22/12/2021 2:10  
Các nhà khoa học Việt đã xây dựng thành công quy trình nuôi tôm hùm trên bờ, tôm sống khỏe, lớn nhanh, đem lại lợi nhuận cao, đầu tư giảm 20%.

Nuôi tôm hùm trên cạn không phải là công nghệ mới trên thế giới, nhưng chưa từng được ứng dụng tại Việt Nam trong những năm qua. Công nghệ này mang lại hiệu quả cao hơn so với cách nuôi truyền thống nếu được áp dụng đúng quy trình.

Theo TS. Mai Duy Minh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 cho biết, từ năm 2016, Viện bắt đầu nghiên cứu thử nghiệm công nghệ này, ban đầu là nuôi thử và hoàn thiện hệ thống. Sau đó từ tháng 6/2018 đến tháng 12/2020, công nghệ này được ứng dụng vào phát triển dự án nuôi tôm hùm trên bờ quy mô hàng hóa tại vùng bãi ngang tỉnh Phú Yên.

TS. Minh nhấn mạnh rằng để nuôi tôm hùm trên bể nuôi, nước phải luôn đạt yêu cầu để tôm sinh trưởng và phát triển. Điều này là không dễ, ngay cả với tôm nuôi trong lồng bè, bởi chất thải từ tôm và chất hữu cơ trong thức ăn làm môi trường nước bị ô nhiễm liên tục làm tôm chết.

Theo TS. Minh, toàn bộ hệ thống bể nuôi đã được nhóm nghiên cứu thiết kế lại, gồm bể lắng chất thải, bể lọc sinh học, bể chuẩn hóa chất lượng nước, hệ thống thiết bị như trống lọc, skimmer, UV, máy ổn định nhiệt độ nước... Ngoài ra, công nghệ lọc tuần hoàn tái sử dụng nước (RAS) cũng được các nhà khoa học nghiên cứu, áp dụng.

Để đem lại hiệu quả cao, bể chứa tôm được trang bị hệ thống cảnh báo môi trường để giám sát nhiệt độ, PH, độ mặn, oxy hòa tan... Theo tính toán, với bể nuôi khoảng 2.100kg tôm, cần lưu lượng nước 1.470 m3/ngày.

Ngoài ra, còn có hệ thống máy ổn định nhiệt với dàn truyền nhiệt để đảm bảo nhiệt độ nước luôn trong khoảng từ 27 đến 28 độ C kể cả khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, lên tới 36-38 độ C. Điều này giúp tôm không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, hạn chế tình trạng tôm chết.

Để đảm bảo nguồn thức ăn sạch và đúng quy chuẩn, nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình sản xuất thức ăn dạng viên cho tôm hùm. Các viên này được làm từ bột cá và bột mì, chất tạo mùi thơm cùng một số chất kết dính để thức ăn không tan quá nhanh trong nước, giúp tôm sinh trưởng, phát triển tốt.

Được biết, mô hình này có thể áp dụng ngay tại các tỉnh có nguồn nước phù hợp để nuôi tôm hùm, đặc biệt các tỉnh Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Quy mô phụ thuộc vào điều kiện tài chính, trình độ chăm sóc quản lý.

Theo đó, hệ thống nuôi 1.000 kg tôm cần khoảng 300 m2 diện tích bể nuôi, chi phí đầu tư nhà xưởng và các thiết bị, công nghệ cho hệ thống nuôi lớn hơn so với nuôi lồng bè nhưng không gặp phải các rủi ro như cách nuôi truyền thống.

Sau thời gian nuôi 13 tháng, tôm hùm xanh đạt cỡ trên 300 g/con, tỉ lệ sống 78%. Tôm hùm bông sau thời gian nuôi 17 tháng, đạt cỡ 700 g/con tỉ lệ sống đạt 76,4%, năng suất 3,5 - 4 kg/m2 tương đương nuôi lồng bè và giảm giá thành từ 15 đến 20 % so với nuôi truyền thống.

Nguyễn Nguyễn

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bình Thuận   Công nghệ   Việt Nam   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...