22/12/2021 18:25  
Bộ Y tế và các địa phương hướng dẫn, tập huấn tăng cường việc cách ly, điều trị tại nhà và cơ sở, tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý các địa phương thực hiện chỉ đạo trên, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt một số nhiệm vụ phòng chống Covid-19, sáng 22/12.

Ông Đam nói hiện đã có cơ sở khá rõ để đánh giá biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn, gấp từ 3 đến 7 lần so với chủng Delta. Nguy cơ bị nhiễm bệnh do Omicron đối với người đã tiêm đủ hai mũi vaccine cao hơn 3 lần so với Delta. Thậm chí, những người từng nhiễm biến chủng Delta vẫn có nguy cơ nhiễm lại Omicron. Trong khi đó chưa có dấu hiệu rõ ràng để xác định chủng Omicron có độc lực thấp hơn.

Vì vậy, ông Đam cho rằng, "chúng ta phải trong tâm thế biến chủng này đã xuất hiện ở Việt Nam". Các địa phương đẩy nhanh hơn tốc độ tiêm vaccine, chuyển từ ưu tiên cho nhóm người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, sang tiêm cho tất cả mọi người thuộc nhóm chỉ định; đặc biệt không để người trên 50 tuổi, có bệnh nền không được tiêm.

Bộ Y tế bảo đảm đủ thuốc kháng virus cho các địa phương, cấp phát đến tất cả người bệnh có nhu cầu được uống sớm nhất.

Hệ thống y tế cơ sở không để tình trạng người dân xét nghiệm dương tính, song không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Theo ông Đam, giả sử biến chủng Omicron độc lực nhẹ, một tỷ lệ người đã tiêm đủ vaccine vẫn bị nhiễm, trong đó sẽ có một tỷ lệ chuyển nặng. "Nếu chúng ta để số ca nhiễm nhiều dồn vào một thời điểm gây quá tải hệ thống y tế, tỷ lệ tử vong sẽ rất cao. Vì vậy không được lơi lỏng cảnh giác", ông lưu ý.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị các địa phương điều chỉnh cách ly với F1 đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh. Cách đây một tuần, Bộ Y tế hướng dẫn các tỉnh, thành cách ly F1 tại nhà 7 ngày với những người trong diện này.

Chủ trương cách ly F1 tại nhà đã được Bộ Y tế hướng dẫn từ hồi tháng 7, tuy nhiên mới chủ yếu được thực hiện tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Từ giữa tháng 11, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc bắt đầu cho F1 cách ly tại nhà.

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết dù dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, nhưng số ca nhiễm và tử vong có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương. Đến ngày 22/12, Việt Nam ghi nhận hơn 1,5 triệu ca nhiễm Covid-19; hơn 30.000 người tử vong, chiếm 1,9% số ca mắc.

Các nguyên nhân ông Lân chỉ ra là, khi thích ứng an toàn, các hoạt động xã hội trở lại bình thường; mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng; miễn dịch của người tiêm vaccine giai đoạn đầu giảm dần theo thời gian, trong khi người mới tiêm cần thời gian sinh miễn dịch...

Vì vậy, ông đề nghị các tỉnh, thành đến 31/12 hoàn thành tiêm vaccine mũi hai cho người từ 18 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 3 cho người trưởng thành và tiêm đủ 2 mũi cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi trong tháng 1/2022; tổ chức tốt điều trị tại nhà, cơ sở cho bệnh nhân mắc Covid-19...

Đến hết ngày 21/12, Việt Nam đã tiêm được 140 triệu liều vaccine Covid-19; trong đó tiêm mũi một là 76,1 triệu liều; tiêm mũi 2 là 62,9 triệu liều; tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là hơn 1,3 triệu liều.

Viết Tuân

Nguồn tin: vnexpress.net


Covid   Covid-19   HCM   Hà Nội   Việt Nam   dịch vụ   dịch vụ y tế  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...