05/08/2021 8:25  
Những ngày ở nhà, bạn bè tôi chia sẻ hàng trăm cách để vui, nhưng “bí kíp chống chán” ấy không dành cho mọi người.

Chúng chỉ dành cho những "người bình thường". Thật dễ khi chúng ta đủ ăn trong 15 ngày tới. Ta chưa bị mất việc vì làm online, ta có gia đình, có bạn bè chăm chỉ tương tác trên mạng.

Nhưng còn những người khác? Những người đang suy sụp tinh thần, nỗi lo cơm áo gạo tiền đang phủ kín đầu óc họ. Những người đang khủng hoảng tâm lý, đang rối loạn cảm xúc. Người đang lo lắng về người thân bị ốm, số tiền ít ỏi họ còn trong túi, nếu không ra đường đi làm thì có thể hết gạo trong tuần này. Những người đang bị dọa mất việc làm, hay bấn loạn khi nghĩ đến tương lai mù mịt phía trước thì sao?

Liên Hợp Quốc từng cảnh báo về nạn đói nghèo lớn nhất ngay khi đại dịch bắt đầu. WHO đã cảnh báo về rối loạn tâm thần xảy ra trong và sau thời gian dài giãn cách. Nhiều quốc gia đã ghi nhận sự gia tăng của bạo lực gia đình và ly hôn trong đại dịch.

Tôi tạm gọi những người đang yếu thế về kinh tế và tinh thần là những người có nguy cơ ra đường. Họ không phải tài xế của các chuỗi cung ứng đang được phép ra đường trong sự kiểm soát. Họ, vì những bí bách trong tinh thần và đời sống vật chất, tìm cách để tự giải thoát tạm thời bằng việc không ở nhà. Và vì thế, họ có nguy cơ là một mắt xích khiến dịch bệnh thêm trầm trọng.

Đó cũng là điều tôi nghĩ đến trong những ngày này. Ta không thể chống dịch nếu còn nhiều người tìm cách ra khỏi nhà mình, dù có những lý do không sai. Nhưng với virus này, chỉ một giây lơ là thôi, tất cả cùng làm lại từ đầu.

Khi có thêm nhiều giây lơ là, hậu quả sẽ là nhiều người nhiễm bệnh, hệ thống y tế lung lay, và các biện pháp giãn cách có thể buộc phải thắt chặt hơn rất nhiều. Hậu quả lớn hơn đếm bằng rất nhiều tiền và sinh mạng. Vì thế, càng nhiều người ở yên, đất nước càng có cơ hội quản lý được dịch. Để những người muốn ra đường ở nhà, họ cần được chúng ta quan tâm.

Tôi nghĩ đến một ý tưởng: "15 ngày với người lạ" bằng việc tận dụng nhiều hơn các kết nối online. Internet là không gian ảo, nhưng chúng ta có thể làm được nhiều việc thật.

Đầu tiên, có thể chỉ đơn giản là việc lắng nghe ai đó tâm sự. Tôi nghĩ đến những người khó khăn ở một số nước đã treo cờ hay vẫy khăn để kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng. Tôi hy vọng trên mạng xã hội cũng sẽ có những "lá cờ" như thế: Tôi cần sự giúp đỡ, có thể cả vật chất lẫn tinh thần.

Muốn vậy, chính mỗi chúng ta có thể tạo một cơ hội cho những lá cờ được phép trưng lên mà không e ngại. Các nhóm bác sĩ tình nguyện tư vấn cho người dân miễn phí tại TP HCM qua các fanpage đang chứng minh hiệu quả rất thiết thực. Tuy không phải là bác sĩ để có thể tư vấn về các bệnh khác và Covid, chúng ta hoàn toàn có thể kêu gọi việc mình sẵn lòng giúp đỡ để những người đang cần biết rằng họ được đón đợi. Ta có thể lắng nghe họ chia sẻ, tặng đi một lời ân cần, một sự cảm thông, hoặc chút vật chất trong khả năng của mình. Ta cũng có thể cho đi một bữa cơm, một ổ bánh mỳ cho người bị đói. Biết đâu, việc nhỏ bé đó sẽ bớt đi một người phải đưa ra quyết định đáng buồn.

