15/12/2021 0:25  
Nhiều hàng quán ở quận Đống Đa đóng cửa hoặc mở bán song vắng khách, trong khi cách đó không xa hoạt động kinh doanh, dịch vụ ở quận khác diễn ra bình thường.

Sáng 14/12, phố Huỳnh Thúc Kháng khác với những ngày trước khi hàng quán một bên phố thuộc quận Đống Đa chỉ mở bán mang về và khá vắng vẻ; còn phía bên kia phố thuộc quận Ba Đình tấp nập như thường lệ.

Là quận "vùng cam" duy nhất ở Hà Nội, quận Đống Đa dừng hoạt động không thiết yếu từ trưa 13/12. Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát trên địa bàn chỉ được phép bán mang về, đóng cửa trước 21h. Sau hai tháng thành phố "bình thường mới", dỡ bỏ hầu hết biện pháp giãn cách, Đống Đa là quận đầu tiên siết chặt trở lại biện pháp phòng dịch.

Trên phố Hào Nam (phường Ô Chợ Dừa), chị Hằng, chủ hàng ăn, cho biết đã cùng nhân viên dọn dẹp, cất bàn ghế từ chiều qua. "Nhà hàng chủ yếu bán cho khách ngồi ăn tại chỗ. Từ đầu năm đóng cửa dài ngày do giãn cách, mới mở lại được 2 tháng, nay lại đóng cửa nghỉ tiếp, không biết đến bao giờ", chị Hằng nói.

Phố Nam Đồng - khu vực tập trung nhiều quán cà phê, hàng ăn ở quận Đống Đa, hôm nay thưa vắng người qua lại. Nhiều hàng quán đóng cửa hoặc treo biển "bán mang về". Một chủ hàng ăn cho hay lượng khách giảm hơn một nửa so với ngày chưa có "lệnh" siết chặt biện pháp phòng dịch.

Còn tại khu vực chợ Ngã Tư Sở, các tiểu thương căng dây, treo tấm chắn tạo khoảng cách giữa người bán và mua hàng. Nhiều hộ kinh doanh trang bị nước sát khuẩn, khẩu trang phục vụ khách miễn phí.

Lãnh đạo phường Ngã Tư Sở nói cách đây 4 hôm (từ 10/12), thành phố đã thông báo quận Đống Đa thuộc cấp độ 3 (nguy cơ cao), trong đó 7 phường cấp độ 3, 13 phường cấp độ 2 và một phường cấp độ 1. Việc quận điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 để phòng, chống dịch thực hiện theo đúng Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, và cũng để kịp thời ứng phó với số ca mắc tăng nhanh tại một số phường, ngăn chặn dịch lan rộng.

Theo vị này, quận Đống Đa đã giao UBND 21 phường duy trì chế độ ứng trực thường xuyên, tăng cường hoạt động của các tổ Covid cộng đồng. "Chúng tôi vận động người dân chấp hành các biện pháp phòng dịch bằng nhiều hình thức, như hệ thống loa truyền thanh, loa kéo, bảng tin, mạng xã hội và cổng thông tin điện tử", lãnh đạo phường Ngã Tư Sở nói.

Tại phường Láng Hạ, sáng 14/12, các tổ công tác đã đi kiểm tra kết hợp vận động hộ kinh doanh ăn uống ký cam kết thực hiện nghiêm quy định phòng dịch, chỉ bán mang về và dừng hoạt động trước 21h hàng ngày.

Theo ghi nhận sáng nay, chợ cóc ở ngõ 59 Hoàng Cầu, chợ trên phố Vĩnh Hồ, trong khu Văn Chương... vẫn hoạt động. Nhiều người dân ngồi uống nước trên vỉa hè tại vườn hoa 1/6. Khu vực hồ Hoàng Cầu, Hồ Đắc Di vẫn diễn ra các hoạt động theo nhóm đông người như thể dục thể thao, câu cá...

Từ góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng Hà Nội là đô thị lớn, mật độ dân số đông, nhất là ở quận trung tâm như Đống Đa, do vậy biện pháp hành chính phải đảm bảo cân đối giữa hiệu quả chống dịch và ít gây thiệt hại nhất về kinh tế, ít ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

Theo ông Hùng, Hà Nội nên đánh giá cấp độ dịch theo từng xã/phường và đưa ra biện pháp tương ứng, thay vì áp dụng loạt biện pháp chung cho cả quận. Nếu áp dụng các biện pháp hạn chế dịch vụ theo cấp quận, khi số ca nhiễm tăng cao hơn trong những ngày tới, thêm một vài quận dừng dịch vụ không thiết yếu sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô. Chưa kể, nếu quận Đống Đa dừng dịch vụ không thiết yếu, người dân ở quận này có thể sang nơi khác để ăn uống, mua sắm... Như vậy, hiệu quả chống dịch sẽ không đạt được như mong muốn, trong khi nhiều hộ kinh doanh bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, theo ông Hùng, Hà Nội đã bao phủ vaccine mũi một cho tất cả dân số trưởng thành, phủ mũi hai cho hơn 91% dân số, biện pháp chống dịch cần chú trọng nâng cao năng lực hệ thống y tế, hạn chế ca chuyển nặng, tử vong, thay vì vẫn đếm ca và dùng biện pháp hành chính như trước.

"Thích ứng an toàn, sống chung với Covid là chấp nhận có số ca nhiễm nhất định trong cộng đồng. Hà Nội và các quận, huyện nên cân nhắc rất kỹ biện pháp như dừng các dịch vụ không thiết yếu", ông Hùng nói.

Trong 2 tuần qua, quận Đống Đa ghi nhận hơn 1.300 ca Covid-19, tỷ lệ số ca mắc cộng đồng/100.000 dân là 177. Quận này cũng chiếm 7 trên tổng số 13 phường, ở cấp độ 3 (Khâm Thiên, Trung Phụng, Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Phương Liên, Khương Thượng, Thổ Quan) ở Hà Nội. Quận hiện có nhiều điểm là "khu vực cách ly" như phố Ngô Sỹ Liên, đường Đặng Văn Ngữ, phố Đê La Thành...

Phạm Chiểu - Viết Tuân - Võ Hải

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Covid   Covid-19   Hà Nội   Lãnh đạo   chuyên gia   dịch vụ   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...