22/09/2021 20:25  
Bộ Y tế cho phép sử dụng thuốc kháng thể đơn dòng vào điều trị bệnh nhân Covid-19 từ 12 tuổi trở lên triệu chứng nhẹ đến vừa và có nguy cơ tiến triển nặng.

Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 của Bộ Y tế ngày 21/9, thuốc kháng thể đơn dòng chỉ định cho các nhóm người cao tuổi, béo phì, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh phổi mạn tính, đái tháo đường type 1 và type 2, bệnh thận mạn tính, gan mạn tính, suy giảm miễn dịch...

Thuốc kháng thể đơn dòng là thuốc ức chế Interleukine 6 hoặc trung hòa virus, theo Bộ Y tế. Một số thuốc đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng, hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất một nước như: tocilizumab, sarilumab; casirivimab 600 mg + imdevimab 600 mg, bamlanivimab 700 mg + estesevimab 1400 mg, etrovimab...).

Bộ Y tế cũng nêu rõ, đối với các loại thuốc chưa được WHO khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào, thì việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ.

Đây là điểm mới trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 lần này của Bộ Y tế, so với hướng dẫn hồi tháng 7. Hướng dẫn lần này cũng chi tiết hơn trong chỉ định điều trị bằng thuốc kháng virus.

Theo đó, thuốc kháng virus là thuốc ức chế sự sao chép của virus. Thuốc kháng virus đường uống dùng cho tất cả trường hợp xác định nhiễm nCoV giai đoạn sớm. Thuốc kháng virus đường tiêm, truyền dùng cho bệnh nhân nội trú.

Tương tự như thuốc kháng thể đơn dòng, Bộ Y tế cho phép thuốc (như remdesivir, favipiravir...) đã được WHO khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất một nước, thì chỉ định theo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất kèm theo khi nhập khẩu.

Ở hướng dẫn hồi tháng 7, Bộ Y tế chỉ cho biết "đã có nhiều thuốc thử nghiệm nhưng chưa có hiệu quả rõ ràng. Khi được khuyến cáo, Bộ Y tế sẽ cho phép sử dụng". Như vậy, hướng dẫn mới này sẽ giúp các bác sĩ có cơ sở, sử dụng chính xác thuốc và điều trị theo phác đồ cho bệnh nhân Covid-19.

Hiện, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn tạm thời sử dụng thuốc remdesivir trong điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam.

Trước đây, điều trị Covid-19 chủ yếu điều trị triệu chứng, theo dõi sát bệnh nhân, hạn chế để bệnh nhẹ chuyển thành bệnh nặng. Thời gian qua, Bộ Y tế luôn tiếp cận các phương pháp điều trị mới trên thế giới và liên tục cập nhật phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Việt Nam đang dùng các "vũ khí quan trọng" như thuốc kháng viêm, corticoid, thuốc kháng đông, thuốc kháng virus remdesivir, molnupiravir... để điều trị bệnh nhân Covid.

Sau hơn một tháng đưa remdesivir vào điều trị bệnh nhân Covid-19 ở TP HCM và một số nơi, Bộ Y tế đang tổng hợp kết quả để đánh giá hiệu quả của thuốc. Hiện chưa có dữ liệu cụ thể. Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, "cơ bản thuốc đã góp phần điều trị giảm được nồng độ virus và giảm được tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân Covid-19".

Trong đợt dịch thứ 4, Việt Nam ghi nhận hơn 700.000 ca nhiễm ở 62 tỉnh thành, trong đó hơn 475.000 người đã khỏi bệnh. So với các đợt dịch trước, số bệnh nhân nặng cần phải can thiệp y tế tăng cao, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế.

Bộ Y tế mới đây đánh giá dữ liệu lâm sàng từ 53.608 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo đó gần 80% không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, khoảng 9,2% ở mức độ trung bình và 1,5% là ca nặng, nguy kịch.

Lê Nga

Nguồn tin: vnexpress.net


Covid   Covid-19   HCM   Việt Nam   bệnh tim mạch   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...