19/12/2021 8:15  
Mấy hôm nay, cộng đồng xôn xao về việc GS. Trần Ngọc Thêm đề nghị bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Tôi nghĩ “khẩu hiệu” có hay không chẳng quan trọng gì, quan trọng là con người có thực hiện đúng “nội hàm” của chữ “lễ” trong cuộc sống không, nên tôi chỉ kể một chuyện tiếu lâm cho vui trên Facebook thôi. Vào đọc bài phỏng vấn giáo sư tôi mới giật mình. Ông nói: “Bởi vì khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ "lễ" với người trên là yêu cầu số một. 

Một nguồn nhân lực như vậy giỏi lắm chỉ có thể giữ cho xã hội ổn định, chứ không thể giúp xã hội phát triển. Muốn xây dựng một xã hội phát triển thì phải có những con người sáng tạo. Để sáng tạo, phải chủ động và có tư duy phản biện”. (Trích BáoTuổi Trẻ).

Thì ra giáo sư hiểu “lễ” là “phục tùng với người trên”, là “đào tạo người thừa hành”, là “không có tư duy phản biện” và vấn đề không chỉ là bỏ “khẩu hiệu” nên tôi mạo muội lạm bàn. Câu Tiên học lễ, hậu học văn năm 1974 tôi học lớp 5 Trường tiểu học Chánh Phú, ngay ngày đầu nhập học, thầy giáo Trương Hữu Tưởng viết câu này trên bảng và giảng rất ngắn: Các trò cần hiểu “lễ” là “kính trên nhường dưới”.

Trong Luận ngữ của Khổng tử - ông tổ của Nho giáo, ta cũng thấy ông cùng học trò tranh biện thoải mái chứ ông có bắt học trò “phục tùng” đâu? Không thấy ai dạy chữ “lễ” là chỉ “phục tùng với người trên”, là “đào tạo người thừa hành” như giáo sư nhận định.

Mà chữ “lễ” là cách thức giữ gìn “giềng mối của văn hóa ứng xử”, với cách hiểu ngắn gọn là “kính trên nhường dưới” trong đời sống đã hình thành “giá trị ổn định” như chính giáo sư đã viết trong giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam của mình: “Văn hóa thực hiện chức năng giáo dục không chỉ bằng những giá trị ổn định (truyền thống), mà còn bằng cả giá trị đang hình thành. Hai giá trị này tạo thành hệ thống chuẩn mực mà con người hướng tới. Nhờ nó mà văn hóa đóng vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách (trồng người)”.

Tôi thấy người Hàn Quốc và Nhật Bản “hành lễ” rất cẩn trọng, nhưng xã hội của họ vẫn phát triển rất đáng ngưỡng mộ. Cho nên, khi bỏ nghề dạy học và nghề báo làm ở công ty, tôi “nhường dưới” và “kính trên” rõ ràng đến nỗi sếp tôi hỏi: “Ông là bạn tôi sao phải giữ lễ đến như vậy?” .

Tôi trả lời: “Nếu trái đất chỉ cần không tuân thủ vòng quay của nó thì mọi thứ sẽ đổ vỡ ngay. Vũ trụ tồn tại bằng “trật tự”, xã hội loài người tồn tại bằng “lễ phép”. Mà ngay cả bạn bè cũng có chữ “lễ” của bạn anh ạ!”.

Tôi chắc là giáo sư không đọc nên những dòng này tôi dành cho các bạn Facebook và các học trò cũ của tôi.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Khổng tử   Nhật Bản   Việt Nam   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...