13/07/2021 7:05  
Đó là lời kêu gọi, thúc giục của ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, với các ngân hàng thương mại về việc tiết kiệm chi phí, tiếp tục giảm lãi vay cho doanh nghiệp trong cuộc trao đổi với Thanh Niên hôm qua (12.7).

Lợi nhuận hiện nay chưa phải là con số cuối cùng

* Nhiều ngân hàng (NH) vừa công bố nửa đầu năm 2021 tiếp tục lãi lớn trong khi các doanh nghiệp (DN) ngày càng kiệt quệ. Đây cũng chính là vấn đề gây tranh cãi, hay nói đúng hơn là bức xúc trong thời gian vừa qua. Là người trong ngành, cảm xúc của ông như thế nào khi chứng kiến bức tranh đối lập này?
- Bản thân tôi cũng thấy rằng, việc công bố lợi nhuận như thế là không hay bởi đây chưa phải là con số cuối cùng. Đến cuối năm quyết toán, sau khi được kiểm toán xác định đầy đủ, khi đó con số lợi nhuận mới chính xác. Còn hiện chỉ là tạm tính mà thôi. Trong khi còn chưa phản ánh thật lợi nhuận của mình, mà tạo ra một sự không đồng thuận, không cảm tình của xã hội thì tất nhiên không hay rồi. Nhưng với các NH đã lên sàn thì bắt buộc phải cáo bạch số liệu theo quý. Đó là quy định.
* Suốt gần 2 năm qua kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành NH luôn đi đầu trong các giải pháp cơ cấu, khoanh, giãn nợ; giảm lãi vay... Thế nhưng, cùng thời gian đó, tất cả những kiến nghị của hiệp hội, DN, chính quyền các địa phương... cũng vẫn là giảm lãi suất, giảm các thủ tục tiếp cận vốn... ông lý giải thế nào về việc NH nói giảm mà DN vẫn than lãi vay cao?
- Lãi suất bao giờ cũng tỷ lệ với rủi ro. Rủi ro cao thì lãi suất cao và ngược lại. Thực tế có rất nhiều khoản vay lãi suất rất thấp, chỉ 4%, thậm chí 3,5%. Đó là với những khách hàng truyền thống, khách hàng có tiềm lực kinh tế, minh bạch tài chính, có luồng tiền đảm bảo, hay nói đơn giản là độ tín nhiệm cao.
Ngược lại, cũng có những món vay lãi suất 8 - 9% vẫn tồn tại. Một số khoản dư nợ vay từ trước, nhất là các khoản vay trung dài hạn khi chưa đến kỳ trả nợ thì NH vẫn duy trì mức lãi suất đó. Nhưng đến hạn thì NH mới tính toán cụ thể với khách hàng. Nên nếu cứ nhìn đúng theo hợp đồng, đúng là một số khoản vay lãi suất vẫn cao nhưng thực tế trả nợ thì không hẳn như vậy.
Cũng phải nói thẳng là câu chuyện lãi suất là quyền của các NH thương mại. Trừ lãi suất được nhà nước ưu tiên hỗ trợ với các đối tượng chính sách... thì họ có quyền quyết định cho ai vay, cho vay như thế nào, cho vay với lãi suất bao nhiêu. Tất nhiên ở góc độ điều hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nhiều công cụ và chúng tôi cũng đã bật tín hiệu giảm nhiều lần. Chỉ tính riêng năm 2020, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5%/năm lãi suất điều hành và là một trong các NH trung ương có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực; giảm 0,6 đến 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với năm trước đó; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên không quá 4,5%/năm...

