03/10/2021 14:10  
Trong các ngày 2-3/10, hàng chục ngàn người từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... đổ về miền Tây. Các tỉnh xuyên đêm tiếp đón người dân trong bộn bề nỗi lo nên vừa kiến nghị tạm ngưng cho dân về quê.

Kiến nghị tạm ngưng cho người dân về quê

Trưa 3/10 trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND- Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng cho biết: Từ hôm qua đến trưa ngày 3/10, đã có khoảng 20.000 người chạy xe gắn máy về địa phương.

Tất cả đều có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng, người dân được hướng dẫn về tập trung tại Khu văn hóa Hồ Nước Ngọt (phường 6-TP Sóc Trăng) để phân vùng theo địa phương, sau đó được CSGT và các lực lượng hướng dẫn về các khu cách ly tập trung tại các địa phương.

Còn tính từ sau nới lỏng giãn cách ngày (16/9) đến hôm nay, có khoảng 30.000 người dân Sóc Trăng từ các tỉnh, thành thuộc vùng dịch trở về địa phương.

Theo ông Lâu, để đảm bảo cho những người đã về và dân tại địa phương, trước mắt, tỉnh tận dụng trường học làm cơ sở cách ly tập trung. Tỉnh cũng chỉ đạo kích hoạt hết các khu cách ly tập trung, xây dựng nhà vệ sinh riêng biệt trong các khu cách ly để tránh lây nhiễm chéo song song với việc lo chỗ nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ cho người dân.

Ngoài ngân sách, tỉnh vận động xã hội hóa, kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm cùng chung sức lo cho bà con được chu đáo.

"Tỉnh sẵn sàng đón hết tất cả bà con về quê nhưng chúng tôi khuyến cáo bà con không nên ồ ạt về như vậy mà hãy đăng ký, về từ từ để tỉnh có điều kiện thu xếp cơ sở vật chất khu cách ly đón bà con, đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Năng lực tiếp nhận của tỉnh chỉ khoảng chừng này, nếu bà con về thêm nữa, sẽ vỡ trận,  sẽ khó khăn cho địa phương", ông Lâu chia sẻ.

Trước tình trạng bà con ồ ạt về như vậy, ông Trần Văn Lâu cho biết ông cùng lãnh đạo 12 tỉnh ĐBSCL đã kiến nghị đến tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đề nghị tạm ngưng cho người dân tự về quê.

Thời gian tạm ngưng tiếp nhận 15 ngày. Trong thời gian này, các địa phương chuẩn bị mọi mặt và lo chu đáo cho số bà con đã về. Sau khi ổn định, tỉnh sẽ xin ý kiến tiếp.

Nếu kiểm soát không tốt dòng người hồi hương, nguy cơ sẽ lại bùng phát dịch

Tại Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, đêm qua đến sáng 3/10 có trên 20.000 người dân đi qua các chốt tại Đồng Tháp, trong đó dân Đồng Tháp khoảng 5.000 người.

Với công dân Đồng Tháp, khi tập hợp khoảng 500 người, CSGT dẫn đường về địa phương nơi người dân thường trú để nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm, đưa vào khu cách ly tập trung.

Còn đối với dân các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ…, tập hợp 500 - 600 người, cán bộ CSGT dẫn đường đưa người dân tới địa bàn giáp ranh các tỉnh, bàn giao cho lực lượng của tỉnh đó để làm các thủ tục tiếp theo.

Người đứng đầu UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Với số lượng hiện tại, tỉnh đang đáp ứng được nhưng khi số dân lên 15.000 - 20.000 thì khó cho tỉnh. Nhưng dù thế nào, cũng là dân mình nên sẽ nỗ lực tiếp đón bà con. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng rất mong bà con ở lại TP HCM, các tỉnh, vì hiện nay các địa phương này đã kiểm soát được dịch, tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin cũng cao hơn các tỉnh miền Tây".

Ông Nghĩa bày tỏ lo lắng khi sáng nay, qua test nhanh đã có trên 20 ca nghi nhiễm SARS-CoV-2. Nếu kiểm soát không tốt dòng người hồi hương, nguy cơ bùng phát dịch trong 5-10 ngày tới là có thể xảy ra.

Trong 3 ngày An Giang đã đón 15.000 công dân hồi hương

Còn tại An Giang từ ngày 1-3/10, tỉnh này đã tiếp đón trên 15.000 người. Các huyện đã tổ chức đón về 5.221 người. Hiện còn lại 9.966 người đang tá túc tạm thời ở các trường học, nhà thi đấu đa năng trên địa bàn TP Long Xuyên chờ phân nhóm, đưa về các huyện khi các điểm cách ly tập trung sẵn sàng

Hiện Sở GD-ĐT tỉnh An Giang đã mở 700 điểm, trường học trên địa bàn tỉnh làm nơi cách ly tập trung hoặc tiếp nhận công dân về quê.

Lãnh đạo tỉnh An Giang kêu gọi người dân ở lại nơi lao động, không về ồ ạt vì nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Hơn nữa, điều kiện nguồn nhân lực y tế, cơ sở hạ tầng phục vụ phòng, chống dịch trong tỉnh còn hạn chế, các khu cách ly tập trung, thu dung điều trị trong tỉnh hiện nay gần như quá tải, tỷ lệ bao phủ vắc xin/dân số trong tỉnh chỉ đạt 21% mũi 1 và 7.5% mũi 2.

Còn tại Kiên  Giang, trước tình hình người dân ồ ạt về quê, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Kiên Giang đã tăng cường lực lượng đến các địa phương có cửa ngõ đi vào tỉnh, tiếp nhận người dân chu đáo, an toàn.

Là địa phương cửa ngõ có tuyến quốc lộ 80 đi qua và tiếp giáp với TP. Cần Thơ, 2 ngày qua, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận gần 4.000 công dân ở TP.HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai đi xe máy về quê. Trong đó có nhiều phụ nữ mang thai và trẻ em.

Để đón công dân đi xe máy về quê, trong 2 ngày qua, lực lượng Công an, quân sự và ngành y tế huyện Tân Hiệp đã ứng trực 24/24 làm việc không ngơi nghỉ để chăm lo chu đáo và an toàn cho hàng ngàn người.

Những công dân sau khi được tập hợp theo nơi cư trú của từng huyện, thành phố đã có kết quả xét nghiệm âm tính thì được lực lượng Cảnh sát giao thông dẫn đường về địa phương để tiến hành khai báo y tế và đưa đi cách ly theo quy định. Tuy nhiên qua xét nghiệm nhanh đã phát hiện 4 trường hợp nghi nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Cũng trong 2 ngày qua  tại các chốt cửa ngõ khác của tỉnh Kiên Giang trên tuyến quốc lộ 61 thuộc địa bàn giáp giữa huyện Gò Quao với tỉnh Hậu Giang. Đường tỉnh thuộc huyện Giồng Riềng tiếp giáp với TP Cần Thơ và Hậu Giang đã tiếp nhận trên 3.000 người. Như vậy tổng cộng 3 ngày qua, Kiên Giang đã tiếp nhận khoảng 7.000 công dân hồi hương.

Trong đó, qua xét nghiệm nhanh và PCR phát hiện có trên 6 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và đã đưa cách ly điều trị. Số còn lại được lực lượng Công an và chính quyền địa phương hỗ trợ đưa về quê an toàn.

Nguyễn Hành - Xuân Lương- Minh Anh

Nguồn tin: dantri.com.vn


CSGT   Chính phủ   Covid   Covid-19   Công an   HCM   Lãnh đạo   TPHCM   kiến nghị   Đồng Nai  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...