11/11/2021 10:20  
Trong bối cảnh phải tập trung mọi nỗ lực và ưu tiên cao nhất để phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm (BKLN), chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam.

Gánh nặng bệnh không lây nhiễm tăng nhanh

Các BKLN hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn quốc, cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 người tử vong do các BKLN, trong đó nguyên nhân tử vong do bệnh tim mạch chiếm 31%, ung thư chiếm 19%, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) chiếm 6%, đái tháo đường chiếm 4%, các BKLN khác chiếm 18%. Ước tính năm 2012, gánh nặng bệnh tật (DALYs) của BKLN chiếm 66,2% tổng gánh nặng bệnh tật do tất cả các nguyên nhân tại Việt nam.

Trên toàn cầu, BKLN ước tính làm mất 47.000 tỷ USD nền kinh tế năm 2030. Tỷ lệ mắc bệnh BKLN cao ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình gây ra đói nghèo, kìm hãm sự phát triển kinh tế, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế và kém chống chịu khi xảy ra các trường hợp khẩn cấp, phức tạp như đại dịch Covid-19.

Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các BKLN. Theo kết quả điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ BKLN (STEPS) năm 2015 do Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế Việt Nam phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì chi phí cho điều trị BKLN cao hơn 40 – 50 lần so với các bệnh lây nhiễm (BLN).

Các BKLN được coi là “bệnh dịch âm thầm” gây ra những tác động trầm trọng và rộng lớn về kinh tế, xã hội, thông qua việc làm, tăng chi phí y tế, giảm năng suất lao động và sản phẩm xã hội. Theo WHO, BKLN gây tổn thất 2-5% GDP của mỗi nước. Một thực trạng đáng báo động với vấn đề các BKLN tại nước ta, đó là hiện tượng trẻ hóa đối tượng nhiễm bệnh.

Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người mắc BKLN

Theo WHO, những người mắc các BKLN hay bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, các bệnh hô hấp mãn tính, ung thư v.v…sẽ có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn những người khác, cũng như có các triệu chứng nghiêm trọng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn khi mắc Covid-19.

Đối với những người đang mắc những BKLN (nhưng chưa mắc Covid-19) thì đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điều trị. Cụ thể, bệnh nhân sợ bị lây nhiễm nên không đi khám, sàng lọc, tiếp cận cơ sở y tế khó khăn do giãn cách xã hội hoặc cơ sở y tế bị cách ly, phong tỏa, chuyển đổi công năng. Theo thống kê của WHO, vào tháng 6/2020, các dịch vụ y tế bị gián đoạn nhiều nhất bao gồm chẩn đoán và điều trị các BKLN (69%), điều trị các bệnh tâm thần (61%) và các bệnh ung thư (55%). Do hệ lụy của Covid-19, người bệnh không còn được chăm sóc chu đáo và sử dụng thuốc đầy đủ như trước.

Trong đại dịch covid-19, những kiến thức sau đây rất hữu ích cho người mắc BKLN:

- Hạn chế tiếp xúc với người khác, đồng thời vẫn phải duy trì chế độ điều trị hiện tại kết hợp với chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý, tránh căng thẳng.

- Không tự ý ngừng/bỏ thuốc hoặc dùng thêm thuốc khác. Nên có đủ thuốc trong thời gian dài, ít nhất là 01 tháng.

- Khuyến khích tự theo dõi tình trạng bệnh tại nhà nhưng không do dự việc đi khám nếu đã có các bất thường để tránh biến chứng nặng.

- Nếu có bất thường trong quá trình tự theo dõi bệnh tại nhà hoặc lịch khám định kỳ bị hoãn do dịch bệnh, nên xin tư vấn từ xa với nhân viên y tế theo đúng hẹn.

- Khi bắt buộc phải đi khám chữa bệnh, nên đến tuyến y tế cơ sở và phải đặt lịch hẹn trước và thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm đồng thời giảm tải cho cơ sở y tế.

- Khi đến cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt khi nhiễm Covid-19, cần cung cấp đầy đủ thông tin về phác đồ điều trị bệnh hiện tại hoặc các bệnh lý khác để tránh các tương tác thuốc bất lợi và để hiệu chỉnh liều hợp lý các thuốc điều trị khi phải dùng các thuốc điều trị Covid-19 hoặc các bệnh khác.

- Tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn về dự phòng lây nhiễm Covid-19 để phòng lây nhiễm.

Davipharm chung tay phòng chống BKLN, giảm gánh nặng kép trong dịch Covid-19

Mặc dù rất nguy hiểm, nhưng các BKLN có thể được phòng chống hiệu quả thông qua hướng dẫn người dân, cùng với việc tăng cường năng lực hệ thống y tế để phát hiện sớm, quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh qua các chương trình phòng chống BKLN do Chính phủ, Bộ Y Tế, các tổ chức, cơ quan ban ngành thực hiện.

Giữa lúc hệ thống y tế & người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi gánh nặng kép các bệnh truyền nhiễm và BKLN, Davipharm hợp tác cùng Cục Y Tế Dự Phòng, Bộ Y Tế triển khai chương trình Chăm Sóc Sức Khỏe Việt, với mục tiêu truyền thông kiến thức sức khỏe về phòng chống hiệu quả các BKLN, hỗ trợ tạo điều kiện tầm soát, sàng lọc đến với bệnh nhân có nguy cơ mắc BKLN, để các bệnh nhân BKLN tiếp cận việc chữa trị đúng đủ, kịp thời.  

Chăm Sóc Sức Khỏe Việt – Chung tay phòng chống hiệu quả các BKLN, cải thiện sức khỏe và chất lượng sống cho người Việt Nam, đặc biệt trong đại dịch toàn cầu Covid-19. Kết nối với chương trình qua Fanpage để có những thông tin hữu ích

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Việt Nam   bệnh tim mạch   căng thẳng   dịch vụ   dịch vụ y tế   hợp tác   ung thư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...