10/12/2021 13:25  
Căng thẳng bùng lên ở biên giới Ukraine gần đây có thể là đòn thăm dò của Mỹ nhằm tìm điểm yếu của Nga và giành lợi thế đàm phán, theo đại tá Nguyễn Minh Tâm.

Trong nhiều năm qua, tình hình biên giới giữa Nga và Ukraine được coi là một "lò lửa" thường xuyên âm ỉ cháy, khi giao tranh giữa quân đội chính phủ Ukraine với phe ly khai miền đông được Nga hậu thuẫn. Tiếp thêm sức nóng cho căng thẳng khu vực là nỗ lực không ngừng của Ukraine nhằm tăng cường quan hệ với phương Tây, hướng tới mục tiêu trở thành một thành viên NATO, kịch bản mà Nga luôn coi là "không thể chấp nhận".

Tình hình bắt đầu tăng nhiệt từ đầu tháng 11, khi quân đội Nga điều nhiều quân nhân cùng khí tài tới khu vực thị trấn Yelnya, gần biên giới với Belarus. Ngay lập tức, Kiev cáo buộc Moskva lên kế hoạch đưa quân tấn công Ukraine, bất chấp thực tế thị trấn Yelnya nằm gần Belarus hơn Ukraine.

Cáo buộc của Ukraine nhận được sự ủng hộ của Mỹ và nhiều nước phương Tây, dù Nga nhiều lần khẳng định mọi động thái triển khai lực lượng quân sự trong lãnh thổ của nước này là hợp pháp và phục vụ mục đích phòng thủ, đồng thời bác cáo buộc lên kế hoạch tiến đánh Ukraine.

Trả lời VnExpress, đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, người đã nhiều năm theo dõi quan hệ Nga - Ukraine - NATO, cho rằng mồi lửa châm ngòi căng thẳng hiện nay là vấn đề người di cư ở biên giới Belarus - Ba Lan, một thành viên của NATO.

Lấy lý do ngăn dòng người di cư từ Belarus tràn vào châu Âu, Ba Lan triển khai hơn 10.000 binh sĩ áp sát biên giới một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga. Mỹ sau đó điều chiến hạm và oanh tạc cơ B1-B tham gia "cuộc diễn tập ngoài kế hoạch" của NATO tại Biển Đen cùng lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Ukraine ngày 14/11.

Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép quân sự khi tổ chức diễn tập chung trên bộ cấp lữ đoàn với Estonia sau đó một tuần, ở khu vực ngay gần thành phố St. Petersburg của Nga. Ngoài ra, Washington cùng một số đồng minh NATO tiếp tục bán vũ khí cho Kiev, đi ngược thỏa thuận của Định dạng Minsk 2.0.

Được Mỹ tăng cường ủng hộ, Ukraine leo thang chiến sự với phe ly khai ở miền đông, lần đầu tiên sử dụng máy bay không người lái (UAV) Bayraktar Akinsi mua của Thổ Nhĩ Kỳ tấn công các trận địa pháo của dân quân thân Nga.

Quân chính phủ Ukraine cũng gấp rút điều 125.000 binh sĩ áp sát ranh giới với lực lượng ly khai ở Donbass, dù chiến sự ở khu vực này đã hạ nhiệt đáng kể trong nhiều năm qua. "Nga không thể ngồi yên nhìn NATO áp sát mình và đốt lò lửa Donbass thêm lần nữa", đại tá Tâm nói.

"Căng thẳng liên quan Ukraine gần đây leo thang do Mỹ và NATO tiến hành những động thái quân sự nhằm tìm điểm yếu của Nga để khai thác, đồng thời giành lợi thế trong hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Joe Biden và và người đồng cấp Nga Vladimir Putin", ông nhận định.

Theo đại tá Tâm, Washington và NATO nhiều năm qua thường xuyên tìm cách gây sức ép với Nga, nhưng khác biệt lần này là căng thẳng diễn ra đồng thời trên ba hướng ở phía tây nước Nga, gồm Belarus, khu vực Baltic và Biển Đen, song song với đó là động thái leo thang xung đột ở miền đông của quân đội chính phủ Ukraine.

"Mỹ và đồng minh muốn phân tán sự chú ý của Nga, đồng thời thăm dò thực lực của nước này khi phải đối phó nhiều hướng, thay vì chỉ có miền đông Ukraine và Biển Đen", chuyên gia này nói.

