14/12/2021 8:40  
Quan chức ngoại giao Nga ngày 13/12 cho biết nước này có thể buộc phải triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu để đáp lại bất cứ kế hoạch tương tự nào của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin RIA, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov nói rằng Moscow sẽ phải hành động nếu NATO từ chối hợp tác với Nga trong việc ngăn chặn sự leo thang trong khu vực.

Bình luận của ông Ryabkov càng làm tăng thêm sức nóng trong mâu thuẫn Đông - Tây Âu, trong đó Nga đang đòi hỏi sự đảm bảo an ninh từ phương Tây, trong khi Mỹ và các đồng minh cảnh báo Moscow từ bỏ những gì mà họ coi là có thể "xâm lược Ukraine" - ý định mà Thứ trưởng Ngoại giao Nga đã một lần nữa phủ nhận.

Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ở châu Âu đã bị cấm theo một hiệp ước năm 1987 được thống nhất giữa nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, vào thời điểm đó là biện pháp nhằm xoa dịu căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh.

Washington đã đơn phương từ bỏ hiệp ước này vào năm 2019 sau khi phàn nàn trong nhiều năm về các vi phạm của phía Nga.

Ông Ryabkov nói rằng, có "dấu hiệu gián tiếp" cho thấy NATO đang tiến gần hơn đến việc triển khai lại INF, bao gồm cả việc khôi phục Bộ Tư lệnh Pháo binh số 56 vào tháng trước, nơi đang vận hành tên lửa Pershing có khả năng hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh.

"Thiếu tiến bộ đối với một giải pháp chính trị và ngoại giao cho vấn đề này sẽ dẫn đến phản ứng mang tính chất kỹ thuật và quân sự từ phía chúng tôi" - Thứ trưởng Ryabkov nói - "Chúng tôi kêu gọi NATO và Mỹ nói riêng tham gia lệnh cấm INF".

Phía NATO trước đó nói rằng sẽ không có tên lửa mới của Mỹ được triển khai ở châu Âu, và họ sẵn sàng ngăn chặn các tên lửa mới của Nga bằng một phản ứng "tùy mức độ" chỉ liên quan đến vũ khí thông thường.

Tuy nhiên, ông Ryabkov nói rằng Nga "hoàn toàn thiếu tin tưởng" vào NATO.

"Họ không cho phép chúng tôi làm bất cứ điều gì để tăng cường an ninh của mình, trong khi họ có thể hành động khi họ cần, có lợi cho họ, và chúng tôi chỉ đơn giản là phải chấp nhận tất cả những điều này. Chuyện này sẽ phải chấm dứt", quan chức ngoại giao Nga nói với RIA.

Diễn biến căng thẳng diễn ra ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà đồng cấp Mỹ Joe Biden đã có 2 giờ hội đàm vào tuần trước về cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó yêu cầu của Moscow là các đảm bảo an ninh ràng buộc về mặt pháp lý từ phương Tây.

Thứ trưởng Ryabkov cho biết, Nga sẽ trình bày các đề xuất tiếp theo của mình với Mỹ và có thể là cả các nước NATO khác trong những tuần tới. Phát ngôn viên Điện Kremlin thì hy vọng các ý tưởng của Nga có thể được phát đi ngay trong tuần này.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Joe Biden   Tổng thống   căng thẳng   hợp tác   khủng hoảng   Đại Tây Dương  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...