16/12/2021 6:10  
"Có thời điểm phải nghỉ gần một tháng, không chỉ lo lắng mất việc mà thu nhập cũng giảm sút khiến tôi thật sự căng thẳng", anh Lê Văn Dũng (29 tuổi), công nhân tại Hàn Quốc nhớ lại.

Lao động trong vòng xoáy Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các địa bàn truyền thống tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…

Sang Hàn Quốc làm việc được 6 năm trong lĩnh vực cơ khí, thế nhưng anh Lê Văn Dũng (29 tuổi, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) chưa bao giờ gặp tình trạng dịch bệnh khủng khiếp như đại dịch Covid-19.

Trong thời gian dịch bệnh, anh Dũng cũng như những người Việt Nam làm việc trong cùng xưởng rất lo lắng. "Vào khoảng tháng 4/2020, dịch bắt đầu bùng phát mạnh, lây lan ngoài cộng đồng rất nhiều khiến lao động Việt Nam ai cũng hoang mang", anh Dũng chia sẻ.

Không chỉ lo lắng bản thân mắc bệnh, anh Dũng còn trăn trở về nguy cơ bị mất việc làm và phải trở về Việt Nam trước thời hạn.

"Tôi nghe một số người Việt phải trở về trước thời hạn do công ty thu hẹp hoạt động vì dịch ảnh hưởng, có người không chỉ mất việc mà dịch khiến họ mắc kẹt lại không thể về nhà nên lúc nào làm việc cũng trong tình trạng nơm nớp lo lắng", anh Dũng nói.

Có thời điểm, anh phải nghỉ làm gần một tháng. "Dịch bệnh khiến giá cả mọi thứ để tăng, anh em lao động như chúng tôi phải tiết kiệm hết mức có thể để có khoản tiền gửi về cho gia đình", anh Dũng cho biết thêm.

Với mục tiêu xuất cảnh đi làm việc để tăng thu nhập, sau khi tốt nghiệp một trường Cao đẳng ở Hà Nội, anh Mai Văn Nam (27 tuổi, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã sang Nhật Bản.

Theo anh Nam, những ngày dịch bùng phát, anh sống trong lo sợ, nhiều đêm không ngủ được. Anh phải nghỉ việc 2 tuần do dịch phức tạp. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản nên người lao động Việt cũng phần nào cảm thấy yên tâm.

"Ngoài cung cấp khẩu trang, nước rửa tay, tiêm vaccine phòng Covid-19 miễn phí, tôi còn được công ty hỗ trợ một khoản tương đương với số tiền hơn 20 triệu đồng trong giai đoạn công việc bị ảnh hưởng do dịch Covid-19", anh Nam cho biết.

Thu nhập sụt giảm

Thời điểm chưa dịch, thu nhập của anh Dũng khoảng 40-50 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí sinh hoạt, anh Dũng gửi về cho gia đình khoảng 35 triệu đồng mỗi tháng.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, không chỉ không còn tăng ca mà ngay cả giờ làm chính cũng liên tục phải nghỉ. Có những tháng, anh phải nghỉ đến 17-18 ngày nên thu nhập giảm mạnh. Từ khi dịch Covid-19 diễn ra, anh chỉ gửi về gia đình được hơn 20 triệu/tháng.

Tương tự, chị Lê Thị Hồng Thái (30 tuổi, ở huyện Hậu Lộc), thông dịch cho các kỹ sư công nghệ thuộc Tập đoàn SamSung tại Hàn Quốc, cũng bị cắt giảm giờ làm việc từ 8h xuống còn 6h một ngày. "Dịch xảy ra khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn nhưng ai cũng cố gắng vì gia đình. Có người cố gắng để trả khoản nợ ngân hàng, người thì nuôi ý định kiếm chút vốn để về quê lập nghiệp…", chị Thái chia sẻ.

Còn theo anh Nam, trước đây nếu chưa có dịch, thu nhập đạt khoảng 35 triệu đồng/tháng. Nhưng khi dịch xảy ra, công việc bị gián đoạn, thu nhập chỉ còn hơn 22 triệu đồng/tháng.

"Nhật Bản có chính sách hỗ trợ cho tất cả người dân đang sinh sống tại Nhật số tiền 100.000 yên (tương đương hơn 20 triệu đồng tiền Việt Nam). Ngoài ra, còn có các gói hỗ trợ vay tiền không lãi suất cho người dân và lao động bị giảm lương hoặc thất nghiệp. Mỗi tỉnh lại có các gói hỗ trợ riêng. 

Nơi tôi đang ở thì người lao động bị giảm lương do dịch, đến làm thủ tục vay sẽ được Nhà nước hỗ trợ một khoản nhất định, cụ thể: Nếu tôi như vay 200.000 yên thì được cho 50.000 yên (tương đương hơn 10 triệu VNĐ); vay 450.000 yên thì được cho 150.000 yên (hơn 30 triệu VNĐ)", anh Nam cho biết thêm

"Khoản hỗ trợ này đã tiếp sức cho lao động không chỉ về tinh thần và còn là vật chất để vượt qua thời điểm dịch bệnh căng thẳng và khó khăn", anh Nam chia sẻ.

Bình Minh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Cao đẳng   Chính phủ   Covid   Covid-19   Hà Nội   Nhật Bản   Trung Quốc   Tập đoàn   Việt Nam   chính sách   căng thẳng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...