01/05/2021 15:13  
Cách Hà Nội chưa đầy một giờ xe chạy, làng Cựu (xã Vân Từ, H.Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn tồn tại những ngôi biệt thự của các ông chủ lớn ngày xưa đã dựng nên một không gian làng mang đậm phong cách kiến trúc là sự hòa trộn Á – Âu.
Tiêu biểu có thể kể đến như nhà ông Xã Vinh, nổi bật với lối vào được lát đá xanh, hai tòa nhà giao nhau bằng một chiếc cầu độc đáo vắt ngang ngõ nhỏ. Nhà ông Hàn Thăng lại theo lối Việt cổ với phân bổ gian – chái, cột gỗ lim, cửa bức màn… Mỗi kiến trúc cổ ở làng Cựu mang một vẻ đẹp, một cá tính, một kiểu thức gắn với nhu cầu sử dụng và độ giàu có của gia chủ.
Ấn tượng nhất trong số ấy, chính là nhà cụ Phó Du, nổi bật với kiểu thức trang trí rất chi tiết. Từ ngay cổng vào, hình tượng con tôm đắp nổi tinh tế, với đôi càng khỏe, dáng hướng lên trên, như đang nâng giữ bức đại tự gồm 4 chữ: “Nhập hiếu xuất đệ” (hàm ý: vào nhà biết thảo hiếu với cha mẹ, ra ngoài nhường nhịn anh em) đã phần nào nói lên tính cách khiêm nhường, hiếu thảo, hòa thuận của gia chủ.
Vừa qua cổng, không gian kiến trúc nhà ở được bố cục khá tương đồng với kiến trúc hình chữ khẩu, với khoảng sân ngay chính giữa. Nổi bật là những nét pha trộn kiến trúc Á - Âu, có cửa lá sách, rồi các cột trụ, đầu hồi… đắp nổi đề tài hoa lá, tỉa cạnh rất đặc trưng mang dáng dấp Tây Âu, nhưng trên chóp mái lại là bức phù điêu Tam Tinh - chính là bộ Tam Đa (Phước - Lộc - Thọ) quen gặp trong văn hóa Á Đông.
Chi tiết trang trí kiến trúc này thường gặp tại các nước Việt Nam, Trung Quốc… Mảng trang trí Tam Đa còn dòng Hán tự ghi rõ: Tam Tinh Cung Chiếu (ba vì sao tỏa chiếu). Sự hòa trộn Tây – Ta ấy chẳng hề… lạc quẻ, mà trông rất hài hòa, sang trọng, bề thế, phần nào thể hiện vị thế cao quý của gia chủ trong làng Cựu thời bấy giờ.
Những chi tiết đậm nét Tây còn thấy rõ ở các mảng đắp nổi trang trí hình hoa lan Tây ở nhà cụ Phó Du, chính là cây ô-rô (Acanthus) thường gặp trong kiến trúc cổ đại Hy Lạp ở các cột trụ và trụ gạch. Kiểu thức trang trí này lan rộng khắp châu Âu, với các thời kỳ kiến trúc mang phong cách từ La Mã, Phục Hưng, Baroque, Rococo, Louis Styles, Neo-Styles…
Một chi tiết trang trí khác được sử dụng đầu cột trụ là đề tài chùm nho, với những đắp nổi bằng vôi vữa thật cầu kỳ, chi tiết, tạo sự sống động và hài hòa với tổng thể trang trí khác.
Khi các lối trang trí kiểu Tây Âu này du nhập vào Việt Nam, có thể nói làng Cựu là ngôi làng Việt hiếm hoi sử dụng các chi tiết trang trí kiêu sa tận trời Âu này áp dụng vào nhà ở thường thức của cư dân vùng chiêm trũng Bắc bộ.
Rồi cả các loại ngói Tây, gạch trang trí kiểu Tây trên ô gió, hòa nhịp với cổng vào lại được chế tác với chóp cong nhọn kiểu thức Việt. Các dải trang trí liền mạch trên vòm cong kiến trúc sử dụng đĩa sứ in xanh trắng xuất xứ từ Nhật Bản đương thời. Những đường nét, chi tiết, không gian, phong cách, với đủ Tây - Ta - Tàu - Nhật hòa nhịp, tạo cho ngôi nhà đẹp một cách khác lạ so với những kiến trúc còn lại ở làng Cựu.
Qua gần trăm năm tồn tại, ngôi nhà ít nhiều xuống cấp, các mảng vữa trang trí đã bong tróc, đĩa Nhật trang trí cũng sứt mẻ, rụng vỡ theo thời gian. Vẻ đẹp còn lại của ngôi nhà, chỉ là một phần nhỏ so với những huy hoàng thời quá vãng, nhưng cũng đủ để nhận ra chất “chơi” của người làng Cựu – một ngôi làng với rất nhiều kiến trúc dị biệt nhất trong số các làng cổ nơi miền quê Bắc Bộ.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Hà Nội   Nhật Bản   Trung Quốc   Việt Nam   Vẻ đẹp  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...