09/12/2021 9:10  
Sau 5 năm thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhiều lao động nghèo đã có cơ hội xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Người nghèo có cơ hội XKLĐ

Anh Lương Văn Thực (SN 1999), chị  Lò Thị Nga (SN 2001), cùng ở bàn Chài, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, Thanh Hóa đều thuộc những gia đình hộ nghèo. Tuy nhiên được tỉnh hỗ trợ trả lãi suất, 2 lao động này đã có cơ hội đi làm việc tại Rumani.

"Gia đình em thuộc hộ nghèo, sau khi được tuyên truyền về việc đi XKLĐ được hỗ trợ lãi suất 2 năm, em đã quyết định đi làm việc tại Rumani. Thực sự nếu không được hỗ trợ, đối tượng như chúng em rất khó có cơ hội được sang nước ngoài làm việc", chị Vi Thị Nguyệt, xã Quang Chiểu cho biết.

Ông Bùi Thanh Lĩnh, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Mường Lát cho biết, nhờ chính sách khuyến khích hỗ trợ của Nhà nước, vài năm trở lại đây, nhu cầu XKLĐ trên địa bàn tăng lên đáng kể, chủ yếu làm việc tại Đài Loan.

Sự hỗ trợ vay vốn của Chính phủ cùng với chính sách của tỉnh đã thúc đẩy hoạt động XKLĐ trên địa bàn.

Cụ thể năm 2016 mới có 21 lao động đi xuất khẩu nhưng đến năm 2019, con số này đã tăng lên 50 người; 2020 là 110 lao động và năm 2021 có gần 200 lao động.

"Người dân trên địa bàn chủ yếu thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, chính sách hỗ trợ 2 năm lãi suất của tỉnh đã tạo động lực để bà con đi nhiều hơn. Trước đây, không có cơ chế hỗ trợ, nhiều bà con muốn XKLĐ cũng khó", ông Lĩnh thông tin.

Được biết, từ năm 2017 đến nay, Theo Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh, Thanh Hóa đã hỗ trợ cho hơn 23 nghìn lao động đi xuất khẩu với số tiền hơn 69 tỷ đồng (mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người); hỗ trợ lãi suất tiền vay cho hơn 1.000 lao động là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số gần 4,5 tỷ đồng.

Gia tăng lao động miền núi đi xuất khẩu

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, từ 2016 - 2021, tỉnh này đã đưa được gần 60.000 lao động đi xuất khẩu sang thị trường các nước. Tình hình XKLĐ của 11 huyện miền núi trong những năm gần đây ngày càng tăng lên.

Phần lớn là do người dân tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, bên cạnh đó là sự thay đổi nhận thức về việc đi XKLĐ, công ăn việc làm được giải quyết, xóa đói giảm nghèo và hạn chế các tệ nạn xã hội, nâng cao đời sống vật chất của người dân ở các huyện miền núi, tỷ lệ thoát nghèo tăng. Các huyện miền núi có số lao động tăng như: Như Thanh, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Mường Lát...

Ông Lê Đình Tùng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho biết, nhờ chính sách khuyến khích hỗ trợ, đã tạo động lực cho người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách… có cơ hội tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Từ đó giải quyết công ăn việc làm cho người dân, ổn định cuộc sống, hạn chế được tệ nạn xã hội.

Nghị quyết đã mang lại hiệu quả rất lớn, thể hiện rõ rệt ở sự gia tăng số người nghèo, cận nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động.

Cũng theo ông Tùng, lao động đi xuất khẩu có mức thu nhập trung bình ở thị trường Đài Loan 15-20 triệu đồng/tháng; Nhật Bản 20-30 triệu đồng/tháng; Hàn Quốc 36-40 triệu đồng/tháng…

"Các lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tích lũy được tiền và gửi về gia đình thanh toán các khoản nợ ngân hàng, trang trải chi phí trong gia đình như xây dựng nhà cửa, phát triển sản xuất, chăn nuôi… Nhiều gia đình có người đi XKLĐ cơ bản thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nhiều người sau khi về nước đã mở các trang trại, thành lập doanh nghiệp, tổ sản xuất tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương", Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cũng kiến nghị trong thời gian tới, để thúc đẩy hơn nữa các đối tượng nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, dân tộc thiểu số đi XKLĐ, tỉnh Thanh Hóa cần có chính sách hỗ trợ  cho người lao động vay vốn từ ngân hàng chính sách.

Bình Minh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Nhật Bản   chính sách   doanh nghiệp   kiến nghị   làm giàu   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...