02/11/2021 20:20  
Loại cây này đặc trưng của miền Tây Nam bộ, tuy nhiên trước đây nó chỉ đem lại giá trị kinh tế thấp cho bà con nơi đây. Nhưng nay, 9x đã nghiên cứu và nâng tầm giá trị của loại cây này, mang lại nguồn thu nhập cho nhiều người.

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất huyện Cần Giờ (TP.HCM), tuổi thơ của chàng kỹ sư Phan Minh Tiến - tốt nghiệp Khoa Công nghệ hóa học - Trường Đại học Bách khoa TP HCM, gắn liền với cây dừa nước. Thời thơ ấu, anh chỉ biết mọi người trong khu vực thường chặt buồng dừa nước để lấy cơm dừa dầm đá, dầm đường ăn vào những trưa hè nóng bức. Món ăn dễ kiếm, dễ tìm lại rất ngon. Còn những chiếc lá dừa sẽ được thu hoạch về để lợp mái nhà hoặc đem bán với giá rất rẻ…

Cây dừa nước dường như đem lại giá trị kinh tế rất thấp cho bà con vùng anh sinh sống. Hơn nữa, với diện tích rừng tự nhiên hơn 32.000ha rừng ngập mặn, cây dừa nước phát triển mạnh mẽ tự nhiên hàng trăm héc ta tại huyện Cần Giờ. Mà thực tế, cây dừa nước bị chặt bỏ khá nhiều vì có giá trị kinh tế thấp.

Chính những điều này đã khiến anh trăn trở rất nhiều về việc nâng tầm giá trị cho loại cây này. Anh Tiến đã bỏ ra gần 5 năm đi khắp nơi để tìm hiểu và nghiên cứu về kỹ năng lấy mật dừa nước, với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Thời gian đầu, anh vừa đi làm vừa nghiên cứu các tài liệu trong và ngoài nước về cách lấy mật từ cây dừa nước. Khi có kiến thức kha khá, anh mới quyết định nghỉ hẳn công việc làm thuê để trở về quê khởi nghiệp.

Và phải mất gần 1 năm, anh mới biết được cách lấy mật dừa từ cuống. “Ban đầu mới làm, tôi chặt cả chục buồng dừa nước quanh nhà, dùng các túi nilon buộc đầu các cuống dừa nhưng chờ mãi không có giọt mật nào. Tôi lại nghiên cứu tiếp, sau này mới tìm ra cách để lấy được mật”, anh chia sẻ.

Để lấy được mật dừa, người thợ phải “mát-xa” cuống dừa và những cây lấy mật sẽ không được chặt lá. Trước đây, sau khi cắt đi các buồng dừa, người dân sẽ bỏ trơ trọi các cuống dừa. Giờ anh biết cách “mát-xa” cho cuống dừa rồi dùng bao nilong bịt đầu các cuống dừa lại để thu hoạch mật.

Những chiếc cuống để lấy mật cũng cần chọn lọc, người thợ phải nhìn vào buồng dừa và cuống dừa. “Cuống dừa phải có độ bóng còn buồng dừa đủ tuổi để khai thác cơm dừa”, anh nói.

Cứ bọc nilon để như vậy, 1 ngày, anh Tiến có thể thu được 1 lít mật dừa/cây và có thể khai thác trong vòng 30 ngày. Sau khi lấy mật về, số mật dừa này sẽ đưa vào máy móc để cô đặc lại. Mỗi mẻ mật cô đặc sẽ mất 6 tiếng và cho ra khoảng vài chục lít.

Hiện, giá bán mỗi chai mật dừa nước cô đặc khoảng 120.000 đồng/chai 250ml. Tính ra, một lít mật bán giá gần 500.000 đồng.

Sản phẩm này anh đã đem đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM (Sở Khoa học và công nghệ) và Viện Hàn Lâm Khoa Hoc Và Công Nghệ Việt Nam. Được biết, mật dừa nước qua kiểm nghiệm cho ra các thông số phù hợp với người tiểu đường, ăn chay, ăn kiêng chất tạo ngọt, có khả năng thanh nhiệt, giải độc và phần nào bù lại lượng khoáng của cơ thể bị mất. Những chất này hoàn toàn tự nhiên, sẵn có trong cây dừa nước.

Mật dừa nguyên chất có thể uống liền tại chỗ nhưng dễ lên men, nên sau khi thu hoạch, anh Tiến đưa vào xử lý, nấu sôi, thanh trùng để bảo đảm sự an toàn và có thời gian bảo quản lên đến mười ngày.

Trong tương lai, anh Tiến mong muốn hoàn thiện bộ sưu tập sản phẩm liên quan đến Mật từ cuống dừa, sẽ tiếp tục nghiên cứu, chế biến cơm dừa thành những sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Đặc biệt, 9x dự định sẽ mở rộng ra thị trường quốc tế.

Được biết, sản phẩm mật dừa nước của Phan Minh Tiến đã giành giải nhì Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn toàn quốc năm 2019, do Trung ương Đoàn phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA) tổ chức.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Công nghệ   HCM   Việt Nam   doanh nghiệp   làm giàu   sáng tạo   tiểu đường  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...