Tuần trước, Dương bạn tôi đã bán đi chiếc ô tô của mình để có tiền trả lương cho hơn 20 nhân viên. Doanh nghiệp cô đã phải đóng cửa nhưng cô không chọn cách tuyên bố phá sản bởi 20 nhân viên ấy đã đi cùng cô từ ngày đầu khởi nghiệp. Cô bán xe để có tiền hỗ trợ họ khi Hà Nội giãn cách, để tất cả yên tâm ở nhà. Hay như Minh, chủ doanh nghiệp khác cũng đăng tin bán mảnh đất bố mẹ cho để có thêm tiền nuôi doanh nghiệp qua cơn dịch giã.

Hùng nhắn tin tâm sự với tôi rằng cậu đã vét đến đồng tiết kiệm cuối cùng để mua gạo trữ cho hai tuần tới. Và có quá nhiều những lao động ngoài kia tay ngừng làm nên hàm không có gì để nhai. Ráo mồ hôi là hết tiền. Để họ không ra ngoài đi tìm việc, liệu chúng ta có thể làm gì? Nghĩ về những người đang đơn độc, ta có thể trở thành chiếc phao để không ai thực sự bị bỏ lại phía sau.

Ở nhà còn là những ngày chúng ta "phong tỏa" thông tin tiêu cực, những thứ đang đầu độc và làm u ám thêm môi trường mạng. Như đợt giãn cách trước, phong trào "yêu bếp, nghiện nhà" đã lan tỏa năng lượng tích cực. Giãn cách với cuộc sống ngoài kia, nhưng trên môi trường online, ta không cần giãn cách.

Sáng qua, khi xuống sảnh, tôi nhìn thấy tấm bảng "Vùng xanh" của tòa nhà. Nỗi sợ Covid đã giảm đi rất nhiều dù đêm trước, thông tin Hà Nội phát hiện hàng chục ca F0 khiến nhiều người mất ngủ. Tấm bảng xanh với tôi là điểm tựa tinh thần.

Vùng xanh an toàn - tòa chung cư chúng tôi đang sống được triển khai từ chính sự cam kết của cư dân hơn 600 căn hộ. Chúng tôi đưa ra những nội quy riêng chi tiết và nghiêm ngặt, đồng thời giúp nhau yên tâm giãn cách khi mà mọi thắc mắc của một nhà đều được giải đáp, mọi nhu cầu đều được tương trợ bởi hàng trăm gia đình xung quanh.

Vùng xanh không chỉ là tấm biển xanh chữ trắng. Mỗi chúng ta đều có thể trở thành điểm xanh trong tấm bản đồ rộng lớn đang nhiều màu đỏ, vàng bằng ý thức với bản thân và cả những người không quen biết. Nhiều điểm xanh để có vùng xanh, quận xanh và thành phố xanh, đất nước xanh.

Tôi nhận ra, có một "bí kíp chống chán" là thái độ công dân không vị kỷ. Lúc này, vì nhau nhất, nhân văn nhất chính là giúp nhau tuân thủ kỷ luật.

Tôi cũng như nhiều người, từng nghĩ Covid sẽ được xóa sạch bóng. Lần ở nhà này có vẻ không còn "rừng mơ" nào, bởi sự thật là để dập dịch. TP HCM đã trải qua nhiều mất mát để Hà Nội và cả nước rút kinh nghiệm. Không ai mong muốn kịch bản lặp lại.

Không như đợt giãn cách đầu tiên với nhiều "mới mẻ" và hy vọng, lần giãn cách này là để không có đớn đau.

Hoàng Anh Tú

Nguồn tin: vnexpress.net


Covid   HCM   Hà Nội   bí kíp   doanh nghiệp   khủng hoảng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...