13/11/2021 7:10  
TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) cho biết, đơn vị này đã có văn bản xin gia hạn thời gian truy thu phụ cấp đứng lớp đối với giáo viên, đồng thời làm rõ khái niệm vùng cao và miền núi.

Ngày 11/11, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Dương Khắc Mai (tỉnh Đắk Nông) đã nêu lên bất cập hiện nay khi thực hiện chi trả tiền phụ cấp cho các giáo viên đứng lớp.

Ông Mai nêu lại vấn đề mà báo chí (trong đó có Báo Dân trí) từng phản ánh trước đó về việc hàng trăm giáo viên bị truy thu hơn 5,5 tỷ đồng tiền phụ cấp ưu đãi do Sở Tài chính Đắk Nông kết luận là chi trả sai trong năm 2020.

Đại biểu Dương Khắc Mai cho biết, hiện nay, việc áp dụng chế độ phụ cấp cho giáo viên trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học có ba mức, căn cứ vào địa bàn giảng dạy theo Thông tư của Bộ GD-ĐT năm 2006. Tuy nhiên, việc xác định địa bàn miền núi lại theo quy định của Ủy ban dân tộc của Quốc hội.

Đại biểu của tỉnh Đắk Nông bày tỏ băn khoăn khi Gia Nghĩa là địa bàn vùng cao và vùng cao đã bao hàm tất cả tiêu chí về miền núi. Trước tháng 11/2020, giáo viên được hưởng mức phụ cấp đối với đơn vị miền núi. Tuy nhiên, từ tháng 11/2020, Bộ GD-ĐT lại hướng dẫn, thị xã Gia Nghĩa đã trở thành thành phố, giáo viên sẽ không được hưởng chế độ phụ cấp này.

"Cả nước có 14 thị xã, thành phố thuộc tỉnh vùng cao, giáo viên ở những địa bàn này đều được hưởng chế độ giáo viên miền núi. Vậy tại sao thành phố Gia Nghĩa cũng là vùng cao nhưng giáo viên lại không được hưởng chế độ miền núi ?" ông Dương Khắc Mai đặt câu hỏi.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, chăm lo đời sống và giải quyết chính sách cho giáo viên là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Đối với trường hợp hơn 700 giáo viên của TP Gia Nghĩa "bỗng dưng" mất một phần phụ cấp ưu đãi thì Bộ cũng đã bàn bạc, đắn đo rất nhiều.

"Theo quyết định 244 của Thủ tướng, trong số các đối tượng được hưởng phụ cấp đứng lớp lại không nhắc đến "vùng cao". Qua trao đổi với các đơn vị liên quan, chúng tôi sẽ có tham mưu để điều chỉnh quyết định 244 cũ cho phù hợp với thực tế, để làm sao giáo viên không bị thiệt thòi", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời trước Quốc hội.

Ngày 12/11, trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo của UBND TP Gia Nghĩa cho biết, đơn vị này đã có văn bản gửi Sở Tài chính để xin gia hạn thời gian truy thu tiền phụ cấp đứng lớp của giáo viên. Bên cạnh đó, địa phương này cũng mong muốn các cấp có thẩm quyền làm rõ khái niệm vùng cao và miền núi.

Vị này cho biết, ngay sau khi nhận được quyết định thu hồi tiền của Sở Tài chính, UBND thành phố đã chỉ đạo đơn vị liên quan triển khai thu hồi số tiền chi vượt chế độ phụ cấp năm 2020. Tuy nhiên, đến nay thành phố chưa thực hiện được do thời gian thực hiện trong 30 ngày là tương đối ngắn, đời sống của giáo viên còn khó khăn nên không thể thu hồi một lần; hơn nữa việc thu hồi đã ảnh hưởng đến tâm tư của giáo viên trên địa bàn.

"Bên cạnh kiến nghị gia hạn thu hồi, chúng tôi cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền xác định lại chính xác "vùng" của thành phố, từ đó tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên trên địa bàn yên tâm công tác", vị lãnh đạo này thông tin thêm.

Theo tìm hiểu, ngân sách nhà nước phân bổ cho các trường để chi phụ cấp ưu đãi theo Thông tư liên tịch số 06/VBHN-BGDĐT ngày 5/6/2019 về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập. Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, tháng 1/2020, thị xã Gia Nghĩa đã trở thành thành phố Gia Nghĩa. Theo Sở Tài chính, các giáo viên này chỉ được nhận mức phụ cấp 35% thay vì 50% như trước đây.

Đặng Dương

Nguồn tin: dantri.com.vn


Giáo dục   Tài chính   chính sách   kiến nghị   Đắk Nông  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...