23/12/2021 22:10  
Bị cáo Trịnh Sướng cho rằng, dù có nhiều đoàn kiểm tra nhưng không phát hiện hàng hóa kinh doanh là xăng giả. Bị cáo này đề nghị xem xét lại số lượng và xin giảm nhẹ hình phạt mà VKSND đề nghị.

Ngày 23/12, TAND tỉnh Đắk Nông tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xăng giả liên quan Trịnh Sướng và 38 bị cáo khác. Tại phiên tòa, bị cáo Trịnh Sướng đã yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét lại số lượng xăng giả bị cáo buộc.

Bị cáo Sướng trình bày, trong quá trình kinh doanh xăng dầu tại Sóc Trăng và các tỉnh lân cận, có nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, các cơ quan ban ngành đã đi kiểm tra, lấy mẫu kiểm định, nhưng chưa có mẫu nào bị phát hiện là hàng giả và bị xử phạt.

Đây cũng là một trong những lý do mà bị cáo này xin giảm nhẹ hình phạt.

"Xin Hội đồng xét xử xem xét tình tiết được giảm nhẹ mà tôi đã trình bày để tuyên án tôi mức hình phạt thấp hơn mức án mà đại diện VKSND tỉnh Đắk Nông đã đề nghị", bị cáo Sướng nói.

Ngoài Trịnh Sướng, tại phiên tòa, các bị cáo khác cũng đã xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt mà VKSND đã đề nghị trong phần nói lời sau cùng.

Trước đó, tại phiên tòa xét xử ngày 21/12, đại diện VKSND tỉnh Đắk Nông đã công bố bản luận tội đối với các bị cáo. Đại diện của VKSND tỉnh Đắk Nông đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trịnh Sướng 12 - 13 năm tù; các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 3 - 8 năm tù.

Kết thúc buổi xét xử ngày 23/12, HĐXX sẽ tạm dừng làm việc. Ngày 30/12, HĐXX sẽ tuyên án bị cáo Trịnh Sướng và các đồng phạm.

Trước đó, Dân trí đã phản ánh, tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 4/2021, bị cáo Trịnh Sướng cùng luật sư bào chữa và các bị cáo khác khai thêm một số tình tiết mới. Riêng bị cáo Trịnh Sướng bất ngờ thay đổi lời khai về công thức pha chế xăng giả. TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên trả lại vụ án để điều tra bổ sung.

Theo kết luận điều tra bổ sung, Trịnh Sướng đã sử dụng nhiều công thức pha chế khác nhau để tạo thành các loại xăng A95, A92, E5 RON 92 giả, tùy thuộc vào nguồn xăng nền, dung môi, hóa chất nhằm đạt chỉ số octan và không quan tâm đến các chỉ tiêu chất lượng khác.

Mỗi lần sản xuất xăng giả, Sướng là người quyết định tỷ lệ pha trộn tương ứng xăng nền (xăng A95) và dung môi theo công thức 50-50 hoặc 60-40 để tạo ra xăng A92. Cá biệt một số lần, xăng giả được pha trộn theo tỷ lệ 30% xăng nền, 70% dung môi, hóa chất.

Số xăng giả mà Trịnh Sướng phải chịu trách nhiệm là 192 triệu lít, cao hơn gần 55 triệu lít so với cáo trạng truy tố hồi tháng 4/2021 (137 triệu lít). Số tiền hưởng lợi bất chính của Trịnh Sướng cũng tăng lên gần 50 tỷ đồng so với tháng 4/2021 (102 tỷ đồng).

Đặng Dương

Nguồn tin: dantri.com.vn


sản xuất   Đắk Nông  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...