20/10/2020 14:10  
Đã nhiều ngày liên tiếp, những thông tin đau thương về lũ lụt kỷ lục ở miền Trung liên tục xuất hiện khiến những người con xa quê như có lửa đốt trong lòng. Tha hương đã vài chục năm, nhưng với họ, miền Trung vẫn là khúc ruột thân thương, là máu mủ ruột già của mình.

Xuyên đêm nấu bánh

Mấy ngày trước, một nhóm những người quê miền Trung tại Đắk Nông cùng nhau làm 3.000 hũ muối mè, muối xả, muối đậu phộng để gửi sư thầy trụ trì của một chùa mang ra phát cho bà con quê hương ăn cùng cơm sau nhiều ngày nước lũ bao vây.
Nhưng ra tới nơi, sư thầy báo về, nước ngập quá cao, bà con không có lửa, cũng không có điện để nấu cơm. Cả nhóm lại ngồi bàn nhau, vậy phải làm bánh tày (giống bánh tét thu nhỏ) - món bánh đặc trưng của Quảng Trị có thể bảo quản được lâu gửi về hỗ trợ bà con.
Để có thành phẩm nhanh chóng thì phải có sự chung tay của nhiều người, vậy là chị Lê Thị Thu Huyền (34 tuổi) đăng lên mạng xã hội kêu gọi người góp của, người góp công. Sau ít giờ kêu gọi, nhiều người tay xách nách mang đến nhà chị Huyền ở xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp từng bọc gạo nếp. Chị Huyền đội mưa đến những nhà trồng chuối xin lá để về gói bánh.
Nghe nói gói bánh gửi ra cho bà con miền Trung, mọi người lại xắn tay rọc lá phụ, chẳng mấy chốc xong xuôi khâu nguyên liệu. 18 giờ tối 18.10, nhiều chị em trong xóm tập trung tại nhà chị Huyền để gói bánh.
“Mỗi người một việc, chỉ sau 2 tiếng là đầy nồi bánh đầu tiên, tôi cho lên bếp bắt đầu nấu. Cứ vậy đến khi gói xong hết là nửa đêm. Tôi với bé em thức xuyên đêm để canh lửa và châm nước. Mà tới 2 giờ 30 sáng đói quá hai chị em chế mì ăn, ăn xong chịu hết nổi nên cả hai đi ngủ, cứ hẹn đồng hồ 30 phút dậy một lần để châm nước. 6 giờ sáng thì xong xuôi 8 nồi bánh với 60kg nếp đó, vừa kịp để trưa gửi xe ra Quảng Trị”, chị Huyền kể.
Vừa xong đợt này, nhóm chị lại nhận thông tin vẫn còn rất nhiều người dân trong vùng lũ đang cần thức ăn nên lại tiếp tục vận động mọi người cùng chung tay. Đợt thứ hai này, chị quyết định gói hết 120kg gạo nếp để giúp người dân miền Trung ấm bụng qua ngày lũ.

Thương lắm khúc ruột miền Trung

Chị Huyền cho biết, cả gia đình chị đã chuyển lên Đắk Nông từ lâu nên chị không có nhiều ký ức về quê hương của mình. Chỉ biết, khi nghe tin đài báo miền Trung lũ lụt, chị lại sốt ruột đứng ngồi không yên.
Chị nói: “Cùng là dòng máu Việt Nam. Lúc này ai cũng khổ hết, nhưng tôi còn nhà cửa, còn cái ăn cái mặc, bà con trong lũ thì đâu được như vậy, họ mất hết, đồ ăn cũng không có. Tôi cũng mừng khi được nhiều người chung tay góp sức chia sẻ”.
Sau khi gom đủ gạo, sáng 19.10, chị Huyền cùng 5 chị em khác trong xã đội mưa vào rừng hái lá chuối về gói bánh. Đến trưa, hơn 20 người từ thanh niên đến người già tập trung lại nhà chị để chia việc làm cùng nhau cho kịp sáng 20.10 gửi tiếp bánh ra hỗ trợ bà con miền Trung.
“Mọi người ủng hộ nhiệt tình lắm, người thì xách nếp qua nhà tôi, người thì chuyển khoản, người có con nhỏ không đi được thì nhắn địa chỉ tôi chạy qua lấy. Có đi mưa chút cũng không sao, thấm tháp vào đâu với những gì bà con mình đang gặp phải”, chị Huyền chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thuận (70 tuổi, quê Quảng Trị) khi nghe chị Huyền kêu gọi cũng chạy sang phụ giúp một tay. Bà Thuận theo cha mẹ lên Đắk Nông từ năm 1960, trong ký ức của bà chỉ có một lần duy nhất ở Quảng Trị gia đình bà bị nước ngập tràn vào trong nhà, nhưng cũng chẳng là gì so với mực nước của năm nay.
Bà Thuận cho biết: “Kỳ này thấy đài báo lên lụt cả trong nhà, lật xuồng ai cũng đau xót lắm. Ở đây mưa cũng lớn lắm mấy chị phải vào trong rừng để mà hái từng cái lá, tìm từng cọng dây để về gói bánh gửi về, thấy vậy tôi già rồi vẫn góp chút sức của mình”.
Theo bà Thuận, cuộc sống hiện tại của những người nông dân đồng hương miền Trung tại Đắk Nông lúc này dù có cực đến mấy nhưng vẫn còn cơm ăn nước uống, còn bà con vùng lũ không có nơi ăn chốn ở nên phải chung sức để cùng nhau gói cái bánh nho nhỏ như tấm chân tình gửi về quê hương.
“Nhiều người già như tôi ngồi gói bánh ai cũng than đau lưng, vì tuổi cao rồi mà, nhưng vẫn làm, vẫn vui vẻ, cực nhất là khâu kiếm củi để nấu thôi. Nãy con kêu về giữ cháu để nó cắt cỏ cho bò tôi bảo thôi để dịp khác đi, giờ quê hương miền Trung chìm trong nước, tôi phải phụ với chị em ở đây cho kịp nấu bánh mang gửi về”, bà Thuận bộc bạch.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Việt Nam   Đắk Nông  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...