Phải có trách nhiệm chia sẻ với DN

* Đúng như ông nói, cho ai vay, lãi suất bao nhiêu là quyền của NH và kinh doanh thì mục tiêu tối thượng là lợi nhuận. Nhưng trong bối cảnh đối tác của họ là các DN sức khỏe đã kiệt quệ mà vẫn phải gánh mức lãi vay cao, điều đó có hợp lý và đúng quy định không, thưa ông?
- Lãi suất cao hay thấp, NH được phép quyết định, nên nếu chiếu theo quy định của luật pháp thì họ không sai. Nhưng trong điều kiện thực tế như thế này, với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và trách nhiệm với nền kinh tế, quan điểm của NHNN là các NH thương mại phải có trách nhiệm chia sẻ với DN.
Tôi cũng nói thẳng với nhiều NH rằng, trong hoạt động kinh doanh, không chỉ có pháp luật mà còn có đạo đức kinh doanh. Khi dư luận, khi mọi người thấy rằng “anh” làm đúng, nhưng không phù hợp với mong muốn của xã hội, không phù hợp với đạo đức xã hội thì cũng có nghĩa là anh chưa đáp ứng được lợi ích chung của xã hội. Thế nên, nó phải hài hòa giữa mặt chấp hành luật pháp, chấp hành quy định và lợi ích của các bên cũng như lợi ích chung của nền kinh tế.
Nói như cha ông ta, buôn có bạn, bán có phường. Lúc khó khăn thì phải chia sẻ với nhau. NH và DN hiện nay không phải là quan hệ xin cho như trước đây mà là quan hệ cộng sinh. Lợi nhuận NH cũng từ DN mà ra, nên NH phải giúp DN vượt qua. DN trụ vững thì NH mới có bạn hàng sau này. Chính vì thế NHNN đã, đang và sẽ làm việc với các NH thương mại để yêu cầu họ phải mạnh mẽ hơn nữa cho giai đoạn 6 tháng cuối năm nay. Phải làm sao thể hiện được trách nhiệm với xã hội, phải tích cực hơn, thiết thực hơn trong việc cơ cấu, giãn, hoãn lại nợ với các khoản đến hạn cũng như giảm lãi suất cho DN.
* Với tinh thần đó, theo ông, lãi suất 6 tháng cuối năm có thể giảm thêm khoảng bao nhiêu để hỗ trợ các DN đang hết sức khó khăn trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này?
- Trong bối cảnh dịch kéo dài và bùng phát ở nhiều địa phương như thế này, DN lại càng khó khăn hơn nên hỗ trợ bao nhiêu lúc này, tôi cho rằng cũng vẫn là ít. Nhưng các NH cũng phải tính đến yếu tố an toàn tài chính, nếu không việc nợ xấu trong tương lai sẽ là vấn đề hiện hữu. Bởi khó khăn thế này thì chắc chắn nhiều DN khó trả nợ và sẽ trở thành nợ nấu. Mà nợ xấu thì sẽ làm mất an ninh, an toàn cho chính hệ thống tín dụng. Khi các NH thương mại mất an toàn thì không thể có nền tài chính tiền tệ quốc gia khỏe mạnh được.
Thế nên, để giải quyết đồng thời 2 bài toán là giữ năng lực tài chính cho hệ thống các tổ chức tín dụng và chia sẻ được với DN, chúng tôi sẽ cố gắng kéo lãi suất giảm thêm khoảng 1% trong 6 tháng cuối năm. Tất nhiên là nhu cầu của DN còn muốn thấp hơn nữa nhưng nó còn phụ thuộc vào quan hệ huy động vốn. Nếu lãi suất tiết kiệm giảm thấp hơn nữa lại không đảm bảo huy động được. Còn muốn giữ mặt bằng huy động như thế này, thì cho vay phải ở mức độ hợp lý. Chưa kể chúng ta vẫn phải cảnh giác lạm phát. Giá sắt thép, xăng dầu đã tăng khá mạnh trong thời gian qua tác động rất lớn đến lạm phát mà chúng ta không thể lơ là được.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Lãi suất   NHNN   Ngân hàng   Ngân hàng Nhà nước   chính sách   doanh nghiệp   kiến nghị   thống đốc Ngân hàng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...