độc giả Ngọc Dung gửi ý kiến trên VnExpress: "Xem xong những tiết mục trên, tôi thấy ngán ngẩm. Chẳng khác nào người ta đem sơn ra quét lại một ngôi chùa cổ vậy. Làm vậy, hay đâu, đẹp đâu chưa thấy, chỉ thấy những thứ làm nên linh hồn của tác phẩm gốc bị phá hỏng. Thay vào đó là một chút lai lai nước ngoài, nghe có vẻ hiện đại, bắt tai nhưng tôi thấy kệch cỡm".

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp được khen nhờ chất nhạc hay, dàn dựng hợp lý. Trong tập 7, Quân AP đọc rap kết hợp dân ca quan họ Bắc Ninh trong tiết mục Giao duyên - Ngồi tựa mạn thuyền. Bản phối ca khúc nhiều lớp lang, bắt tai khi kết hợp âm thanh của trống, sáo, đàn dây với nhạc điện tử. Đoạn rap của Quân AP, khách mời Weeza cũng đan xen hợp lý với phần hát của hai liền chị. Trên Youtube, khán giả Linh Vũ nhận xét tiết mục là một trong những màn trình diễn xuất sắc của chương trình.

Cara cũng ghi điểm với bài Cầu duyên mang âm hưởng dân ca Bắc bộ do Hứa Kim Tuyền sáng tác. Còn Á hậu Kiều Loan đạt điểm cao khi phổ nhạc phần dịch thơ bài Nhất chi mai của Thiền sư Mãn Giác. Cô rap về nhân duyên trong đời, phù hợp tinh thần bài thơ gốc. Trên Youtube, khán giả Hoài Sang Đặng nhận xét: "Vừa truyền thống vừa hiện đại, tôn trọng nguyên tác nhưng làm mới một cách sáng tạo". Một số tiết mục như mash up Lý ngựa ô - Old Town Road của Thanh Duy, Biệt phủ của VP Bá Vương... tạo hiệu ứng tốt.

Xu hướng làm mới các chất liệu cũ trong các chương trình thực tế vốn phổ biến từ lâu, nhất là khi dòng nhạc world music ngày càng được ưa chuộng. Theo cách giải thích của nhạc sĩ Quốc Trung, world music là thể loại pha trộn chất liệu dân gian với tất cả các dòng nhạc, có thể là jazz, rock, nhạc cổ điển...

Năm 2016, Hoàng Thùy Linh tạo ra "cú nổ" khi biểu diễn bài Bánh trôi nước trên sân khấu The Remix. Phần nhạc bắt tai, vũ đạo đẹp khiến ca khúc trở thành hit lớn của cô, tạo tiền đề cho album Hoàng - sản phẩm giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Năm ngoái, trong show nhạc đình đám Rap Việt, R.Tee được khen khi rap trên nền nhạc xẩm, còn thí sinh Ricky Star "gây bão" khi kể câu chuyện dân gian Bắc kim thang.

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh - người đứng sau nhiều bản hit như Bánh trôi nước, Tứ phủ - cho rằng khi vận dụng các chất liệu cũ đã được công nhận về giá trị văn hóa, mỗi nghệ sĩ cần có ý thức học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu rõ bản chất âm thanh và nhạc cụ của dân tộc, phân biệt chúng với nhạc cụ của các nước có nền văn hóa gần gũi, chẳng hạn như Trung Quốc. Theo anh, một số làn điệu dân ca ba miền, ca trù, bolero... là mảnh đất màu mỡ để giới làm nhạc khai thác. Khán giả vẫn mở lòng đón nhận những sản phẩm sáng tạo được thực hiện chu đáo, cẩn trọng.

Hà Thu

Nguồn tin: vnexpress.net


Trung Quốc   Việt Nam   Xu hướng   khán giả   sáng tạo   âm nhạc  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...