Hồi đầu năm, Ukraine và phương Tây từng đưa ra cáo buộc "Nga sắp tấn công" tương tự, khi Moskva triển khai lượng lớn binh sĩ, khí tài hạng nặng ở biên giới phía tây. Nga khi đó cũng bác bỏ cáo buộc này và để thể hiện thiện chí, Moskva đã rút phần lớn vũ khí hạng nặng khỏi khu vực gần biên giới Ukraine hồi tháng 4, trước thềm cuộc gặp trực tiếp Biden - Putin tại Thụy Sĩ vào tháng 6.

"Tuy nhiên, khi NATO và Ukraine gần đây leo thang hoạt động quân sự, Nga phải tái triển khai quân tới biên giới phía tây để răn đe đối thủ, đồng thời thể hiện sự ủng hộ với Belarus và phe ly khai miền đông Ukraine trước sức ép từ bên ngoài", chuyên gia cho biết.

Ông Tâm nói đây là lý do Nga triển khai quân đội xung quanh khu vực thị trấn Yelnia, nằm chếch về hướng bắc, thay vì Bengorod - Rostov gần Ukraine hơn như lần trước. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận họ triển khai khoảng 90.000 quân, bằng gần một nửa con số 175.000 binh sĩ mà truyền thông Mỹ và phương Tây đưa ra.

"Phản ứng rất nhanh của Nga khiến phương Tây liên tiếp cáo buộc họ lên kế hoạch tiến đánh Ukraine trong tương lai gần, dù Moskva khẳng định đây chỉ là lực lượng phòng thủ. Động thái của Nga dường như cũng phát đi thông điệp với Mỹ và NATO rằng bất cứ hành động gây căng thẳng nào trên thực địa để tìm kiếm lợi thế trên bàn đàm phán đều vô ích", chuyên gia nhận định.

Nga kiên quyết duy trì lập trường "NATO phải ngừng mở rộng sang phía đông", đồng nghĩa Ukraine không thể gia nhập liên minh này. "Với các cuộc tập trận và triển khai quân ở khu vực phía tây, Nga muốn gửi thông điệp rằng họ sẽ đáp trả tương xứng bất cứ hành động phiêu lưu quân sự nào của Mỹ và NATO, đồng thời cảnh báo Ukraine không làm điều gì dại dột", ông Tâm nói.

Lập trường không nhượng bộ của cả Nga và Mỹ dường như là lý do hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Biden - Putin hôm 7/12 không mang lại kết quả đáng kể nào. Hai nước không đạt được thỏa thuận để hạ nhiệt căng thẳng trong vấn đề Ukraine, mà chỉ cam kết tiếp tục đàm phán ở cấp chuyên viên.

Tổng thống Biden ngày 8/12 cảnh báo về "đòn kinh tế mạnh mẽ" giáng vào Nga nếu Moskva có hành động quân sự với Ukraine. Trong khi đó, Putin cáo buộc NATO là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng tại Ukraine và đề nghị đưa ra một đảm bảo mang tính ràng buộc pháp lý ngăn liên minh này mở rộng đến sát biên giới Nga.

Đại tá Tâm nhận định vấn đề Ukraine vẫn là chướng ngại vật lớn nhất trên con đường giải quyết căng thẳng Mỹ - Nga, khi nhiều quan chức ở Kiev có quan điểm chống Nga cực đoan. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cả Nga và Mỹ không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine và người dân nước này sẽ quyết định lựa chọn con đường nào.

Dù tình hình ở Đông Âu nóng lên, nhất là ở Ukraine và các nước vùng Baltic, Nga và Mỹ đều không muốn vượt lằn ranh đỏ và sa vào "trận chiến một mất một còn" không mang lại bất cứ lợi ích nào, chuyên gia nhận định.

"Do đó, tình trạng giằng co giữa các bên sẽ tiếp tục với mức độ khác nhau, tùy thời điểm Mỹ đặt vấn đề Ukraine vào danh sách ưu tiên hay không. Trong khi đó, Nga sẽ quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình, nhưng cũng muốn có đường biên giới cùng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân", ông Tâm nhận định.

Nguyễn Tiến

Nguồn tin: vnexpress.net


Công an   Joe Biden   Thổ Nhĩ Kỳ   Tổng thống   chuyên gia   căng thẳng   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...