18/12/2021 17:10  
Thanh Hóa đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để giải bài toán việc làm cho hàng nghìn lao động hồi hương do dịch Covid-19.

Không muốn tiếp tục tha phương

Dịch Covid-19 bùng phát, anh Lương Văn Dũng (31 tuổi, ở huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) mắc kẹt ở Bình Dương hơn 2 tháng không việc làm, chỉ quẩn quanh trong phòng trọ. Tiền hết, không biết bám víu vào đâu, anh đành đi xe máy vượt hơn nghìn cây số về quê. Dù chưa tìm được việc làm ở quê nhưng anh Dũng không có ý định sẽ quay lại Bình Dương làm việc.

 "Tôi dự tính sẽ làm hồ sơ xin việc tại một số công ty giày da hay may mặc ở quê, hoặc sẽ lao động tự do chứ không quay trở lại Bình Dương nữa. Do tình hình dịch không biết tới đây ra sao, hơn nữa tại Thanh Hóa đang được kiểm soát chặt chẽ, nên tôi rất yên tâm", anh Dũng nói.

Tương tự, anh Nguyễn Thanh Tùng (29 tuổi, quê ở huyện Như Thanh, Thanh Hóa), cũng trở về từ TPHCM. Làm công việc phục vụ tại một nhà hàng trong 2 năm, gặp đợt dịch bùng phát, anh Tùng mất việc làm nên đành trở về quê.

"Sau khi hết thời gian cách ly, tôi sẽ tìm việc làm mới và không trở lại TPHCM nữa", anh Tùng cho hay.

Hầu hết lao động sau khi trở về đều có mong muốn tìm việc làm và ổn định cuộc sống nơi quê nhà.

Được biết, từ ngày 27/4 đến nay, Thanh Hóa có 205 nghìn người hồi hương, trong đó có 161 nghìn người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, mới chỉ có hơn 20 nghìn người trở lại thị trường lao động.

Số lao động có nhu cầu giải quyết việc làm, đào tạo nghề là hơn 42 nghìn người. Nhiều địa phương có số lao động trở về từ vùng dịch lớn, như: huyện Triệu Sơn hơn 9.000 người; Thiệu Hóa có hơn 7000 người; Quảng Xương có hơn 14 nghìn lao động…

Hỗ trợ sinh kế, kết nối cung cầu

Theo khảo sát, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa khoảng 40.000 người. Do yêu cầu về trình độ chuyên môn kỹ thuật không cao, chủ yếu là lao động phổ thông nên khả năng đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp là khoảng 90% - 95%.

Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 34 phiên giao dịch việc làm, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tiến hành phỏng vấn, tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó, tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động và các chế độ, chính sách liên quan đến lao động - việc làm cho gần 125.000 lượt người; hỗ trợ giới thiệu 30 doanh nghiệp xuất khẩu lao động về các huyện, thị xã, thành phố để tuyển chọn lao động đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa cũng tạo điều kiện hỗ trợ người lao động trở về từ vùng dịch vay vốn ưu đãi với mức 100 triệu đồng/người để tự tạo việc làm.

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trước tình hình một số lượng lớn lao động trở về quê do dịch Covid-19, Sở LĐ-TB&XH đã có những giải pháp kịp thời như: Động viên những người lao động quay trở lại thị trường lao động tại các nơi mà người lao động đã ký kết; phối hợp với các doanh nghiệp, tập đoàn để cung ứng nguồn lao động, dịch chuyển nguồn lao động nơi có nhu cầu lớn để làm việc, ổn định cuộc sống.

Đối với lao động không có nhu cầu quay trở lại nơi cũ, Thanh Hóa sẽ có giải pháp đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với các doanh nghiệp trong tỉnh đang có nhu cầu. Đồng thời, hỗ trợ vay vốn đối với người lao động có nhu cầu giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, kết nối cung cầu lao động để người lao động đến với người sử dụng lao động".

Cũng theo bà Hương, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH các tỉnh như: Bình Dương, TPHCM nắm bắt thông tin nơi cần tuyển, mức lương, các chính sách hỗ trợ để tuyên truyền đến người lao động. Trong thời gian tới, nếu người lao động có nhu cầu quay trở lại các thị trường thì tỉnh Thanh Hóa sẽ có những hỗ trợ tiếp theo.

Bình Minh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   HCM   Ngân hàng   TPHCM   Xã hội   chính sách   doanh nghiệp  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...