05/05/2021 8:45  
Sau 10 năm hoạt động, FE CREDIT đã nắm giữ khoảng 50% thị phần cho vay tiêu dùng, bỏ xa các đối thủ còn lại đang cho thấy năng lực vượt trội của FE CREDIT không chỉ về vốn, con người mà cả cách tiếp cận thị trường.

Ngày 28/4/2021, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã ký kết thỏa thuận bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính VPBank (FE CREDIT) cho Tập đoàn SMBC của Nhật Bản. Trong thương vụ này, FE CREDIT được định giá 2,8 tỷ USD. Hiện giá chuyển nhượng chưa được phía FE Credit tiết lộ nhưng theo tờ Nikkei Asia (Nhật Bản), Tập đoàn SMBC sẽ đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD vào FE CREDIT trước tháng 10/2021.

3 năm tạo ra 420 triệu USD lãi ròng

Theo báo cáo Fiingroup, FE CREDIT đang nắm giữ khoảng 50% thị phần cho vay tiêu dùng ở Việt Nam, bỏ xa công ty tài chính tiêu dùng xếp thứ 2 và 3 về thị phần. Trong giai đoạn 2017-2019, FE CREDIT đóng góp 45-50% trong tổng lợi nhuận hợp nhất mỗi năm của VPBank. Dữ liệu thu thập được cho thấy, trong 3 năm 2018 - 2020, FE CREDIT tạo ra khoảng 420 triệu USD lợi nhuận ròng.

Các nhà phân tích tài chính cho rằng, con số thị phần, quy mô lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cho thấy năng lực vượt trội của FE CREDIT không chỉ về vốn, con người mà cả cách tiếp cận thị trường cũng như làm "chủ cuộc chơi" trên thị trường tài chính vi mô.

Đến cuối năm 2020, tổng tài sản của FE CREDIT hơn 3,1 tỷ USD; vốn chủ sở hữu đạt 657 triệu USD; dư nợ cho vay khách hàng gần 2,8 tỷ USD.

Cho đến thời điểm hiện tại, FE CREDIT là công ty tài chính tiêu dùng có tỷ lệ sinh lời tốt nhất hệ thống công ty tài chính, ROAA và ROAE năm 2020 lần lượt đạt 4,2% và 26,9%, luôn cao gấp 2 lần so với trung bình các công ty tài chính. Cũng trong giai đoạn 2017-2020 FE CREDIT liên tiếp được Tổng cục Thuế vinh danh doanh nghiệp đóng thuế lớn tại Việt Nam, cũng là đại diện duy nhất của khối tài chính tiêu dùng. Theo đó, tổng số tiền thuế đạt gần 3,800 tỷ đồng. Chỉ tính trong năm 2019, công ty đã đóng góp hơn 1.400 tỷ đồng vào ngân sách, xếp vị trí thứ 24 trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam.

Định giá FE CREDIT 2,8 tỷ USD, SMBC có được thương vụ "hời"

Tập đoàn SMBC cho biết, khoản đầu tư FE CREDIT là một phần trong chiến lược trung hạn nhằm mở rộng nền tảng kinh doanh tại châu Á của Tập đoàn. Tập đoàn SMBC kỳ vọng khoản đầu tư này sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng theo cả hai chiều: chia sẻ bí quyết kinh doanh của mình và tiếp thu bí quyết kinh doanh của đối tác.

Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE CREDIT cũng cho biết, tín dụng tiêu dùng là lĩnh vực hiện có tính cạnh tranh khá cao tại Việt Nam, với nhiều công ty tài chính tiêu dùng tham gia. Thành công nổi bật của FE CREDIT là nhờ tập trung vào nhiều hoạt động cốt lõi trong suốt những năm gần đây như quản trị rủi ro, phát triển công nghệ, xây dựng đội ngũ quản lý năng lực, phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp Việt Nam... Mặc dù đã thiết lập được vị thế dẫn đầu vững chắc nhưng nhận thức được áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng, và để vượt qua được rất nhiều thách thức trong tương lai thì công ty đã tìm kiếm và hợp tác cùng SMBC. Đại diện công ty cũng tin tưởng rằng việc hợp tác với SMBC sẽ giúp FE CREDIT ngày càng vững mạnh trong tương lai.

Chưa bàn sâu đến FE CREDIT kỳ vọng sẽ nhận được gì từ Tập đoàn SMBC, hiện nhiều nhà đầu tư đang đặt câu hỏi rằng, định giá FE CREDIT 2,8 tỷ USD, Tập đoàn SMBC tính toán gì khi trả một giá "khủng" như vậy? Trước khi đầu tư vào FE CREDIT, Tập đoàn SMBC đã sở hữu 5,07% cổ phần tại Eximbank. Tuy nhiên, thương vụ mua 49% vốn của FE CREDIT đang là khoản đầu tư "khủng" nhất về cả giá trị và quy mô, chính thức đánh dấu SMBC đặt chân vào thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Hiện Việt Nam là quốc gia có dân số đông thứ 3 khu vực Asean, sau Indonesia và Philippines. Với lực lượng lao động trẻ, phân bố tập trung ở các khu công nghiệp và khu chế xuất; nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, trong khi đó khoản vay tiêu dùng chỉ bằng 28% GDP (năm 2019) cho thấy tiềm năng lớn để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng.


Số liệu thống kê của World Bank, FiinResearch cũng cho thấy, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng năm 2019 lên đến 1,681 nghìn tỷ VNĐ, tăng trưởng bình quân 35,2%/năm cho giai đoạn 5 năm 2015 - 2019.

Trong khi đó, như đã trình bày ở trên, FE CREDIT hiện đang nắm giữ khoảng 50% thị phần thị trường tài chính tiêu dùng và là thương hiệu được biết đến rộng rãi. FE CREDIT nằm trong Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (Vietnam Report bình chọn). 3 năm liên tiếp từ năm 2018 đến nay, FE CREDIT có mặt trong danh sách VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Việc duy trì được tốc độ tăng trưởng tín dụng, giá trị sinh lời trên tài sản và lợi nhuận cho thấy năng lực quản trị của FE CREDIT thuộc hàng top Việt Nam.


Thay lời kết, TS. Quách Mạnh Hào, Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt nam - Anh Quốc, Đại học Lincoln - Vương quốc Anh trong phần chia sẻ quan điểm trên trang cá nhân của mình về thương vụ đầu tư SMBC vào FE CREDIT cho rằng, sự vượt trội của FE CREDIT cho thấy đội ngũ của VPBank nói chung và FE CREDIT nói riêng phải có cách làm khác các tổ chức tài chính khác, làm "đúng cách" để các cỗ máy của FE CREDIT vận hành hiệu quả. Ngoài ra, với mức lợi nhuận tạo ra khoảng 150 triệu USD (khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid), mức định giá 2,8 tỷ USD cho FE CREDIT, tương đương P/E 14-18,6, nằm trong vùng định giá của thị trường chứng khoán. Do đó, mức định giá 2,8 tỷ USD cho FE CREDIT là hoàn toàn hợp lý. TS Quách Mạnh Hào cũng cho rằng, FE CREDIT được định giá 2,8 tỷ USD còn thấp do giá trị cộng hưởng từ kết hợp thế mạnh của SMBC và FE CREDIT mang lại chưa được tính đến.

Trường Thịnh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Kinh tế   Ngân hàng   Nhật Bản   Thành công   Top 50   Tài chính   Tập đoàn   Tổng cục   Việt Nam   chiến lược   doanh nghiệp   hợp tác  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...